Mà đây là sân chơi để khơi dậy những tiềm năng về nghệ thuật, góp phần hiện thực hóa những ước mơ trong những con người bình thường nhất.
Đó mới chính là ý nghĩa mà Vietnam’s Got Talent hướng đến. Nhìn lại những chặng đường đã qua, từ những “tài năng” giữa đời thường của anh chàng bán kẹo kéo mưu sinh bằng tiếng hát, của ảo thuật gia trình diễn trước hàng quán về đêm... ở vòng sơ loại, đến 350 tiết mục được chọn vào vòng loại với đầy đủ những thể loại, hình thức biểu diễn, rồi 49 tiết mục vào bán kết, 14 vào chung kết cùng không ít những khen chê, nghi ngờ. Những cảm nhận về sự “hấp dẫn”, “độc đáo”, “đầy sao” và “mê hoặc người xem” được biểu lộ trên nhiều diễn đàn..., mới thấy đây quả là hành trình đầy gian nan, thử thách không chỉ với thí sinh, với ban tổ chức mà với cả người thưởng thức.
|
|
Vì đây là lần đầu tiên phiên bản này đến với khán giả trong nước, và theo quy luật chung, cái mới bao giờ cũng có sự “ngỡ ngàng”, cũng được “đón nhận” lẫn “hứng chịu” nhiều ý kiến lẫn phản ứng nhất. Không chỉ vậy, cũng như nhiều chương trình truyền hình thực tế khác, Vietnam’s Got Talent, bên cạnh những màn biểu diễn, những câu chuyện thực tế của các thí sinh, đã không thiếu những xì căng đan bắt nguồn từ sự ngờ vực của người trong cuộc, khi cho rằng “có sự dàn dựng trong tổ chức” (ồn ào nhất là vụ việc của thí sinh Quỳnh Anh). Và trong gần 5 tháng kể từ ngày chương trình lên sóng, dù những “tài năng” thể hiện trong chương trình (nhất là ở giai đoạn đầu) khiến không ít người xem thấy “hụt hẫng”, nhưng không vì vậy mà sự quan tâm dành cho sân chơi này lại giảm đi. Sau mỗi tuần, thông tin về chương trình vẫn tràn ngập trên mạng. Sau mỗi vòng, khán giả hẳn rất muốn biết những “tài năng” sẽ đi đến đâu, phát huy thế nào hay chỉ sáng một lần rồi thôi... Đáng nói hơn, vì đây là sân chơi dành cho bất kỳ ai có đam mê với bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, nên trên sân khấu, khán giả ở mọi độ tuổi đều cảm thấy dễ gần với những gì mà thí sinh thể hiện. Sự gần gũi ấy có thể thấy được ở những thí sinh rất nông dân, đã tạm gác những tất bật ruộng đồng để đến với cuộc thi từ niềm đam mê chơi nhạc cụ tự chế; ở những thí sinh - thầy giáo tưởng chừng khó thoát ra được những bận bịu bài vở bỗng một ngày lại được... nổi tiếng vượt môi trường sư phạm; hay ở cô bé xương thủy tinh đã bỏ qua tất cả những mặc cảm khiếm khuyết để cháy hết mình cùng đam mê ca hát...
Đối với một chương trình giải trí trên truyền hình cần thời gian dài theo dõi, việc mang lại sự đa dạng trong thưởng thức, phong phú cho cảm xúc của khán giả là không thể thiếu. Dõi theo Vietnam’s Got Talent, sẽ thấy chương trình không chỉ “đáp ứng” được yêu cầu này, mà càng gần về chặng cuối, sức hút từ những thí sinh cuối cùng, từ những “tài năng” được luyện tập, trau dồi (bởi các chuyên gia) càng khiến người xem thấy thú vị (như ở đêm chung kết 2). Từ khó chịu đến bất bình rồi lắng lại và đôi lúc vỡ òa cùng sự thăng hoa bất ngờ của các thí sinh; từ “không thấy gì đặc biệt” trước những tiết mục hài hước, chưa thỏa mãn với những màn biểu diễn mạo hiểm, ảo thuật, thiếu thuyết phục bởi những giọng ca “bình thường” để rồi đến lúc bỗng nhạc nhiên thú vị..., đó là đường dây cảm xúc mà có lẽ người hâm mộ nào cũng cảm nhận được ở chương trình này. Như vậy, cái mới mà Vietnam’s Got Talent mùa đầu tiên mang đến xem ra đã thành công đáng kể. “Nếu được tổ chức tiếp trong năm sau, có lẽ các thí sinh sẽ mạnh dạn đăng ký hơn khi đã hiểu rõ tính chất cuộc chơi - khuyến khích tài năng, khơi gợi sự tự tin để vượt lên chính mình, thể hiện đam mê trước công chúng... Khi lượng thí sinh tăng lên thì chắc chắn chương trình sẽ phong phú thể loại hơn, và cuộc chơi sẽ màu sắc hơn”, giám khảo - nhạc sĩ Huy Tuấn hy vọng.
Nguyên Vân
>> Vietnam’s Got Talent: Ai lọt vào top 4?
>> Vietnam’s Got Talent: Sẵn sàng cho đêm gala chung cuộc
>> Chung kết 2 Vietnam’s Got Talent
Bình luận (0)