Những cánh chim hoang lũ lượt rủ nhau về bên những khu rừng biệt dị. Chúng được dẫn đường bởi những cánh chim “quen biết” với con người.
Những vị khách từ trên trời
Buổi sáng bên mé rừng ở Vườn chim Bạc Liêu. Lũ giang sen, điên điển, bạc má, diệc mốc… nhác thấy người quen bổ nhào chạy đến như đám trẻ chờ mẹ đi chợ về. Liên tục kêu “túc túc” gọi những gã còn lơ đễnh ở góc rừng chà là, Hai Cương cho đám chim háu ăn bữa điểm tâm với món cá phi vụn mua được ở những vuông tôm lân cận. Như chẳng quan tâm đến những gã lực lưỡng gạ mỏ gây chú ý, người đàn ông mái tóc hoa râm dõi mắt về những bước chân dè dặt của “người mới tới”.
|
Đó là những con diệc mốc may mắn vừa được giải cứu đưa về tá túc cùng đám đồng loại “sợ trời, không ngại người” này. Hai Cương nói phải đặc biệt chú ý để giúp chúng hòa nhập với đàn, nếu không chúng sẽ “đâm rầu” bỏ ăn mà chết. “Mấy đứa này xấu tính lắm, hễ thiếu ăn là chúng quay lại đánh nhau. Mấy con yếu sẽ bị ăn hiếp, nên mình phải chú ý tới chúng”. Bởi vậy mỗi khi cho chúng ăn, ông luôn quan tâm đặc biệt đến những góc khuất, nơi có những con chim yếu thế chịu đói chứ không dám tới gần những gã lực lưỡng cát cứ góc sinh tồn bên mé rừng chà là. “Ban đầu chúng nhát, sau dè dặt, rồi quen, rồi… lỳ”, ông Cương nói mỗi vườn chim là một xã hội mà ở đó chúng không quá cách biệt với con người nếu biết đối xử tử tế với chúng.
|
Đã 20 năm gắn bó với những cánh chim hoang, ông Cương nói ông không lạ gì tính tình từng loại. Ông nổi tiếng khắp miền Tây như người chuyên thuần hóa những đám chim “giang hồ” trở về gần gũi với con người. Nên người ta nói: “Hai Cương tới đâu thì chim theo tới đó”. Không những một đám, một bầy mà cả vườn chim với hàng vạn con kéo về sinh sôi. Chúng góp phần tạo nên những quần xã phong phú và lý thú ở khắp miền Tây. Nhiều vườn chim từ Cà Mau lên Tiền Giang… đã được xây dựng theo triết lý “đối xử tốt thì dẫn dụ” này. Bao nhiêu đó cũng đủ cho người ta gọi ông là “bậc thầy”. Thế nhưng, hôm gặp chúng tôi, Hai Cương lại lắc đầu. “Ý tưởng dẫn dụ chim đầu tiên là của vợ chồng chú Tư Liêm, cô Liễu ở Cà Mau”.
“Tiếng chim hót trong lòng thành phố”, câu quen thuộc khi người ta giới thiệu về Vườn chim Cà Mau, nơi người dân vẫn tự hào là đô thị duy nhất có hẳn vườn chim ngay trung tâm thành phố. Ít ai biết rằng đó là vườn chim nhân tạo đầu tiên, được xây dựng bởi sự chỉ huy của một phụ nữ vốn... chẳng có kiến thức trường lớp trong chuyện thuần hóa chim trời. Cũng là người cụ thể hóa thành ngữ “đất lành chim đậu” bằng dẫn chứng sinh động về một thái độ đối xử của con người với chim trời.
Khi còn là Giám đốc lâm viên 19.5 Cà Mau (nay đổi thành công viên văn hóa Cà Mau), bà Tư Liễu (Lê Thị Liễu) có ý tưởng xây dựng một “Minh Hải (gồm Cà Mau, Bạc Liêu ngày nay) thu nhỏ” ngay tại lâm viên, vừa để phục vụ nghiên cứu khoa học, vừa để khách gần xa, nhất là đám học trò thành thị muốn biết về U Minh thì cứ đến đây. Nổi tiếng với việc thuần hóa trăn hoang dã thành vật nuôi kinh tế trong nhà, bà Liễu chưa nghĩ đến chuyện dụ chim xuống đất. Ngay tại lâm viên thời điểm ấy có vườn chim mini với những cá thể chim được xử lý nhẹ ở chót cánh để chúng không thể bay cao. Quan sát thấy có đám chim lạ hay xuống ăn ké thức ăn thừa với bầy chim nuôi, bà Liễu nghĩ đến việc làm sao để giữ chân chúng lại. Nhiều ý tưởng được đưa ra, trong đó có ý tưởng dùng kẻng đánh lên vào mỗi buổi cho chim ăn để chim hoang ở nhà có thói quen đúng giờ tới hưởng sái thức ăn. Nhưng chim trời thì bay ăn xa không thể nghe được tiếng kẻng. Rồi lại theo cách những người nuôi bồ câu là cho chúng ăn thức ăn trộn với bã cà phê. Lâu ngày chim sẽ… nghiện cà phê phải về đây ăn. Ông Cương nói dùng những cách khiên cưỡng như thế chỉ có thể giữ được lớp chim bị nghiện, chứ không thể gây dựng được cả vườn chim... Cho nên, không phương pháp nào bền lâu cho bằng… đối đãi tốt với chim trời cũng giống như chim nuôi.
“Dừng bước giang hồ”
Một thời gian, lũ chim hoang lũ lượt kéo đến vườn chim mini tại lâm viên 19.5 cùng ăn với chim nuôi. Nhiều cánh chim không bay xa nữa mà chỉ quanh quẩn gần vườn chim, rồi làm ổ, sinh sản. Hai năm, thế hệ chim sinh ra tại đây không bị xử lý chót cánh nữa. Chúng tự do bay đi khắp nơi, rồi rủ rê chim hoang cùng về làm ổ, nhập bọn. Lúc này, vườn chim mini đã trở nên quá chật chội với những vị khách… từ trên trời xuống. Chim về đây được “cưng như trứng mỏng”. Bà Liễu nhớ lại: “Mỗi lần chim đi ăn bên ngoài bị gài bẫy, bị thuốc hay bị săn bắn bị thương mà về đây chết là chúng tôi phải giải trình bầm dập với cấp trên”. Cấp trên mà bà nói không ai khác là chồng bà, ông Phạm Hữu Liêm, Giám đốc Sở Lâm nghiệp Minh Hải thời điểm đó, cũng là người rất tâm đắc với chuyện gây dựng vườn chim ở Cà Mau.
Nếu vườn chim mini có thể dụ được chim thì tại sao không nhân chúng ra thành vườn chim rộng hơn? Dưới tán rừng còn có thể nuôi động vật rừng cho chúng thành quần thể như rừng U Minh? Từ ý nghĩ đó của bà Liễu, một cuộc “chuyển nhà cho chim” đã diễn ra. Địa chỉ mới là khu đất năn, sậy um tùm ở gần đó. Tràm, mãm cầy, cây tra, cây mật cật… được chở từ rừng U Minh ra. 40 chim mồi được đưa sang khu mới và chúng nhanh chóng chiêu dụ được chim hoang bay về. Lúc này, ông Cương được “biệt phái” cất chòi để vừa chăm sóc đàn chim, vừa… canh trộm vào lấy trứng, bắt chim con. Còn bà Liễu vẫn phải… đi xin thức ăn cho chim vì kinh phí của đơn vị không kham nổi.
Đến 1995, đến lứa chim có thể tự đi kiếm ăn, không cần phải nuôi nữa, nhóm bà Liễu, ông Cương và các cộng sự công bố đã xây dựng được vườn chim nhân tạo đầu tiên. Mỗi buổi chiều, một góc lâm viên 19/5 đông nghẹt người đến ngắm cảnh bầu trời rợp cánh chim.
Hai năm sau. Nhóm bà Liễu, ông Cương có lần phải ngồi khóc bên vườn chim. Nhìn cảnh người ta nhặt xác chim bỏ vào cần xé đem đi chôn sau đêm bão, họ không nghĩ rằng lũ chim sẽ gượng dậy được. Thế mà chim vẫn lũ lượt bay về, điền đầy những thân cây vừa vươn dậy. Một năm sau đó, bà Liễu rời nhiệm sở, mang theo ý tưởng “một Minh Hải thu nhỏ” còn dở dang. Thế nhưng, vườn chim với bao tâm huyết gầy dựng được của bà và các đồng sự vẫn là điểm sáng mỗi khi nhắc đến thành phố Cà Mau. Một số tỉnh cử cán bộ xuống Cà Mau để học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng tại địa phương, thế nhưng vì nhiều lý do đã không thành công; buộc phải ký hợp đồng nhờ tỉnh nhờ cử “chuyên gia” giúp. Nhóm ông Cương lại được phái đi xây dựng vườn chim ở nhiều nơi.
Cho đến khi ông được mời về phụ trách khu thuần dưỡng tại Vườn chim Bạc Liêu này. Ông Nguyễn Trung Chánh, Giám đốc Vườn chim Bạc Liêu nói vườn chim này cần những người như ông Cương để “giữ chim” lại.
Không chỉ Vườn chim Bạc Liêu, mà nhiều khu du lịch vùng đầm lầy cũng đánh tiếng mời “người dụ chim số một” này. Khi chúng tôi hỏi về điều đó, ông Cương cười hiền: “Chim nó cũng có nghĩa như người vậy. Mình đối xử tốt, nó không bao giờ bỏ đi”.
Tiến Trình
>> Vườn chim Bạc Liêu có nguy cơ cháy cao
>> Vườn chim trong lòng thành phố
Bình luận (0)