Chiều 1.3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.
Hội nghị do ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP.HCM (Ban Chỉ đạo 138) chủ trì.
"Tội phạm cướp giật tuần này giảm nhưng tuần sau diễn biến phức tạp"
Phát biểu tại hội nghị, đại tá Mai Hoàng cho biết, trong năm 2022, tình hình tội phạm trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm đường phố.
Tội phạm đường phố gồm nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp, cướp giật, trộm cắp; tội phạm ma túy; tội phạm cờ bạc như mua bán số đề, đánh bạc trên điện thoại…; gây rối trật tự công cộng; đua xe; cố ý gây thương tích diễn ra trên đường phố nhiều, liên quan đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đại tá Mai Hoàng nói thêm, trong năm 2022, tội phạm cướp giật diễn biến phức tạp. "Bằng nhiều văn bản, ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, địa phương và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chia sẻ của quần chúng, đồng bộ trong đấu tranh, phòng chống thì có giảm. Tội phạm cướp giật có giảm nhưng không căn cơ, tuần này giảm nhưng tuần sau diễn biến phức tạp", đại tá Mai Hoàng nói.
"Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm, Thành ủy, UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo 138 của thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm đường phố", đại tá Mai Hoàng nhấn mạnh.
Tội phạm đường phố khiến người dân rất bức xúc
Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP.HCM cho biết, với loại tội phạm gây rối trật tự công cộng thì ngoài mâu thuẫn từ trước, còn có những mâu thuẫn trên mạng xã hội rồi hẹn đánh nhau để giải quyết.
Qua phân tích thì một số đối tượng tham gia đều trẻ. Có 78% đối tượng hầu như tham gia lần đầu, 25% đối tượng tham gia chưa có tiền án, tiền sự, 70% đối tượng là người trên địa bàn thành phố.
Đại tá Hiếu đánh giá, tội phạm đường phố khiến người dân rất bức xúc vì khiến mất mát phương tiện, tài sản, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của họ. Công an TP.HCM đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp tuần tra, chốt chặn để xử lý.
Đại tá Hiếu cũng nêu ra một hạn chế, đó là tuy có sự kết nối nhưng chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ khi thực hiện, truy bắt tội phạm còn chậm trễ.
Theo đại tá Hiếu, tội phạm gây rối trật tự công cộng sử dụng các hung khí được mua bán trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc tập trung đấu tranh, xử lý vẫn chưa triệt để được hết.
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP.HCM có nhiều lò độ xe, chế xe. Đây được xem là điểm mấu chốt vì các đối tượng cướp giật, gây rối trật tự công cộng thường lợi dụng để độ chế xe rồi sử dụng lưu thông với tốc độ cao, gây án.
Liên quan đến vấn đề này, đại tá Mai Hoàng cho hay, thời gian qua, lực lượng Công an TP.HCM đã kiểm tra, xử lý rất nhiều lò độ chế xe, nhưng hiện chưa triệt tận gốc được tình trạng vi phạm. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là cần phải xử lý tận gốc, căn cơ. Việc xử lý này phải triệt để, thường xuyên, không phải "làm một thời gian rồi sau thì lơ là".
"Đã làm được nhiều mặt rất nổi bật"
Trong phần kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đánh giá các đơn vị đã làm được nhiều mặt rất nổi bật như kéo giảm tội phạm, tỷ lệ điều tra khám phá án tăng, nhiều án trọng điểm được tập trung làm, kết quả nổi bật.
Ông Ngô Minh Châu đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, đoàn thể và chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ nhằm kéo giảm sâu các loại tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
"Tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo thường xuyên của Thành ủy, chỉ đạo quyết liệt của UBND TP.HCM và sự quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân, công tác phòng chống tội phạm trong năm 2023 sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM", ông Ngô Minh Châu chia sẻ.
Theo Công an TP.HCM, năm 2022, ghi nhận xảy ra 4.266 vụ phạm tội về trật tự xã hội (so với năm 2019 đã giảm 156 vụ). So với năm 2019, nhóm tội phạm được kéo giảm gồm cố ý gây thương tích, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm xâm phạm sở hữu gồm cướp, cướp giật, trộm cắp được kéo giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 334 vụ) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (2.816 vụ, chiếm tỷ lệ 66,01%).
Bình luận (0)