Sau khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4.10, dư luận và báo chí nhiều nước đã ca ngợi Đại tướng là "anh hùng độc lập, vị tướng toàn tài, chiến lược gia kiệt xuất, người tạo nguồn cảm hứng cho tự do trên toàn thế giới", khẳng định ông "sẽ sống mãi trong lòng nhân dân và bè bạn quốc tế."
Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 - Ảnh: TTXVN |
Tổng Thư ký Đảng Phong trào Cánh tả Đoàn kết Cộng hòa Dominicana (MIU), Miguel Mejia đã gửi điện chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết tới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trước sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.
Trong điện, ông Mejia cho biết vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam sẽ luôn được nhớ tới như là một chiến lược gia lỗi lạc dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam năm 1945; đồng thời, nhấn mạnh sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại nỗi đau lớn lao không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cả với phong trào cách mạng trên thế giới.
Tuy nhiên, những cống hiến, hy sinh của vị tướng tài ba này luôn là nguồn cảm hứng, ngay cả khi ông đã về cõi vĩnh hằng, đối với tất cả những ai đang trên con đường đấu tranh vì tự do, hạnh phúc và hòa bình thực sự cho các dân tộc.
Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần tiếp tục được nhiều báo Đức phản ánh đậm nét, trong đó nêu bật những công lao to lớn của vị Đại tướng đại tài cũng như tình cảm sâu đậm mà nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng.
Báo Nam Đức (Süddeutsche) đăng bài "Nhà cách mạng qua nhiều cuộc chiến tranh" kể về thân thế, sự nghiệp và công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong khi đó, bài viết trên tờ Nhật báo (TAZ) của Đức khẳng định người dân Việt Nam gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc và cũng yêu quý, kính trọng ông như đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Danh tiếng của Đại tướng đã được khẳng định qua các chiến thắng quân sự trước lực lượng quân đội của Pháp và Mỹ.
Tác giả đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất thế kỷ XX, người luôn nắm rõ tất cả khi chỉ đạo cuộc chiến tranh du kích chống kẻ thù và khi lãnh đạo quân đội chính quy. Chiến thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ sau 55 ngày đêm bao vây liên tục và vô hiệu hóa kẻ thù bằng cách bố trí tài tình lực lượng pháo binh trên các dãy núi bao quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đã trở thành "ngọn hải đăng" cho phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN thường trú tại Bắc Kinh đã phỏng vấn ông Văn Trang, nguyên cán bộ Đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp đỡ Việt Nam thời kỳ chống Pháp. Ông Trang đã nhiều lần được gặp và làm việc cùng “bác Văn” (cách gọi thân mật mà những người bạn Trung Quốc dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong suốt 56 năm qua.
Theo ông Trang, trong các buổi làm việc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nói về vấn đề quân sự, đánh giá tình hình chiến sự, bố trí địa bàn, địa hình, rồi đưa ra phương án tác chiến, để sau đó các đồng chí trong Bộ Chính trị bàn bạc, Bác Hồ quyết định và Đại tướng thực hiện.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thấm nhuần sâu sắc và thực hiện cụ thể Tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận chủ nghĩa Mác Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đại tướng đã có đóng góp hết sức quan trọng trong cuộc cách mạng nhân dân, có đặc sắc riêng và mang ý nghĩa trường kỳ ở Việt Nam.
Đầu thập kỷ 1990, với tư cách khách mời, Đại tướng đã sang Bắc Kinh dự Đại hội Thể thao châu Á, góp phần quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ hai nước và vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc.
Báo Asahi của Nhật Bản số ra ngày 7/10 đăng bài viết của phóng viên Sazaki Manabu khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "anh hùng độc lập"; sự ra đi của Đại tướng là "tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam."
Theo báo Asahi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị danh tướng nổi danh trong chiến tranh, mà còn là một người có nhân cách chân thành, có tình yêu thiên nhiên và tôn trọng lịch sử.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất hứng thú đối với lịch sử và văn hóa Nhật Bản. Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Asahi, Đại tướng cho rằng “nếu loại bỏ tội ác của chủ nghĩa quân phiệt, thì người Nhật Bản và người Việt Nam đều có cái đức chung, là tinh thần độc lập, tự chủ”./.
Theo TTXVN
Bình luận (0)