Dân châu Âu chống khắc khổ

16/11/2012 11:35 GMT+7

Các chính phủ vẫn khăng khăng áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng và tăng thuế bất chấp sự phản đối của người dân.

Hàng triệu công dân châu u ngày 14-11 đình công hoặc xuống đường yêu cầu chính phủ của họ ngừng chính sách cắt giảm chi tiêu và tạo thêm nhiều việc làm. Đã xảy ra xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động ở một số nơi. Cảnh sát ở Ý và Tây Ban Nha (TBN) đã phải sử dụng đến hơi cay để đối phó với các cuộc phản đối bạo lực. Trong khi đó, ở các nước Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Hy Lạp và Đan Mạch, các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa hơn.

Bạo lực bùng phát

Ở TBN, đây là cuộc tổng đình công thứ hai trong năm nay. Theo đài CNN, giao thông công cộng ngưng trệ, nhiều trường học, cửa hàng, nhà máy và sân bay bị đóng cửa. Đài truyền hình TBN phát hình ảnh những người biểu tình ném đá và chai lọ vào cảnh sát. Ít nhất một xe cảnh sát bị đốt cháy ở thành phố Barcelona. Đã có 118 người bị bắt trong khi 74 người bị thương, trong đó có 43 nhân viên an ninh.

 Dân châu u chống khắc khổ
Cảnh sát xô xát với người biểu tình ở Rome ngày 14-11 - Ảnh: AP

Tối cùng ngày (giờ địa phương), hàng chục ngàn người tràn ngập các đường phố trung tâm Madrid, Barcelona, Valencia và một số thành phố khác. Bộ Nội vụ TBN thông báo 35.000 người tụ tập ở thủ đô Madrid nhưng các nghiệp đoàn khẳng định số người xuống đường là 350.000. Còn ở Barcelona, các nhà tổ chức cho biết hơn 1 triệu người tham gia đình công trong khi nhà chức trách nói chỉ khoảng 50.000 người.

Tổng Nghiệp đoàn Công nhân TBN cho biết gần như tất cả mọi công nhân thuộc các ngành công nghiệp ô tô, năng lượng, đóng tàu và xây dựng đều tham gia cuộc tổng đình công này. Hãng tin AP nhận định 2 ngành y tế và giáo dục nước này chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ chính sách cắt giảm chi tiêu và tư nhân hóa.

Ở Ý, các cuộc phản đối cũng biến thành bạo lực khi sinh viên và công nhân xô xát với cảnh sát ở một số thành phố. Hàng chục người bị bắt và một số ít cảnh sát bị thương. Còn ở Bồ Đào Nha, cuộc tổng đình công thứ hai trong vòng 8 tháng đã khiến khoảng 200 chuyến bay bị hủy, hệ thống xe điện ngầm Lisbon phải đóng cửa. Các bệnh viện chỉ cung cấp dịch vụ tối thiểu. Cuộc tuần hành đã diễn ra ôn hòa ở 40 thành phố Bồ Đào Nha nhưng khi đêm xuống, một số người phản đối đã ném đá và chai lọ vào cảnh sát bảo vệ tòa nhà quốc hội ở Lisbon.

Chính phủ kiên quyết

Để đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài 3 năm qua, các chính phủ khắp châu u đã phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, tiền hưu trí và trợ cấp. Các biện pháp này đã khiến cuộc sống của người dân thêm khó khăn cũng như đã dẫn đến sự sụt giảm sản lượng kinh tế và tăng tỉ lệ thất nghiệp.

Bất chấp sự hỗn loạn xã hội hiện nay và sự gia tăng các vụ tự tử do khó khăn về tài chính, chính phủ TBN vẫn giữ kế hoạch tài chính của mình. Thủ tướng TBN Mariano Rajoy thừa nhận: “Trước đây, tôi nói sẽ giảm thuế nhưng tôi lại tăng thuế. Tôi không hề thay đổi nhưng hoàn cảnh đã thay đổi và tôi phải thích ứng với nó”.

Bộ trưởng Kinh tế TBN Luis de Guindos nói rằng cuộc khủng hoảng kéo dài có nghĩa là tình trạng xã hội không ổn định và người dân phải hy sinh. Ông nhấn mạnh: “Chính phủ đã xác quyết rằng con đường mà chúng tôi chọn lựa là lối thoát duy nhất ra khỏi tình hình hiện nay”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng: “Chúng tôi phải làm những công việc cần thiết: tạo cơ hội làm việc cho nhiều người hơn, linh động hơn ở nhiều khu vực. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ lại làm rõ điều này một lần nữa trong đàm phán với các nghiệp đoàn”.

Theo Ngô Sinh / Người Lao Động 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.