Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi tiếp xúc không biết bao nhiêu trường hợp người dân rơi vào tình trạng khẩn cấp, họ chấp nhận chịu trận, tìm cách tự cứu mình chứ không biết bấu víu vào đâu.
Rạng sáng 29.1, anh D.V.B (30 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) bị một nhóm 4 thanh niên ép, té xe trên đường Tô Ngọc Vân (KP.4, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức), sau đó cướp luôn số tài sản trị giá hơn 20 triệu đồng. Trước khi bỏ đi, nhóm thanh niên này rút luôn chìa khóa xe, bỏ mặc anh B. bị thương nằm đau đớn giữa đêm khuya. Nhận được tin báo, chị Thùy (ngụ Q.Thủ Đức, bạn anh B.) tức tốc chạy đến nhưng cũng không tìm được ai trợ giúp nạn nhân.
|
“Tôi chạy đến văn phòng KP.4 gần đó nhờ giúp đỡ. Lúc đó có khoảng 3 người trực đêm, nhưng khi nghe tôi cầu cứu, chỉ có tiếng nói vọng ra, hỏi: Cần gì? Nghe tôi trình bày một nạn nhân bị cướp cần được giúp đỡ, thì một thanh niên mặc đồng phục dân quân tự vệ bước ra, nói: Bị cướp thì lên công an phường chứ khu phố không giải quyết, rồi bỏ vào trong”, chị Thùy kể.
Thất vọng, chị Thùy quay về chỗ anh B. ngồi chờ trong đêm tối, đến gần 4 giờ sáng mới có người đi qua để nhờ họ giúp đưa anh B. và chiếc xe về nhà.
“Không biết có nhận được điện thoại không...”
Tối 24.1, anh Hùng (ngụ Q.8, TP.HCM) gọi điện thoại đến tòa soạn Báo Thanh Niên cầu cứu. Theo lời anh Hùng, hôm đó, anh bị một số người đánh buộc phải chạy vào nhà, nhưng những người này vẫn ở ngoài đe dọa. Trước sự sợ hãi đó, anh Hùng đã gọi điện thoại cho Công an P.10, Q.8 nhờ can thiệp nhưng được trả lời: “Ngày mai lên phường giải quyết”.
Để làm rõ vụ việc trên, chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với trung tá Minh, Phó công an P.10 (Q.8). Vị lãnh đạo này cho biết, vào thời điểm đó có xảy ra sự việc cự cãi nhau giữa gia đình anh Hùng và chủ quán cà phê bên cạnh, đã có lập hồ sơ giải quyết vụ việc. Theo quy định khi nhận tin, công an phường sẽ ghi nhận vụ việc ban đầu vào sổ trực ban, sau đó báo cho cảnh sát khu vực hoặc lực lượng công an trực hôm đó xuống hiện trường can thiệp ngay để tránh xảy ra hậu quả.
Nhưng kiểm tra sổ trực ban thì hoàn toàn không ghi nhận gì vụ việc trình báo của anh Hùng. Thấy vậy, trung tá Minh phân trần: “Không biết có nhận được điện thoại không mà không thấy trực ban ghi vào sổ trực này. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại vụ việc nếu đúng như báo phản ánh thì sẽ xử lý nghiêm”.
|
Chờ hoài không đến
Bức xúc vì chuyện rác thải, bà Nguyễn Thị Tài (2/15E, Cao Thắng, P.5, Q.3) nhiều lần trình bày với tổ dân phố nhưng đâu vẫn hoàn đó. Tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên, bà Tài bức xúc: “Người ở trên quăng rác xuống, mình càng nói thì họ càng quăng nhiều rồi cãi nhau”. Hỏi vì sao không gọi điện báo chính quyền để họ có hướng giải quyết, bà Tài trợn mắt: “Lên tới nơi báo công an còn chưa giải quyết nữa chớ gọi điện báo! Không tin, cô thử gọi đi”.
Khoảng 9 giờ 30 ngày 13.3, chúng tôi gọi điện thoại cho Công an P.5, Q.3 trình bày sự việc, nói rõ về tình trạng người dân vứt rác bừa bãi và cung cấp địa chỉ cụ thể, đề nghị xuống giải quyết. Sau khi ghi nhận vụ việc, người trực ban tên Minh nói: “Rồi, để nói công an khu vực xuống, công an khu vực đang ngồi đây nè”.
Chờ một hồi không thấy cảnh sát khu vực đến, chúng tôi gọi điện thoại tiếp cho UBND P.5 phản ánh và đề nghị phường cử người xuống giải quyết bức xúc giúp dân. Bà Xuân, Phó chủ tịch phường ghi nhận và hứa sẽ cho người xuống kiểm tra. Ấy vậy mà, ngồi đợi đến 10 giờ 50 phút cùng ngày, chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng công an và cán bộ phường xuống giải quyết.
Thanh Niên
Bình luận (0)