Đại sứ Mỹ và Mậu Thân 1968

03/02/2013 03:20 GMT+7

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 luôn được đánh giá như một bước ngoặt đối với cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1954 - 1975.

Trong đó, việc các chiến sĩ biệt động cách mạng Việt Nam tiến công chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đã trở thành sự kiện chấn động toàn cầu. Trước đó, gần như các đại sứ quán, đóng vai trò biểu tượng của Washington tại nước ngoài, chưa bao giờ bị chiếm giữ ngoạn mục như thế. Nhất là khi Mỹ đang đồn trú hàng trăm ngàn binh sĩ cùng một lực lượng vũ khí hùng hậu tại miền nam Việt Nam.

 
Biệt động đã bắn thủng tường Đại sứ quán Mỹ để tấn công vào trong - Ảnh: David Halberstam

 
Đại sứ Bunker (phải) - Ảnh: The Washington Post

 
Tại cổng ra vào của Đại sứ quán Mỹ lúc sáng 31.1.1968 - Ảnh: T.L

Đòn bất ngờ

“Lúc đó có lẽ vào khoảng 1 - 3 giờ sáng (ngày 31.1.1968 - NV), khi tôi đang ngủ thì cuộc tiến công bắt đầu. Một lính thủy đánh bộ đánh thức tôi và thông báo Sài Gòn bị tiến công. Tôi được dẫn ra một chiếc xe bọc thép để đến địa điểm an toàn. Tại nhà an toàn, tôi liên lạc với tướng Westmoreland (tướng William Westmoreland là Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam từ năm 1964 - 1968) để nắm tình hình”. Đó là lời kể lại của ông Ellsworth Bunker, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa từ năm 1967 - 1973, được trích dẫn trong tài liệu thuộc Thư viện Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson.

 

Chúng tôi chưa bao giờ trải qua một cuộc chiến như vậy trước đó. Đó vừa là chiến tranh quy ước vừa là chiến tranh du kích. Đó là một cuộc chiến mà đối phương sở hữu nơi ẩn náu có thể rút lui, củng cố, tái trang bị khí tài và chờ thời cơ... Đó là cuộc chiến tranh chính trị mà cũng là chiến tranh tâm lý

Đại sứ Bunker

Đến khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, ông Bunker mới quay về đại sứ quán sau khi nhận được sự đảm bảo từ cánh quân đội. Đó cũng là lúc Ellsworth Bunker bắt đầu liên lạc trở lại với Washington. Ông kể: “Trong suốt cuộc vây hãm, tôi không thực hiện một báo cáo cá nhân nào cho Washington. Tôi nhớ là mình rời khỏi nhà an toàn vào khoảng 9 - 10 giờ sáng. Khi trở lại nhà của mình, tôi nhìn thấy mù mịt khí ga”. Sau gần 7 giờ đồng hồ, ông mới nhận được chỉ thị trực tiếp từ Washington.

Thực sự, cuộc tổng tiến công là một đòn táo bạo và đầy bất ngờ đối với quân đội Mỹ. Đại sứ Bunker phải đồng ý điều này và ông thừa nhận rằng mình chỉ biết khi sự việc đã bắt đầu. Theo Ellsworth Bunker, trước đó, lực lượng tình báo cung cấp thông tin rất mơ hồ về kế hoạch tấn công. Ông cho biết: “Chúng tôi được cảnh báo rằng đối phương chuẩn bị thực hiện một cuộc tiến công nhưng chẳng thể xác định thời điểm. Chúng tôi chuẩn bị ứng phó mà chẳng có thông tin gì nhiều. Thế nhưng, chúng tôi vẫn tin cuộc tiến công sẽ xảy đến nên thực hiện một số biện pháp ứng phó, đặc biệt là tại Quân đoàn 3. Tướng Frederick Weyand chỉ huy lực lượng tại đây đã điều động binh sĩ củng cố khả năng phòng thủ cho Sài Gòn, đây có lẽ là điều rất may mắn mà ông ấy đã làm”.

Bước ngoặt cuộc chiến

Không chỉ mơ hồ về thông tin tình báo, Mỹ còn bất ngờ về khả năng phối hợp tác chiến trên quy mô lớn của lực lượng cách mạng Việt Nam. Đại sứ Bunker thừa nhận sự ngạc nhiên này không chỉ riêng mình mà cả Tổng tư lệnh Westmoreland lẫn Tổng thống Johnson đều như thế. Ông Bunker cho biết: “Chắc chắn tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều như vậy. Tôi nghĩ chẳng ai trong chúng tôi trước đó hình dung ra quy mô của cuộc tiến công. Chúng tôi nghĩ rằng đối phương chỉ tập trung đánh vào các thành phố. Nhưng thực sự thì quy mô vượt ra khỏi các thành phố, cuộc tiến công diễn ra cả ở những vùng nông thôn, thậm chí là thôn xóm. Điều đó quá những gì chúng tôi lường trước”. Ông nói thêm: “Ảnh hưởng của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân khiến quân nhân Mỹ nhận ra rằng khó khăn lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự đoán. Rõ ràng là (chúng tôi - NV) phải hứng chịu nhiều tổn thất trên khắp chiến trường này.”

Vì thế, ngay sau khi cuộc tổng tiến công diễn ra, tướng Westmoreland đã lên tiếng đề nghị Washinton tăng thêm binh sĩ. Đại sứ Bunker kể lại: “Vào thời điểm trên, ông ấy (tướng Westmoreland - NV) muốn bổ sung quân, tôi không nhớ rõ nhưng hình như con số vào khoảng 12.000 quân và tôi đã ủng hộ. Thế nhưng, tôi không ủng hộ đề nghị sau đó của ông ấy về việc tăng thêm một lực lượng rất lớn. (…) Tướng Westmoreland cảm nhận rằng với yêu cầu tăng thêm binh sĩ - tôi nghĩ con số có thể lên đến 200.000 - sẽ giúp ông ấy kết thúc cuộc chiến nhanh hơn. Tôi đã không ủng hộ”. Thực tế, giới lãnh đạo chóp bu ở Washington cũng không ủng hộ đề nghị của vị tổng tư lệnh chiến trường.

Về tổng thể cuộc chiến, Đại sứ Bunker nhận định rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ trải qua một cuộc chiến như vậy trước đó. Đó vừa là chiến tranh quy ước vừa là chiến tranh du kích. Đó là một cuộc chiến mà đối phương sở hữu nơi ẩn náu có thể rút lui, củng cố, tái trang bị khí tài và chờ thời cơ. Họ có thể tăng giảm mức độ chiến sự để khi cần thì lắng xuống và quay trở lại vào thời điểm thích hợp. Đó là cuộc chiến tranh chính trị mà cũng là chiến tranh tâm lý”. 

Ngô Minh Trí

>> Vụ sát hại đại sứ Mỹ tại Lybia: Bắt hai nghi can người Tunisia
>> Các phần tử khủng bố sát hại đại sứ Mỹ tại Libya
>> Hé lộ về cái chết của Đại sứ Mỹ
>> Bí ẩn về cái chết của đại sứ Mỹ tại Libya
>> Obama cam kết truy tìm kẻ giết đại sứ Mỹ tại Libya
>> Đại sứ Mỹ nói về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.