Đại lễ của Phật giáo toàn thế giới

15/05/2008 00:35 GMT+7

Trong không khí thấm đẫm tinh thần Phật giáo, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc đã khai mạc sáng qua, 14.5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Xem video clip (VTV)

Đến dự Lễ khai mạc có: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 tại Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

"Trong bối cảnh thế giới hiện nay, thông điệp của Đức Phật vì hòa bình, từ bi, tình thương đối với mọi sinh linh ngày càng trở nên khẩn thiết. Thông điệp nhắn nhủ mọi người cần mở rộng tấm lòng với đồng loại, những người đang cần sự giúp đỡ, đòi hỏi chúng ta nhận thức rõ rằng chúng ta là bản thân duy nhất, đặt hạnh phúc của cộng đồng, toàn thể nhân loại ngang bằng hạnh phúc của chính mình" - Thông điệp gửi tới Đại lễ của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An... cùng hơn 3.500 đại biểu, trong đó có 2.000 đại biểu quốc tế đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã dự lễ khai mạc.

Đại lễ mở đầu bằng lễ dâng hương, cúng dường Tam bảo trang nghiêm, trịnh trọng theo các nghi thức đặc trưng của Phật giáo. Tiếp đó, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do cơn bão Nargis ở Myanmar và động đất tại Trung Quốc vừa qua. Sau lễ dâng hương là màn biểu diễn múa Lục cúng hoa đăng và trình diễn bài ca Vesak thiêng liêng.

Cầu nguyện cho nạn nhân thiệt mạng trong cơn bão ở Myanmar và động đất ở Trung Quốc - Ảnh: TTXVN

Với chủ đề: "Đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh", Đại lễ Phật đản Liên Hiệåp Quốc 2008, Phật lịch 2552 khai mạc với sự tham dự của gần 2.000 đại biểu là chư tôn đức giáo phẩm, đại diện cho Phật giáo 60 nước và các tông phái Phật giáo trên thế giới.

Toàn cảnh buổi khai mạc - Ảnh: Trường Sơn

Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội, trong đó có Phật giáo. Ông nhấn mạnh Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm nay là cơ hội tốt để tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, cùng nhau hợp tác xây dựng xã hội tốt đẹp, một Niết bàn trong thế giới hiện thực, góp phần ngăn chặn sự xung đột, hóa giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi các nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui.

Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam là nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt từ rất sớm. Thời đại nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần 2.000 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh.

Các nhà sư Hàn Quốc thích thú với hình tượng Phật Di lặc - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ phát biểu rằng Đại lễ là vinh dự to lớn và thuận duyên đối với đất nước cũng như Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng cộng đồng Phật giáo quốc tế phát huy tư tưởng giáo lý Phật Đà, lợi lạc quần sinh, đem lại hòa bình cho nhân loại trong phạm vi toàn cầu. Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong trách nhiệm phát huy tinh thần đạo Phật, đạo của từ bi và hòa bình, tạo sự liên hữu trong ngôi nhà Phật giáo khắp 5 châu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên.

Đại lễ nhận được thông điệp của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, của lãnh đạo các nước trên thế giới như Thủ tướng Úc Kevin Rudd, Thủ tướng Sri

Lanka Rathasiri  Wickramanayaka, Tổng thống Cộng hòa Nhân dân Bangladesh. Các thông điệp đều nhấn mạnh chủ đề của Đại lễ thể hiện sự thao thức của mỗi người con Phật, của các hội đoàn Phật giáo đối với lòng từ bi, nền hòa bình và sự hòa hợp.

Buổi chiều cùng ngày, hàng ngàn đại biểu, tăng ni, phật tử đã tham dự hai buổi thuyết trình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Thiền sư Dharmakosajarn, Chủ tịch sáng lập Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc với các chủ đề "vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh" và "Phật giáo với vấn đề xã hội công bằng dân chủ văn minh".

Trong khuôn viên của Trung tâm Hội nghị quốc gia hôm qua, khoảng 10.000 tăng ni phật tử từ khắp nơi trên thế giới đã tề tựu cùng nhau tham gia các lễ hội văn hóa như triển lãm tranh ảnh về Phật giáo, tham quan các gian hàng hội chợ triển lãm Phật giáo.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, một tăng ni từ Bình Định ra tham dự Đại lễ nói rằng bà cảm nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, của đất nước đối với đời sống tinh thần nói chung và Phật giáo nói riêng thể hiện qua cách thức tổ chức Đại lễ quy mô và hoành tráng. Thầy Thích Đồng Ngộ từ chùa Một Cột (TP.HCM) vẻ mặt rạng rỡ nói rằng đây không chỉ là ngày hội của Phật giáo Việt Nam mà còn của Phật giáo thế giới. "Đây là cơ hội hiếm hoi trong đời của tôi khi được tham dự một sự kiện quan trọng của Phật giáo thế giới".

Theo chương trình, kết thúc 3 ngày làm việc chính tại Hà Nội, ngày 17.5, các đại biểu dự Đại lễ sẽ đi thăm các thắng tích Phật giáo tại Yên Tử (Quảng Ninh), Ninh Bình và Vịnh Hạ Long.

Như Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.