Thông thạo chữ Hán và đeo đuổi thứ đam mê duy nhất là khám phá lịch sử từ những tấm văn bia và các tư liệu cổ khác, chàng trai 26 tuổi Trần Mạnh Cường được nhiều người ví là một “ông đồ Nghệ” thời nay.
“Ông đồ Nghệ” Trần Mạnh Cường đang tìm hiểu tấm bia tại một ngôi chùa cổ ở H.Nghi Lộc, Nghệ An - Ảnh: K.Hoan
|
Buổi sáng. Kẹp chiếc ba lô lên con “ngựa sắt” cũ, “ông đồ Nghệ” Trần Mạnh Cường (quê H.Con Cuông, Nghệ An) bắt đầu lên đường. Rong ruổi, điền dã khắp các vùng quê để tìm kiếm những tư liệu và văn bia cổ - những nhân chứng lịch sử - là đam mê số một của chàng trai này.
Cường học ngành Hán Nôm, Trường ĐH Khoa học Huế. Năm 2010, cầm tấm bằng đỏ về quê, Cường được bố trí làm việc ở thư viện Nghệ An theo diện thu hút người tài của tỉnh. Cường nói, rất may cho cậu là lãnh đạo thư viện hiểu được nguyện vọng và đã tạo điều kiện, cho cậu toàn bộ thời gian để tự đi tìm kiếm tư liệu theo sở thích.
Giỏi chữ Hán, ham tìm hiểu và siêng điền dã nên Cường có lượng kiến thức về lịch sử, văn hóa xứ Nghệ rất phong phú. Cậu tìm đến các dòng họ để xin được xem tư liệu cổ, đến các đền chùa tìm văn bia, hy vọng hé lộ ra những manh mối liên quan đến một sự kiện, nhân vật lịch sử mà cậu đang quan tâm. Tiếp cận những tư liệu cổ, “ông đồ Nghệ” này đã cung cấp cơ sở khoa học cho những di tích tại nhiều địa phương và phát lộ cho con cháu một số dòng họ ở Nghệ An thêm tự hào vì tổ tiên họ ngày xưa là người có công lao với quê hương, đất nước.
Tại xã Diễn Vạn, H.Diễn Châu, Nghệ An có phế tích chùa Phúc Long. Người dân trong vùng rất muốn trùng tu phục dựng nhưng cơ quan thẩm quyền không quyết vì không biết lai lịch ngôi chùa thế nào. Cường tìm đến. Một tam quan rêu phong bám phủ còn một dòng chữ Hán. Gần đó là một tấm bia đá đã bị vỡ mất phần thân bia, chỉ còn trán bia với một ít họa tiết. Từ chút ít hiện vật còn sót lại và tra cứu lại các thư tịch cổ, Cường khẳng định ngôi chùa có từ thời Hậu Lê và được trùng tu vào cuối thể kỷ 19. Đặc biệt, cậu phát hiện văn bia do một danh nhân lịch sử nổi tiếng làm. Từ cơ sở này, tỉnh Nghệ An đã ra quyết định cho phục dựng lại ngôi chùa khiến người dân trong vùng vô cùng mừng rỡ.
Đi tìm một “Hội An” ở Nghệ An
Năm 2013, một bản tin trên Báo Thanh Niên về việc Bảo tàng quốc gia Kyusu (Nhật Bản) vừa phát hiện một bức thư cổ, niên đại 423 năm của VN gửi đến Nhật Bản, kèm theo ảnh chụp bức thư viết bằng chữ Hán. “Ông đồ” Cường đã dịch bức thư và phân tích trên cơ sở các dữ kiện của lịch sử thời đó mà mình đã thu thập được từ trước, cậu khẳng định nhân vật Phúc Nghĩa hầu họ Nguyễn được nói tới trong bức quốc thư là Phúc Nghĩa hầu Nguyễn Cảnh Đoan, con trai thứ 8 của Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan và mẹ người xã Đại Đồng, H.Thanh Chương, Nghệ An. Khi cậu mang thông tin này cho dòng họ võ tướng Nguyễn Cảnh nổi tiếng ở Thanh Chương, ai nấy đều ngạc nhiên và rất vui mừng vì không ngờ bức thư ấy là của tổ tiên mình.
Từ bức thư này và một số thư bang giao Việt - Nhật khác cùng những tư liệu thu thập được từ các dòng họ, “ông đồ” Cường đã góp phần khẳng định mối quan hệ Nghệ An - Nhật Bản trong lịch sử. Đó là vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, người Nhật đã đến Nghệ An bằng thuyền buôn và lập nên những khu buôn bán sầm uất trên sông Lam trước khi họ vào Hội An. Đó là thương cảng Phục Lễ thuộc vùng đất ven sông Lam thuộc H.Hưng Nguyên hiện nay, người Nhật đã xây dựng một số chùa quán và công trình khác. Đặc biệt, vào mùa hè năm 1609, một thương thuyền Nhật bị đắm tại cửa biển Đan Thai (Cửa Hội ngày nay) và đã được quan quân địa phương cứu vớt, cung cấp lương thực, tàu thuyền cho họ trở về nước. Chính việc này đã thắt chặt mối quan hệ ngoại giao - kinh tế giữa VN và Nhật Bản lúc bấy giờ.
Khi tìm hiểu gia phả dòng họ Nguyễn Huy (Can Lộc, Hà Tĩnh), Cường còn hé lộ thêm sự kiện bà Trần Thị Dưỡng Nương, tục gọi “Mệ Bà”, con dâu của dòng họ chính là một trong số những người Nhật trên thuyền buôn Nhật bị đắm thuyền tại cửa Đan Thai lúc đó. Bà được Liêm Quận công Trần Tịnh cứu và nhận làm con nuôi. Sau này bà lấy chồng người họ Nguyễn Huy và được họ Nguyễn Huy công nhận là “mọi lễ nghi nề nếp dòng họ bắt đầu từ bà”. Trên sông Lam đoạn từ Hưng Nguyên trở ra cửa biển, lâu nay người dân vạn chài phát hiện được nhiều cổ vật như tiền đồng Nhật Bản, gốm sứ, súng thần công… Đây chính là dấu vết của người Nhật lúc ấy.
“Tư liệu cho thấy thời đó, ven sông Lam đã hình thành phố chợ sầm uất do người Nhật lập nên. Dấu chân của người Nhật đã để lại trên vùng đất này từ hơn 400 năm trước, tiếc là do sông Lam bị sạt lở cũng như ảnh hưởng từ chiến tranh của các tập đoàn phong kiến nên sau đó, người Nhật đã bỏ vào Hội An. Mình muốn làm rõ việc này để chứng minh rằng, lịch sử vùng đất này một thời rất hưng thịnh, có mối quan hệ ngoại giao - kinh tế quốc tế chứ không phải là vùng bãi hoang sông vắng, chỉ để sản xuất nông nghiệp như hiện nay”, Cường nói.
Bình luận (0)