Dẫn bố đi chơi

18/06/2023 11:24 GMT+7

Tôi có cô bạn 2 năm nay tranh thủ thời gian rỗi rãi là dẫn bố đi chơi. Cứ vào mùa hè, khi đã hoàn thành năm học, xếp lại chiếc áo dài và những bài giảng, cô gái tự tay lái chiếc xe gắn máy và đèo bố rong ruổi trên các ngả đường mà tuổi trẻ bố hằng mong muốn.

Năm ngoái, cô cho bố đi dọc ngang các cung đường miền cao Tây Bắc - Điện Biên. Năm nay cô chở bố đi khắp Quảng Trị, từ Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, Dốc Miếu, Ái Tử, Thành Cổ, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cửa Tùng, Hiền Lương... đến Huế, lộn ra Quảng Bình, về Hà Tĩnh nữa là trọn chuyến đi như dự tính.

Cô bạn tôi còn trẻ, có thể chọn khoảng thời gian hè ngắn ngủi để tự thưởng cho mình những chuyến đi của tuổi trẻ, một sự tự do của trải nghiệm và của thanh xuân. Nhưng không, cô chọn trả lại thanh xuân cho bố mình. Cô cũng từng chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân của mình rằng: "Bởi có những ước mơ của con người rồi cỏ sẽ che, mưa sẽ xóa, nếu không đủ thời gian làm. Bố già rồi, tôi sợ nay mai sẽ không còn ngồi được sau xe mình chở nữa".

Chở một người lớn tuổi theo sau là cả một sự chăm sóc kĩ càng và vô vàn thứ để lo lắng. Ngoài câu chuyện sức khỏe để đảm bảo hành trình và còn cả câu chuyện sở thích ăn uống riêng của bố mẹ mình. Nhưng, chính từ chuyến đi, chúng ta mới thấu hiểu được sức khỏe bố mẹ, biết để ý bữa ăn giấc ngủ của bố mẹ, biết điều bố mẹ thích và cả những ước mơ còn giấu kín của bố mẹ. Một hành trình mà sự kết nối sẽ xóa nhòa khoảng cách của thế hệ.

Tôi tin ngày trẻ chúng ta chưa đủ trải nghiệm để hiểu được bố mẹ mình. Mãi đến khi lớn lên, cơm áo gạo tiền xoay vần chúng ta với cuộc mưu sinh rong ruổi. Nếu may mắn mỗi chiều có thể về bên mâm cơm để ngồi nói dăm ba câu với bố mẹ. Nhưng, vẫn có những đứa con bôn ba tha hương lập nghiệp, thời gian vùi mình miệt mài vào công việc, thoảng khi mới có cú điện thoại gọi về hỏi thăm bố mẹ, hoặc chỉ dịp giỗ chạp lễ tết mới về nhà. Cũng có khi chuyến về ghé được vài tiếng rồi vội vã quay đi vì thời gian bên ngoài đâu dừng lại nơi cổng nhà mình.

Dẫn bố đi chơi - Ảnh 1.

Dẫn bố đi chơi là một hành trình mà sự kết nối sẽ xóa nhòa khoảng cách của thế hệ

SHUTTERSTOCK

Ngày nay, người trẻ càng ngày càng tạo dần một khoảng cách với bố mẹ bởi nhiều lẽ. Sự phát triển của xã hội, của công nghệ, biến sợi dây liên kết gia đình dần dà dịch chuyển qua những cú điện thoại, những câu "chat" qua lại và từ đó những đứa trẻ dần quên rằng bố mẹ đã cất lại những ước mơ, những chuyến đi để dồn sức thắp sáng ước mơ cho con, dồn lực cho những chuyến đi về phía tương lai của con. Thậm chí, có những đứa con chẳng hề biết bố thích ăn món gì, mẹ thích mặc đồ màu gì. Rồi thời gian cuốn những người trẻ đi hun hút và quên bẵng những điều đó. Nhưng, tôi tin chắc, mọi người làm bố mẹ trên đời đều biết con mình thích ăn món gì, thích mặc đồ màu gì. Chắc chắn thế!

Cô bạn tôi dẫn bố đi chơi nên biết ý bố chỉ thích ăn cơm. Dân nhà nông cả đời quần quật lam lũ ruộng đồng tứ bề, nên theo con đi đây đó thì vẫn giữ cốt quê trong mình. Đi đến đâu bố cũng đòi cơm, nên có nhiều khi cô bạn phải mua cơm trắng chuẩn bị sẵn, để khi đến các quán ăn đặc sản vùng miền không bán cơm thì vẫn có để bố dùng. Hoặc suốt chặng hành trình dài, cô bạn cũng thường xuyên dừng ở các quán nước cho bố nghỉ ngơi. Hành trình dẫn bố đi chơi luôn cẩn trọng và chu đáo nên đường dài mà bố luôn háo hức. Và ngay cả cô bạn cũng cảm thấy mình mang đến cho bố một chuyến đi như ý.

Dẫn bố đi chơi với người trẻ như chính cô bạn tôi chia sẻ là niềm vui của cô. Niềm vui ấy lấp lánh từ ánh mắt bố. Hạnh phúc là một sự tiếp nối, kế thừa, từ những điều cực kỳ giản đơn trong cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.