Người phụ trách Tạp chí Xung phong
Chúng tôi gặp ông khi ngày kỷ niệm 78 năm thành lập Quân đội Nhân dân VN gần kề. Đã 96 tuổi, Đại tá Thân Hoạt vẫn hoạt bát, minh mẫn, trò chuyện sôi nổi. Ông kể: “Tôi sinh trong một gia đình đông con (8 trai, 1 gái), thành phần trung nông lớp dưới ở nông thôn. Tôi học khá nên cha tôi cho học tiếp lên bậc cao hơn. Các anh trước của tôi chủ yếu học chữ Nho. Riêng tôi học chữ Quốc ngữ”.
Đang học trung học ở tỉnh lỵ Quảng Ngãi thì Nhật đảo chính Pháp, trường học đóng cửa, cậu học trò Thân Hoạt phải nghỉ học trở về quê nhà. Đúng thời điểm đó, đội du kích Ba Tơ xuống núi tuyển người. Trong sách xưa vẫn dạy “chí làm trai dặm nghìn da ngựa” nên chàng thanh niên họ Thân 18 tuổi liền gia nhập du kích Ba Tơ.
Đội du kích Ba Tơ |
tư liệu |
“Nhờ có học, tôi được các anh giao phụ trách Tạp chí Xung phong, cho nên bây giờ nhiều nơi viết tôi là Tổng biên tập”, Đại tá Thân Hoạt hào hứng kể.
Sau khởi nghĩa, ban chỉ huy du kích Ba Tơ chủ trương ra Tạp chí Xung phong. Tạp chí Xung phong ra được khoảng 4 - 5 số, khoảng 10 trang, xếp thành khổ nhỏ bằng bàn tay bỏ túi được. Đây là kinh nghiệm do ông Nguyễn Đôn từng in truyền đơn bí mật bày cho cách làm.
Có 2 nội dung lớn nhất, chủ yếu nhất của tạp chí mà ông Hoạt còn nhớ, đó là: đăng điều lệ kỷ luật của đội du kích Ba Tơ và những bài viết về kinh nghiệm du kích ta, du kích Tàu vì lúc đó lực lượng vũ trang của ta chưa có kinh nghiệm. Như lời ông kể, sau này, nhiều người nghiên cứu ngạc nhiên vì đội du kích mà có điều lệ.
“Vạn sự khởi đầu nan, lúc đầu mình làm cũng khó khăn, qua thực tiễn càng ngày càng cho mình kinh nghiệm, cho mình hiểu biết, sau này mình cũng tham gia làm báo”, Đại tá Thân Hoạt kể tiếp: “Trong thời gian làm nhiệm vụ bí thư (trợ lý) của Đại tướng Hoàng Văn Thái (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó tổng tham mưu trưởng), tôi được giao chấp bút chuẩn bị các bài viết, bài phát biểu của anh Thái”.
Du kích Ba Tơ chí quật cường
Là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân VN, đội du kích cứu quốc quân Ba Tơ (thường gọi là du kích Ba Tơ) ra đời sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945). Ban đầu, đội du kích Ba Tơ có các ông Phạm Kiệt - Chỉ huy trưởng, Nguyễn Khoách - Chỉ huy phó, Nguyễn Đôn - Chính trị viên. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Chánh với chủ trương xuống đồng bằng, đội du kích Ba Tơ đã phát triển nhanh chóng về số lượng, trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào kháng Nhật cứu nước tại tỉnh Quảng Ngãi.
Đại tá Thân Hoạt cho biết: Khi du kích Ba Tơ xuống đồng bằng là một bước ngoặt. Từ chưa đầy 30 người thành lập ban đầu, du kích Ba Tơ phát triển nhanh chóng thành 2 đại đội: Đại đội Phan Đình Phùng ở Chiến khu bắc Quảng Ngãi ở Vĩnh - Sơn (Vĩnh Tuy - Sơn Tịnh) do các ông Phạm Kiệt, Phan Phong, Võ Thứ, Tạ Phương chỉ huy. Đại đội Hoàng Hoa Thám ở Chiến khu nam Quảng Ngãi vùng Núi Lớn (rừng Dầu Rái - Mộ Đức) do các ông Nguyễn Đôn, Lê Đức, Nguyễn Khoách, Trần Công Khanh chỉ huy. Phụ trách chung là ông Nguyễn Chánh.
Đội du kích Ba Tơ là nòng cốt để giành chính quyền trong Cách mạng tháng tám 1945. Dù ở xa Trung ương, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh đầu tiên giành chính quyền thắng lợi. Từ 2 đại đội trở thành chi đội 1 tỉnh Quảng Ngãi (chi đội tương đương trung đoàn hiện nay), đi Nam tiến. Sau chi đội 1 đi Nam tiến, chi đội 2 tiếp tục được xây dựng.
“Tôi cũng theo vào Nha Trang, chiến đấu ở Ninh Hòa. Cho đến 1954 tôi tập kết ra miền Bắc, công tác ở Bộ Tổng tham mưu”, Đại tá Thân Hoạt chia sẻ.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, chiến sĩ du kích Ba Tơ có mặt khắp các chiến trường. Nhiều cán bộ và chiến sĩ du kích Ba Tơ đã trở thành các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Quân đội: Tướng Nguyễn Chánh - Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5; Trung tướng Trần Quý Hai - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phạm Kiệt - Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh CAND vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Trung tướng Nguyễn Đôn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Trần Nam Trung - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN... (còn tiếp)
Đại tá Thân Hoạt (12.2022) |
Khải Mông |
“Đội du kích Ba Tơ phát triển nhanh như thế là công lớn của anh Nguyễn Chánh. Bị an trí ở Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), sau Nhật đảo chính Pháp, anh về quê, được bổ sung vào Tỉnh ủy và được cử phụ trách du kích Ba Tơ. Anh Nguyễn Chánh nêu 2 đề xuất độc đáo. Thứ nhất là củng cố chi bộ để làm hạt nhân lãnh đạo. Thứ hai là phát triển đội du kích xuống đồng bằng. Anh nói, dựa vào dân, được nhân dân bảo vệ là an toàn nhất; dựa vào dân, được nhân dân nuôi nấng là lớn mạnh nhanh nhất”.
Đại tá Thân Hoạt
Bình luận (0)