|
Những phát biểu mới của lãnh đạo Trung Quốc đại lục và Đài Loan cho thấy hai bên vẫn còn bất đồng sâu sắc, dù quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện mạnh mẽ trong mấy năm qua. Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu khẳng định Đài Loan sẽ không trở thành “Hồng Kông thứ 2” vì vùng lãnh thổ này có “hệ thống chính trị và giá trị dân chủ riêng”. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lại ý tưởng thống nhất với Đài Loan theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như đang áp dụng đối với Hồng Kông, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho việc Đài Bắc đòi độc lập, theo hãng tin CNA. Những tuyên bố trên càng củng cố suy đoán Trung Quốc không loại trừ khả năng dùng vũ lực thống nhất Đài Loan. CNA cũng dẫn báo cáo của Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho rằng Trung Quốc sẽ đạt khả năng tấn công toàn diện vào Đài Loan trước năm 2020 và đánh giá vùng lãnh thổ này có thể cầm cự khoảng một tháng, chưa tính đến sự can thiệp của Mỹ.
Vũ khí của Đài Loan
Không xét đến sự can thiệp từ bên ngoài thì xung đột Trung - Đài nếu xảy ra sẽ là một cuộc chiến không cân xứng, vì sức mạnh quân sự của Bắc Kinh vượt hẳn Đài Bắc. Tuy nhiên, chuyên gia J.Michael Cole thuộc Đại học Nottingham (Anh) cho rằng Đài Loan có thể giành chiến thắng theo ý nghĩa là đạt mục tiêu đánh chặn, gây tổn thất lớn cho đối phương. Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest, ông Cole chỉ ra Đài Loan có những vũ khí có thể giúp họ trụ lâu trong cuộc chiến. Đó là máy bay không người lái (UAV) vũ trang tầm xa; chiến đấu cơ đa nhiệm có khả năng cất/hạ cánh trên đường băng ngắn; tên lửa hành trình tầm trung/xa và tàu ngầm. Theo chuyên gia này, UAV được trang bị tên lửa không đối đất có tầm hoạt động đủ để xâm nhập không phận Trung Quốc, góp phần nâng cao khả năng phân tán lực lượng đại lục. Bên cạnh đó, chiến đấu cơ hiện đại mua từ Mỹ có thể giúp Đài Loan làm suy yếu khả năng kiểm soát không phận ở eo biển Đài Loan của đối phương, thậm chí tiến tới không kích đại lục. Ngoài ra, máy bay có thể cất/hạ cánh trên đường băng ngắn hoặc theo phương thẳng đứng có thể giảm mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Cole cho rằng nếu được nâng cấp tầm bắn từ 650 km hiện nay, tên lửa hành trình Hùng Phong (HF) sẽ giúp tăng khả năng tấn công sân bay và những cơ sở trọng yếu nằm sâu trong đại lục. Tàu ngầm Đài Loan được trang bị ngư lôi và tên lửa chống tàu HF-3, được ca ngợi là “sát thủ tàu sân bay”, cũng sẽ ngăn chặn nỗ lực xâm nhập vùng biển xung quanh đảo này. Bên cạnh khí tài, con người cũng là một nhân tố quyết định và theo chuyên gia Cole, lực lượng đặc nhiệm và dự bị tinh nhuệ được huấn luyện tốt của Đài Loan sẽ gây nhiều tổn thất cho lực lượng đổ bộ của đại lục dù thua sút về quân số.
Tăng cường sức mạnh trên biển
Cũng nhằm ứng phó nguy cơ bị tấn công, Đài Loan không ngừng hiện đại hóa lực lượng trên biển. Một số quan chức tiết lộ với tuần san Defense News về kế hoạch đóng mới khu trục hạm, tàu hộ vệ và tàu ngầm trong vòng 20 năm tới để thay tất cả các tàu chiến đang “lão hóa”. Cụ thể, Đài Loan sẽ đóng 4 khu trục hạm 10.000 tấn, 10 - 15 tàu đổ bộ, tàu hộ vệ 3.000 tấn, và 4 - 8 tàu ngầm 1.200 - 3.000 tấn. Ngoài ra, Đài Loan sắp đóng 8 - 12 khinh hạm tàng hình lớp Đà Giang sau khi hạ thủy chiếc đầu tiên hồi tháng 3.2014.
Nhà phân tích Nga Aleksey A Maslov nhận định với chuyên trang RTR-Planeta rằng khinh hạm Đà Giang có khả năng tác chiến điện tử làm vô hiệu hóa hệ thống radar, liên lạc trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Khinh hạm mới còn có khả năng mang 16 tên lửa chống tàu HF-2 và HF-3 cùng pháo Otobreda 76 mm, súng máy 12,7 mm. WantChinaTimes dẫn lời giới quan sát cho rằng trong bối cảnh hải quân Trung Quốc đang tăng cường nhiều tàu chiến hiện đại, cuộc chiến bất đối xứng là lựa chọn duy nhất cho Đài Loan và khinh hạm Đà Giang sẽ góp phần đáng kể trong việc chặn đà tấn công của những tàu chiến lớn.
Những con bài của Trung Quốc Trên chuyên san The National Interest, chuyên gia Michal Thim tại Đại học Nottingham cho rằng Trung Quốc sở hữu 4 loại vũ khí có thể đe dọa Đài Loan. Thứ nhất là tên lửa. Ông Thim cho rằng số tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung mà Trung Quốc đang chĩa về bên kia eo biển đến nay đã lên tới khoảng 1.600 quả. Thứ hai là hệ thống phòng không S-300 tiên tiến mua từ Nga với khả năng theo dõi các mục tiêu ở cách xa khoảng 300 km và tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc. Hai vũ khí lợi hại còn lại là tàu ngầm và tàu khu trục Type 052D. Chuyên gia Thim phân tích tàu ngầm đóng vai trò phong tỏa trên biển còn tàu Type 052D sẽ phá hủy các tàu chiến cũng như máy bay, UAV của Đài Loan. |
Văn Khoa
>> Đài Loan đang hoàn tất xây dựng cảng phi pháp ở Trường Sa
>> Đài Loan nhờ Mỹ hỗ trợ để tự đóng tàu ngầm
>> Đài Loan cảnh báo Trung Quốc gia tăng tấn công mạng
>> Đài Loan điều tàu tuần tra lớn chặn tàu Trung Quốc
Bình luận (0)