Đại lộ Đông Tây chính thức mang tên Võ Văn Kiệt

29/04/2011 14:02 GMT+7

(TNO) Sáng 29.4, Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp với UBND Q.1 (TP.HCM) tổ chức lễ đặt tên đường Võ Văn Kiệt cho đại lộ Đông Tây.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP phát biểu: việc đặt tên đường này nhằm bày tỏ lòng kính trọng và ghi nhớ công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - một nhà lãnh đạo luôn trăn trở về những chiến lược, giải pháp, công trình mang tính đột phá, đưa thành phố ngày càng phát triển cùng cả nước; người có nhiều đóng góp cho sự đổi mới của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng.  

Đặc biệt, thể theo nguyện vọng, lòng mong muốn của cán bộ, nhân dân thành phố, kỳ họp HĐND TP.HCM khóa VII, lần thứ 18 đã thông qua nghị quyết về việc đặt tên đường mang tên Võ Văn Kiệt.

Ông Tài nói, với việc đưa vào sử dụng toàn tuyến đại lộ Đông Tây, cũng như kết nối đại lộ với hai tuyến đường cao tốc phía đông, phía tây, và cùng với việc thành phố tiếp tục quy hoạch hoàn chỉnh các hạng mục cảnh quan, cây xanh, các tuyến monorail, xe buýt nhanh dọc theo đại lộ, tuyến buýt đường thủy trên kênh Tàu Hủ - Thị Nghè, TP.HCM sẽ khai thác triệt để công năng và vai trò chiến lược của tuyến đường Võ Văn Kiệt. 


Lãnh đạo TP và gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chụp hình lưu niệm dưới cột tên đường Võ Văn Kiệt - Ảnh: Trần Duy

Sau khi kết nối đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương ở phía tây và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây ở phía đông, đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ trở thành trục giao thông chiến lược, kết nối TP.HCM với hai vùng kinh tế lớn; tạo động lực, thúc đẩy phát triển toàn vùng.

Đại lộ Võ Văn Kiệt là công trình trọng điểm của hệ thống hạ tầng giao thông thành phố, có tổng chiều dài 21,89 km, đi qua địa bàn các quận 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Đại lộ có điểm đầu là nút giao Tân Kiên (huyện Bình Chánh), điểm cuối là nút giao Cát Lái (Q.2). 


Một góc đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Trần Duy

Toàn tuyến có 10 cầu xây mới, 3 cầu cũ được cải tạo, 12 cầu bộ hành và đường hầm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.940m.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.863 tỉ đồng, trong đó có 6.393 tỉ đồng (chiếm 64,82% tổng mức đầu tư) là vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản; vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM là 3.470 tỉ đồng (chiếm 35,18% tổng mức đầu tư). Đại lộ Võ Văn Kiệt chính thức thông xe vào ngày 2.9.2009. 

Theo UBND TP.HCM, đại lộ Võ Văn Kiệt được đưa vào sử dụng rút ngắn thời gian đi lại, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đông - tây; tạo ra con đường ngắn nhất nối khu đô thị trung tâm hiện hữu của thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm; khôi phục cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn - Bến Nghé xưa…

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23.11.1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long, từ trần vào ngày 11.6.2008.

Ông tham gia hoạt động phong trào Thanh niên phản đế năm 1938. Tháng 11.1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX...

Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; nhiều huân chương, huy chương cao quý khác và huy hiệu 60 năm tuổi Đảng...

 
Trần Duy - Ngọc Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.