Đám giỗ mười mâm

02/12/2011 00:10 GMT+7

Ở quê, cứ tháng 10 đổ lên là “mùa” giỗ chạp. Bên cạnh những đám giỗ làm ấm thêm tình cảm họ hàng, vẫn có đám giỗ phát sinh rắc rối vì lý do rất trời ơi.

Ở quê, cứ tháng 10 đổ lên là “mùa” giỗ chạp. Bên cạnh những đám giỗ làm ấm thêm tình cảm họ hàng, vẫn có đám giỗ phát sinh rắc rối vì lý do rất trời ơi.

Gia đình ông Hai có tiếng là con cháu đề huề hiếu thảo, giỗ năm nào cũng đơn giản mà đậm đà tình gia tộc. Năm nay, trước ngày giỗ nửa tháng, Lưu, thằng cháu họ xa, cỡ… đại bác bắn không tới, đâu tận trời u, bỗng dưng điện thoại về khoe làm ăn thành đạt lắm. Nó nói giỗ lần này chú làm mười mâm nhé, mời đông đủ các nhánh họ. Cháu sẽ về đúng ngày và “tài trợ” không thiếu một xu.

Đám lớn

Bà Hai không ưng bụng. Bà nói thêm đứa cháu ở xa về thì giỗ thêm vui nhưng không cần phải thêm mâm cho rình rang tốn kém. Từ hồi nào tới giờ nhà mình giỗ chạp vẫn cứ hai mâm, bây giờ đang lúc thịt lên, cá lên, “tự nhiên” số mâm cũng lên là sao, ông không sợ người ta dư luận à? Nhưng ông Hai gạt phắt. Ông hồ hởi nói giỗ to họ hàng được thanh thế, còn thanh toán thì cháu nó chịu, mình mất gì đâu. Có dịp mở mày mở mặt với xóm làng thì điên gì không làm, hơi đâu mà sợ tiếng thị phi.

 
Minh họa: DAD 

Bà Hai “gài” chồng bằng cách gợi lên hoàn cảnh: “Nhưng tiền đâu lo đến mười mâm? Nhà cửa thì chật ém chớ rộng rãi gì. Đâu phải cứ cá thịt mà đủ, còn bàn ghế, bia rượu tùm lum”. Ông Hai vẫn xua tay, lại thêm cái trợn mắt, nói: “Bà đừng có cái kiểu lý do to hơn mục đích. Cứ coi như mình bán con heo, bầy gà cho cháu. Thiếu bao nhiêu cứ đến con cái mà “tạm ứng”. Khó khăn gì đâu mà nheo nhéo lên vậy? Cháu nó về có khi bà được cả vốn lẫn lãi nữa đấy!”.

Vậy là rạp được cất lên, rộn ràng thuê bàn thuê ghế như đám cưới. Năm sáu đầu bếp trong họ được huy động từ ngày hôm trước. Làng xóm ai cũng trầm trồ, nói ui chu cha, đám giỗ nhà ông Hai năm nay to ghê. Người ta xầm xì với nhau rằng ông Hai làm giỗ lớn vì có “yếu tố nước ngoài”. Đúng ngày giỗ, sáng sớm, ông cầm di động hết xuống bếp lại lên nhà trên; hết trong sân lại ra ngoài ngõ, gặp ai cũng cười cười, nói cháu nó bay tới Sài Gòn rồi. Độ ba bốn tiếng nữa là tới đây. Đúng là thời buổi văn minh, cứ đi mây về gió.

Chim đậu, chim bay

Gần trưa, ông khăn áo đứng cúng mà điệu bộ cứ lóng ngóng thế nào. Thì ra ông nóng ruột chờ thằng cháu. Bà con nội ngoại lục tục đến nhưng không đầy đủ. Những người không đến đã nói nhắn với ông Hai một câu rất khó chịu. Rằng ông Hai thờ ông bà thằng Lưu hồi nào mà cúng với kiến, rồi chờ đợi nó về như chờ ông lớn. Nghe vậy ông Hai giật mình, buồn bực lắm. Ông cảm thấy mình hơi vô lý và quá dễ dãi trong chuyện này.

Đã 11 giờ mà chẳng thấy Lưu đâu, ông Hai “hạ lệnh” cầm đũa với cái cười méo xệch. Mọi người hể hả ăn uống trong khi ruột gan ông rối như tơ. Cả đám giỗ ai cũng vừa ăn vừa liếc ra đầu ngõ. Còn ông Hai thì uống ly rượu giỗ thấy đắng như bồ hòn. Ông lại bấm điện thoại. Một giọng không quen cho ông hay Lưu đang bị an ninh sân bay tạm giữ vì trong hành lý có “vật lạ”. Ông tái mặt, lạc giọng nói với mọi người rằng thằng Lưu đi đứng kiểu gì mà trễ chuyến bay rồi. Thôi, bà con anh em cứ ăn uống thoải mái, mai nó về tính sau. Rồi ông lẻn vào buồng, nằm vật ra.

Bà Hai và các con gặng hỏi mãi, ông mới thú thật. Bà nháy mắt, thầm thì gì đó với các con rồi vuốt vuốt ngực chồng, nói ba tụi bay yếu bóng vía quá. Thằng Lưu không về thì chi phí đám giỗ này đã có các con lo, chuyện gì ghê gớm đâu mà ông cứ như người trúng gió. Con cái dâu rể đều vui vẻ hưởng ứng lời nói của mẹ. Bà Hai nhìn chồng cười cười, nói: “Ông thấy chưa, cúng giỗ nhà mình, mình lo cho chắc. Con cái dâu rể của ông là những “con chim đậu”, ông muốn bắt lúc nào cũng được. Đừng tưởng bở mà bắt chim bay”.

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.