Theo phản ánh của người dân về việc trong vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) có 5 đầm nuôi tôm trái phép với tổng diện tích khoảng 25 ha, Thanh Niên đã có mặt tại đây…
Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, ông Ðoàn Ngọc Toản, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Giao - Xuân - Hải, thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh Nam Ðịnh, xác nhận trong vùng lõi có 25 ha đầm bãi nuôi tôm, các chủ đầm còn có hành vi phá rừng.
Cụ thể, ngày 23.5.2012, ông Ðinh Xuân Yên, trú tại khu 4B, thị trấn Ngô Ðồng (Giao Thủy) phá 156 m2 rừng vẹt trên 20 năm tuổi tại ô đầm 44, và bị lực lượng kiểm lâm phạt hành chính 5,1 triệu đồng.
Để tiếp tục làm rõ vấn đề, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tuy nhiên, ông Cách cáo bận, chỉ nói khi nào “hết bận sẽ làm việc”.
Ông Cách cũng từ chối việc hỗ trợ phóng viên tiếp cận các đầm bãi đang hoạt động trong vùng lõi với lý do cả cơ quan đều đi vắng.
|
Tiếp cận với người dân ở đây để tìm hiểu thông tin, phóng viên được chị L.T.V, một người thường xuyên vào làm thuê cho các chủ đầm tôm kể trên, cho biết: có 5 đầm nuôi tôm tất cả, trong đó 4 là của tư nhân với diện tích khoảng 20 ha, 1 đầm của Bộ đội biên phòng Nam Định. Đầm này rộng khoảng 5 ha, đã dừng khai thác nhưng chưa bàn giao lại cho Vườn quốc gia.
|
Tại UBND H.Giao Thủy, ông Phùng Văn Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện, xác nhận đúng là có các đầm bãi trong vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy. Các đầm này đều được cho thuê trước khi thành lập Vườn quốc gia Xuân Thủy, khoảng năm 1988.
Ông Nhân nói vì đã quá lâu nên “chỉ nhớ mang máng hình như là 16 ha, cho Ban Môi trường của huyện ngày đó thuê và đã đổi chủ nhiều lần, chủ đang thuê “hình như” là ông Khánh và ông Trúc, người trong huyện”.
Về lý do tại sao không thu lại các đầm, bãi này, ông Nhân lý giải: Huyện làm sao có kinh phí hàng chục tỉ để bồi thường cho các chủ đầm. Diện tích đầm, bãi ở vùng đệm cũng đã hết, không thể có để di dời ra khỏi vùng lõi. Hơn nữa, đây là địa bàn quản lý của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Hàng chục năm nay không thấy lãnh đạo vườn quốc gia có đề nghị xóa bỏ các đầm này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên “Vườn quốc gia Xuân Thủy được thành lập từ năm 2003, tại sao trong suốt hàng chục năm không quản lý để xảy ra tình trạng lộn xộn, phá rừng bức xúc như hiện nay?”, ông Nhân nêu lý do là huyện bận giải quyết an ninh nông thôn, hai năm vừa qua thì phải tập trung lực lượng thực hiện dồn điền, đổi thửa.
Về hiện tượng phá rừng ở vùng đệm mà Thanh Niên từng phản ánh, ông Nhân khẳng định trong năm 2013, UBND huyện sẽ đo đạc lại toàn bộ các đầm bãi đang cho thuê tại 5 xã vùng đệm là Giao Xuân, Giao Thiện, Giao Lạc, Giao An, Giao Hải và giao trách nhiệm cho các chủ đầm phải bảo vệ an toàn tuyệt đối cho rừng ngập mặn.
Hoàng Long
>> Phá rừng để nuôi tôm
>> Bè nuôi tôm lấn bãi tắm
>> Hộ nuôi tôm đầu tiên được chi trả tiền bảo hiểm
>> Khắc phục rủi ro trong nuôi tôm
Bình luận (0)