Dân gửi tố cáo, đại biểu Quốc hội cũng chỉ biết ‘chuyển và chờ’

22/10/2015 10:44 GMT+7

Đây là thực trạng được ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu ra tại phiên thảo luận của QH chiều qua (21.10) về dự án luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

Đây là thực trạng được ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu ra tại phiên thảo luận của QH chiều qua (21.10) về dự án luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) - Ảnh: Ngọc ThắngĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo đại biểu (ĐB) Sinh, mặc dù nhiều ĐBQH đã góp ý, nhưng trong dự luật đưa ra lần này thẩm quyền giám sát của các đoàn ĐBQH vẫn rất hạn chế, chủ yếu là giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND, UBND cấp tỉnh. Một điểm bất cập khác theo ĐB Sinh là dự luật quy định ĐBQH được giám sát VBQPPL không phân biệt cấp độ văn bản, nhưng đoàn ĐBQH lại chỉ được giám sát văn bản của UBND, HĐND cấp tỉnh...
Liên quan công tác giám sát khiếu nại, tố cáo, ĐB Sinh cho rằng thực tế hiện nay các đoàn ĐBQH nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo, kiến nghị của công dân nhưng việc xử lý rất hạn chế. Theo quy định của luật Khiếu nại, luật tố cáo thì các đoàn ĐBQH chỉ chuyển đơn thư và chờ hồi âm. “Người dân không biết gõ cửa ở đâu, họ tìm đến đoàn ĐBQH thì mình cũng chỉ chuyển và chờ”, ĐB Sinh nói.
Cho rằng thẩm quyền của các đoàn ĐBQH bị hạn chế, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) yêu cầu làm rõ vì sao đoàn ĐBQH không có thẩm quyền giám sát hoạt động của tòa án, viện kiểm sát địa phương... Theo ĐB Kim Chi, trong khi ở cấp T.Ư đã có QH, UBTVQH, hội đồng dân tộc và các ủy ban của QH giám sát các nội dung này, nhưng ở địa phương nếu không được giám sát sẽ rất hạn chế quyền của đoàn ĐBQH trong khi ở địa phương vai trò, địa vị pháp lý của đoàn ĐBQH đã được khẳng định.
Đánh giá về hoạt động giám sát chuyên đề, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thẳng thắn cho rằng nếu xem xét một cách toàn diện thì hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát này chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. “Thời gian làm việc rất hạn chế, chỉ gói gọn trong một ngày, thậm chí có khi chỉ một buổi. Kết thúc buổi làm việc, đoàn giám sát cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các vấn đề địa phương, đơn vị kiến nghị”, ông Nghĩa nói.
Chức danh lãnh đạo không nên ủy quyền trả lời chất vấn
Đây là quan điểm của ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng tại phiên thảo luận của QH chiều 21.10 về dự án luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, điều 49 luật Tổ chức QH, điều 41 luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành quy định, những đối tượng chịu sự chất vấn là các chức danh cụ thể, liên quan đến con người cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế các kỳ họp QH và HĐND vừa qua, có nhiều ĐB chất vấn Thủ tướng, Chủ tịch UBND, nhưng người trả lời chất vấn thường là Phó thủ tướng, Phó chủ tịch UBND. Theo ĐB Nghĩa, việc ủy quyền này không sai theo pháp luật hiện hành không bắt buộc chức danh bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn, cũng không cấm việc ủy quyền trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp QH và HĐND.
Tuy nhiên, ĐB Nghĩa cho rằng: “ĐB là người đại diện cho cử tri, mà cử tri thì luôn mong muốn vấn đề chất vấn được chính chức danh đó trả lời nhằm khắc phục hạn chế, tìm ra những giải pháp tối ưu để quản lý, điều hành đất nước, ngành mình, địa phương mình phát triển tốt hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.