Đàn bà "đi biển" có đôi

20/05/2005 21:56 GMT+7

Đàn ông đi biển có đôi Đàn bà đi biển... có đôi như thường" Đó là "chân lý" ngày nay, khi mà người đàn ông đã có thể nghiêng vai "chung xuồng" với vợ mình trên suốt hành trình "vượt cạn".

"Vượt cạn" có đôi

Sau khi kiểm tra kỹ "tình trạng vô trùng", chị y tá mới chịu kéo cánh cửa phòng cho tôi bước vào. Lúc ấy là 22 giờ 10 phút, vợ tôi đang nằm trên bàn sanh và chốc chốc lại cong người nén cơn đau thắt. "Động viên vợ đi em, chịu khó chút xíu là xong thôi", vừa nhắc tôi xong, nữ bác sĩ sản khoa liền quay sang kéo tay cô hộ lý bảo đi chuẩn bị cái bô nhựa. Quả nhiên, khi chiếc bô vừa kịp đưa lên thì vợ tôi đã nôn thốc nôn tháo. Bác sĩ nói luôn một lèo khiến tôi cũng không biết bà quở trách thật sự hay chỉ mắng cho vợ tôi quên đau: "Này này, ăn cho lắm vào, bảo không nghe, đúng là đồ đàn bà chửa". Vợ tôi lại hét lên, dữ dội hơn và bắt đầu bấu chặt lấy tôi. Trong phút chốc nước mắt đã tràn ướt cả mặt, mồ hôi đổ như tắm. "Nào, một, hai, ba, nín thở, rặn đi... rặn". Mệnh lệnh của bác sĩ càng lúc càng "đanh" hơn. "Em hết sức rồi, hết sức rồi..." - giọng vợ tôi cứ chùng xuống dần. Chợt, bác sĩ hét to: "Thấy rồi, thấy cái đầu rồi". Nữ hộ lý cũng hùa theo: "Thấy rồi, thấy cái đầu rồi, cố lên, rặn nữa đi. Nào, một, hai...". "Em hết sức rồi..." - vợ tôi thều thào. Bác sĩ kéo mạnh tay tôi: "Lại đây đi, lại xem đi em, cái đầu con em đó, thấy chưa, nhìn đi, rồi động viên vợ em nữa, cố nữa, cố nữa...". Tôi làm theo bác sĩ thì mới hiểu ra đó chỉ là "đòn tâm lý", kích động thêm sự cố gắng mang tính quyết định của vợ tôi. Tôi cũng cảm nhận được một tình huống không bình thường, không biết có phải do "căng thẳng" trước một ca khó như trường hợp của vợ tôi hay không, nhưng bà bác sĩ cứ đi tới đi lui và... hát hết bài này sang bài khác, từ Trường Sơn đông Trường Sơn tây sang Lá đỏ, rồi đến Cô gái Sài Gòn đi tải đạn...

Dứt một đợt rặn, vợ tôi chưa kịp "hoàn hồn" thì bác sĩ lại giục: "Nào, tập trung đi, nín thở, rặn đi, một, hai, ba...". Vợ tôi cong người thêm một lần nữa rồi từ từ hạ xuống, buông xuôi. Bác sĩ hội ý nhanh với hộ lý: "Chuẩn bị đi, 5 phút nữa không xong thì phải can thiệp". Nói xong bà quay sang bảo tôi: "Cố động viên vợ đi em, để can thiệp thì phiền lắm". Tôi hiểu "can thiệp" là sẽ dùng máy hút. Và mặc dù chưa hình dung ra "cái sự hút" đó như thế nào nhưng tôi cũng ý thức được rằng một khi đã áp dụng đến "biện pháp chữa cháy" này thì có nghĩa là tình huống đã rất xấu. Tôi ôm ghì lấy khuôn mặt vợ và nước mắt tôi cũng đã hòa vào đó từ lúc nào. "Em phải cố lên, em làm được mà...". Trong khoảnh khắc, những lời động viên của tôi chẳng biết có ý nghĩa gì không nhưng cùng với sự kích động dồn dập của bác sĩ và hộ lý, 3 phút sau đó tiếng khóc của con trai tôi đã vang dội căn phòng. Tiếng của cô hộ lý: "Giống cha nó y chang, này qua đây mà nhìn mặt con trai cưng nè". Người ta bảo, con mới sinh ra cha mẹ nên nhìn mặt trước tiên để sau này giữa cha mẹ và con cái tăng thêm tình cảm yêu thương.

Cảm giác từ nay đã có một đứa gọi mình bằng bố đến với tôi thật khó tả.  Vợ tôi cũng đã nở lại nụ cười rất nhanh giữa khuôn mặt giàn giụa nước mắt.

Phòng sanh gia đình

Sau này, khi đến liên hệ công tác theo giấy giới thiệu của cơ quan, tôi mới có dịp gặp lại nữ bác sĩ sản khoa đã đỡ đẻ cho vợ tôi đêm ấy. Đó là bác sĩ Xuân Lan, người phụ trách "phòng sanh gia đình", một mô hình rất mới và rất thành công tại Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn từ nhiều năm nay. Nhắc lại chuyện cũ, bác sĩ Xuân Lan nói: "Không riêng gì cậu, càng ngày càng có nhiều đàn ông đưa vợ đi đẻ và tại phòng sanh gia đình này chúng tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện đặc biệt". Theo lời kể của bác sĩ Lan thì "chuyện đặc biệt" của một "đương sự" tên Trịnh Văn P. (ngụ Q.2) có thể coi là "điển hình" mà bà đã gặp. Ngồi bên người vợ đang kêu la vì đau đớn, P. cầm tay động viên: "Ráng lên em. Con sắp ra rồi!". Chị vợ mím chặt môi, nhìn chồng rồi khẽ gật đầu. Tuy nhiên đứa trẻ “quậy” quá, chị vợ lại vật vã, đau đớn và òa khóc. Vợ khóc, P. cũng khóc. Mà P. còn khóc to hơn cả vợ, nước mắt lăn dài trên má. Bác sĩ Lan và mọi người hết sức ngạc nhiên, hỏi: "Sao lại khóc lóc bù lu bù loa thế?". P. thật thà: "Thương vợ quá!", rồi lại tiếp tục nước mắt ngắn nước mắt dài! Phải mất 5 phút động viên và giải thích cặn kẽ bác sĩ và hộ lý mới làm cho "ông bố tương lai" này thôi nức nở. Lần khác, cả ê-kíp sanh đã phải bật cười trong lúc giúp một sản phụ "vượt cạn". Anh chồng ngồi cạnh tiếp sức cho vợ sinh em bé. Khi đứa trẻ sắp sửa chào đời, bác sĩ luôn miệng yêu cầu sản phụ: "1. 2. 3. Hít vào. Thở ra". Trong lúc cô vợ thực hiện nghiêm túc yêu cầu của bác sĩ, thì anh chồng cũng... hít vào, thở ra. Đến giai đoạn cao trào, giọng bác sĩ vang lên: "Rặn đi!", sản phụ nghiến răng, lên gân, nhăn mặt thực hiện mệnh lệnh thì anh chồng cũng nhắm mắt, cắn chặt môi... ra sức rặn. Có lần, khi ca đỡ thành công, ông bố của đứa trẻ sướng quá ôm chầm lấy bác sĩ, cầm tay lắc lắc thật mạnh, nói lời cảm ơn mà không hề để ý tới những đôi găng tay dính đầy máu của bác sĩ. Trong một ca khác, khi đứa trẻ vừa mới cất tiếng khóc oe oe, ông bố đã săm soi đứa con rồi thông báo với vợ: "Cái mắt của nó giống mắt em, cái miệng lại giống miệng của anh...".

Những người chồng ngóng tin vợ

Thân nhân của các sản phụ đang chờ tin tức tại Phòng Thông tin về sản phụ của Bệnh viện Từ Dũ

Nhưng câu chuyện về "phòng sanh gia đình" đến nay cũng chỉ là một phần nhỏ "đặc biệt" trong toàn bộ "bức tranh vượt cạn" ở TP.HCM. Tại Phòng Thông tin về sản phụ của Bệnh viện Từ Dũ, tôi đã chứng kiến cảnh khi giọng cô nhân viên vang lên qua loa phóng thanh: "Mời người nhà của sản phụ..." thì lập tức có 3 - 4 người già có, trẻ có chồm dậy, chạy tới dỏng tai nghe. Một màn hình 21 inches treo cao trên tường, liên tục cập nhật thông tin mới nhất về các ca sinh nở: "Sản phụ T. sinh con trai nặng 3 kg. Sản phụ N. sinh con gái nặng 2,5 kg...".  200 ghế chờ được bệnh viện đặt sẵn chật kín người, trong đó khoảng 1/3 là chồng của những sản phụ. Vẻ mặt của những người đàn ông "chờ vợ đẻ" thì đều na ná giống nhau: lộ rõ sự sốt ruột, hồi hộp và lo lắng. Có người vừa ngồi xuống đã vội đứng lên, mở chiếc túi đựng đồ trẻ sơ sinh kiểm qua kiểm lại như sợ thiếu thứ gì. Có người cầm một xấp mấy tờ báo lật từng trang, hết tờ này sang tờ khác mà chẳng dừng lại đọc bất kỳ một tin bài nào cả, chốc chốc lại liếc nhìn đồng hồ hoặc dán mắt vào màn hình ti vi chờ tin của vợ. Một người đàn ông tên B. kể: "Vợ tôi trở dạ từ 3 giờ sáng, tôi lấy bịch đồ đã chuẩn bị sẵn rồi kêu taxi đưa bả vào đây. Bệnh viện không cho người nhà vào phòng hộ sinh nên phải túc trực ở đây chờ". Qua siêu âm B. đã biết vợ mình sẽ sinh con trai nhưng anh ta nói rằng vẫn rất hồi hộp vì không biết nó "tròn méo" ra sao. Chợt tiếng loa vang lên: "Sản phụ Nguyễn Kim A., sinh con trai, nặng 2,7 kg". B. nhảy dựng lên vì mừng nhưng rồi cũng chỉ có thể "thở phào" bằng mấy lời với chúng tôi: "May quá, mẹ tròn con vuông rồi!".

Người viết nghĩ rằng những người đàn ông chuẩn bị làm bố đều rất yêu vợ và mong muốn được "chung xuồng với nàng" trong khoảnh khắc "vượt cạn". Song chính sự quá tải triền miên đã khiến các bệnh viện phụ sản công đến thời điểm này cũng chưa thể nghĩ đến chuyện "đẻ" ra thêm một dịch vụ nào nữa kiểu như “phòng sanh gia đình”.

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.