Cấm kỵ những cái vỗ vai
Cơn mưa chuyển mùa dứt, phía núi mặt trời vừa tắt cũng là lúc ông Lê Tuấn Mõ (57 tuổi, người dân tộc Pa Kôh, trú tại thôn Ky Ré, xã Hồng Thượng, H.A Lưới) trở về nhà sau một ngày lên rẫy.
Tôi tìm đến ông nhờ lời giới thiệu của một người quen. Dù được báo trước nhưng ông Mõ vẫn tỏ vẻ dè dặt khi đề cập “thuốc thư”. “Tin hay không thì tùy mỗi người, nhưng bố thì tin “thuốc thư” là có thật. Cách đây 3 năm, con trai bố là Lê Văn Trí (30 tuổi) bị một người đàn ông trong thôn “thư” vì thù hận chuyện lặt vặt trong cuộc sống. Bố chạy quanh tìm thầy. May gặp người cứu được, thằng Trí mới sống đến giờ đấy”, ông Mõ mở đầu câu chuyện.
Nhiều bản làng hẻo lánh hay ở cả khu vực trung tâm A Lưới vẫn tin rằng “thuốc thư” vẫn tồn tại |
HOÀNG SƠN |
Theo lời ông Mõ, “thuốc thư” không khác gì một loại thuốc độc được những kẻ xấu sử dụng như một thứ vũ khí. “Thuốc thư” có hình dáng bên ngoài như cây tre, được những người già có kinh nghiệm bí mật trồng trong vườn nhà. Nếu đốt màu xanh thì dùng để cứu người, đốt màu vàng dùng để làm thuốc độc. Trong cộng đồng, thật khó nhận biết tung tích người có dã tâm sở hữu “thuốc thư”.
Ông Mõ kể người nào ốm đau một thời gian, sau vài tháng hồng hào trở lại dù không đi khám chữa bệnh thì nhiều khả năng đó là người biết dùng “thuốc thư”.
“Có nhiều loại “thuốc thư”, loại khiến người ta ốm đau dai dẳng kiểu ù tai, đau đầu, sốt... Cũng có loại thuốc khiến đau dạ dày, và đây là loại nguy hiểm nhất. Từ ngày xưa, bố đã nghe những người già kể chuyện, để thử thuốc người ta bỏ vào cây thì cây đổ, bỏ vào đá thì đá nổ…”, ông Mõ kể tiếp. Ông bảo, có nhiều phương thức nhưng phổ biến nhất là bỏ thuốc trực tiếp vào đồ ăn, thức uống. Có loại thuốc chỉ cần vỗ vai…
Thấy tôi tò mò, ông Mõ lý giải: “Sao người ta lại tuyệt đối cấm kỵ những cái vỗ vai? Bố đã hỏi nhiều người. Thuốc đặt vào bàn tay. Vỗ vai có thể nhiều lần trong cuộc gặp mặt nhưng nó chỉ có hiệu nghiệm ở lần đầu. Sau 3 - 4 ngày thì người đó sẽ phát bệnh. Trong giao tiếp hằng ngày, chúng tôi không bao giờ vỗ vai nhau, vì dễ tạo ra sự nghi ngờ”. Cách hóa giải bài “thuốc thư” vỗ vai này cũng “bí hiểm” không kém: Người bị vỗ vai cần nhanh trí… vỗ lại.
“Người lịch sự không cầm miệng cốc”
Trong đêm mịt mùng mưa giữa đại ngàn, tôi được anh L.T.T (trú tại xã A Ngo, H.A Lưới) mời nhấp chén rượu bên bếp lửa. Câu chuyện “thuốc thư” được anh T. khẳng định là vẫn tồn tại đến nay trong đời sống người Tà Ôi.
Già Quỳnh Hiền kể lại những câu chuyện ly kỳ xung quanh “thuốc thư” khiến nhiều người khiếp sợ |
“Cả làng không ai bảo ai, nhưng từ khi ông X. qua đời vào năm 2021, nhiều người không còn lo lắng về “thuốc thư” nữa. Gần như ai cũng tin ông X. có loại thuốc này”, anh T. kể.
Từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nhiều người dân A Ngo kháo nhau ông X. có “thuốc thư”. “Bố tôi là người có tư tưởng cấp tiến nên ông rất ghét “thuốc thư”. Cỡ đâu vào khoảng năm 1995 - 1996, ông đã báo tin và ngành chức năng đã về vận động ông X. nhổ bỏ cây thuốc độc. Từ đó, bố tôi và ông X. lại càng thêm xích mích”, anh T. nhớ lại. Người nhà anh T. từ đó trở đi càng cảnh giác với ông X. Khi men rượu đoác ngấm dần, anh T. thổ lộ thêm về những điều cấm kỵ trong giao tiếp. Ngoài chuyện tránh vỗ vai nhau khi mới gặp, người Tà Ôi, Pa Kôh tuyệt đối tránh việc xoa đầu nhau.
Trong những bữa tiệc, với người mới quen biết lần đầu, người Tà Ôi thường tự rót rượu rồi uống trước. Đó là cách người ta thể hiện mình không có mưu toan hại người. Cầm cốc rượu trên tay, anh T. chỉ cho tôi cách giao tiếp được cho là lịch sự của người Tà Ôi. “Người lịch sự là người không cầm ở miệng cốc rượu mời khách. Chính từ nỗi lo “thuốc thư” có thể bị người xấu bỏ sẵn vào móng tay, nên từ xa xưa đồng bào chúng tôi đã mời rượu khách bằng cách cầm dưới đáy cốc. Đây là hành động mến khách. Ý tôi muốn nói: bạn đừng lo, tôi là người tốt bụng! Cuộc rượu sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu vị khách hồi đáp “không có chi!”, để thể hiện sự tin tưởng nhau tuyệt đối”.
Bài trừ bài thuốc độc xưa
Anh T. dẫn tôi đến gặp già Quỳnh Hiền (83 tuổi, trú tại thôn Ta Roih, xã A Ngo) để nghe kể thêm câu chuyện về “thuốc thư”.
Ông Lê Tuấn Mõ mô tả cách thức người ta sử dụng “thuốc thư” bằng cái vỗ vai |
Già Hiền nói như đinh đóng cột: “Thuốc thư” có trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới, ngay tại A Ngo gần đây cũng có người bị nghi đang sở hữu bài “thuốc thư”, tất nhiên rất khó kiểm chứng. Ngày xưa đồng bào Tà Ôi đã truyền nhau những chuyện có người chết do “thuốc thư”. Đó là những bài thuốc độc bỏ trực tiếp vào thức ăn, nước uống… “Từ khi có cách mạng, cán bộ đã đến từng làng để tuyên truyền. Nếu nhà ai có trồng thuốc độc thì sẽ bị nhổ bỏ. Ai không chấp hành thì bị cả làng cách ly”, già Hiền nhớ lại.
Già Hiền bảo rằng, “thuốc thư” là thứ thuốc hại người nên rất đáng sợ. Ngày xưa, ai nghi ngờ có “thuốc thư” sẽ bị cả làng vây bắt, thả kiến vàng cắn đến khi đau quá khai ra thì thôi. Giai đoạn năm 1964 - 1972, khi làm Xã đội trưởng xã A Ngo, già Hiền đã tìm đến nhiều bản làng để vận động người dân từ bỏ “thuốc thư”. Người dân xã A Ngo vẫn lưu truyền chuyện cha con trong một gia đình mâu thuẫn nhau vì “thuốc thư” xảy ra nhiều năm trước. Người cha vì căm tức một người đã lấy tiền tiết kiệm đi mua “thuốc thư” về trả thù. Nhưng rồi ông bị chính các con ngăn cản, lấy luật pháp ra khuyên răn, cuối cùng người cha đã vứt bỏ thuốc, mất trắng luôn khoản tiền dành dụm.
Là một người địa phương, bác sĩ CK2 Hồ Bách Thắng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm y tế H.A Lưới, khẳng định trong đời sống các dân tộc thiểu số ở A Lưới có tồn tại câu chuyện “thuốc thư”. “Trong dân gian vẫn tin và vẫn còn những bài thuốc độc mà người dân gọi là “thuốc thư”. Theo tôi tìm hiểu thì đó như một loại độc dược có thể bỏ vào thức ăn, nước uống”, bác sĩ Thắng nói. Ông cũng biết nhiều người dân còn tin chuyện nếu đến trung tâm y tế chữa bệnh mà vẫn không khỏi thì có thể người đó đã vi phạm tập quán của đồng bào. Tuy nhiên, ở góc độ y học, ông cho rằng đa số những trường hợp này là do những bệnh lạ hoặc khó chữa dứt. “Bà con hiểu sai nên chúng tôi khuyến cáo không tin vào những tập tục lạc hậu”, ông Thắng nói thêm.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VH-TT H.A Lưới, cũng cho hay các già làng, trưởng bản thường đến vận động đồng bào bỏ hủ tục, không suy nghĩ. “Trước đây, đúng là chuyện này có nhiều, nhưng giờ không còn hoặc ít đi rồi. Ngày xưa, giữa làng này làng nọ chưa hiểu nhau nên có những vấn đề bỏ thuốc độc hại nhau. Sau này, khi pháp luật được tuyên truyền sâu rộng thì nhiều dân đã loại bỏ “thuốc thư” khỏi đời sống”, bà Thêm nói. (còn tiếp)
Chiếc lá T'Đăng ở đâu ?
Nếu không may bị nhiễm “thuốc thư” thì làm sao hóa giải? Trả lời thắc mắc này của tôi, nhiều người dân ở địa bàn H.A Lưới cho biết hiện không có nhiều người nắm giữ bí quyết giải độc. Thường thì người bị “thư” sẽ phải chuẩn bị một số đồ làm lễ theo phong tục rồi được thầy cúng hóa giải. Nhiều năm trước, người ta biết đến một bà cụ tên Căn Plim (tại xã A Roàng) có thể giải “thư”, hiện bà đã mất. Gần trung tâm huyện thì có ông L.V.C vẫn còn giữ được bài thuốc giải. Ông Lê Tuấn Mõ kể nhiều người truyền miệng công dụng “chống thư” của chiếc lá có tên T'Đăng. “Nếu có lá này trong người thì người xấu muốn “thư” cũng không được. Nhưng chiếc lá T'Đăng ở đâu thì ngày nay… không ai biết”, ông Mõ nói.
Bình luận (0)