Phát huy nội lực
Là cửa ngõ phía Tây Nam của vùng đất Tây nguyên, Đắk Nông được biết đến với các thế mạnh về nông nghiệp đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; trong đó có các loại cây có trữ lượng lớn của cả nước và hiệu quả cao như cà phê, hồ tiêu, bơ, mắc ca... Ngoài ra, nơi đây còn là vùng trọng điểm quốc gia về khai thác bô xít, luyện alumin, chế tạo nhôm cùng nhiều thắng cảnh như hồ Ea Snô, hồ nước tự nhiên được bao quanh bởi những đồi núi nhấp nhô; quần thể hang động Chư Bluk với hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á; vườn quốc gia Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây nguyên”.
Những năm qua, tỉnh Đắk Nông không ngừng đẩy mạnh xây dựng chính quyền hiện đại thông qua cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư, thành lập Trung tâm hành chính công nhằm tập trung giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 luôn duy trì ổn định, bền vững, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng và huy động được tiềm năng vào tăng trưởng, từng bước đưa Đăk Nông thoát khỏi tình trạng nghèo. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 28,65 triệu đồng lên 52 triệu đồng, thoát khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp.
Xuất phát điểm từ 1 huyện lỵ của tỉnh Đắk Lắk, sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết, nhất là vấn đề đất đai, quản lý bảo vệ rừng, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dù đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên, tỉnh Đắk Nông vẫn đang rất khó khăn, cơ hội phát triển chưa phù hợp với tiềm năng vốn có do nhiều doanh nghiệp nhỏ, năng lực đầu tư thấp, nguồn nhân lực giỏi còn hạn chế.
|
Khai thác thế mạnh thu hút đầu tư
Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, để tạo được sự đột phá về kinh tế, tỉnh sẽ phải có những cách làm mới, trên cơ sở vận dụng các quy định hiện hành một cách sáng tạo nhằm tận dụng được các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, với mục tiêu hàng đầu là đến năm 2030 xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây nguyên.
Ông Bùi Huy Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, cho biết một trong những bước đột phá sẽ trình bày tại Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới là xây dựng hệ thống hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng về giao thông. Nếu tuyến đường cao tốc đầu tiên nối trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước là TP.HCM với TP.Gia Nghĩa sớm thành hiện thực trong nhiệm kỳ tới thì Đắk Nông sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, không chỉ về kinh tế mà còn là du lịch. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kinh doanh; tìm kiếm lợi nhuận và tạo ra của cải cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, với tiềm năng và thế mạnh của địa phương về phát triển nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thu hút những dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; xây dựng các nhà máy chế biến nông - lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như chế biến sản phẩm từ cà phê, mắc ca, tiêu, cây ăn trái; khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường.
|
Phát triển du lịch văn hóa
Mới đây, việc công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu đã khẳng định vị thế của Ðắk Nông trong mắt bạn bè trong và ngoài nước. Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, danh hiệu CVĐC toàn cầu góp phần quảng bá mạnh mẽ các địa điểm du lịch của Đắk Nông, qua đó giúp tỉnh nhà từng bước xây dựng thương hiệu của địa phương gắn với danh hiệu CVĐC toàn cầu, đồng thời mở ra cơ hội kết nối các di sản, khu du lịch với các địa phương lân cận. Để tạo ra thế mạnh về du lịch văn hóa cho Đắk Nông, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy sự đa dạng và độc đáo về văn hóa bản địa của 3 dân tộc chính là M’Nông, Mạ và Ê-đê cùng với 40 dân tộc thiểu số và di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên” đã được UNESCO công nhận năm 2005, tỉnh Đắk Nông cũng đang kêu gọi các tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch, dịch vụ để hoàn thiện các sản phẩm du lịch và phát triển du lịch vùng CVĐC Đắk Nông.
Với tiềm năng và lợi thế hiện có, cũng như những định hướng chiến lược phát triển phù hợp trong thời gian tới, chắc chắn Đắk Nông sẽ có những bứt phá về thành tựu kinh tế và du lịch, nâng tâm vị thế và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
Bình luận (0)