|
Dân phải mua nước chợ đen
Nguồn nước sinh hoạt của người dân vùng biên tại xã Tân Hòa chủ yếu là nước giếng đào hoặc nước từ các trạm bơm. Thế nhưng nhiều năm nay, cứ đến mùa hạn là người dân lại nai lưng tìm nguồn nước sạch vì các giếng nước khô cạn, trong khi các trạm bơm cũng không đủ công suất cung cấp. Ghi nhận của Thanh Niên, hiện nhiều giếng nước tại ấp Cây Cầy đã không còn nước để sinh hoạt. Người dân phải chạy vạy, nhờ vả mua nước máy lại từ những hộ dân ở ấp Con Trăn hoặc mua nước chợ đen với giá từ 40.000 – 45.000 đồng/1 m3.
Bà Nhan Thị Phước (55 tuổi, ngụ ấp Cây Cầy) rầu rĩ nói: “Giếng nước mùa này sắp tắt mạch rồi, khoan tận 13 mét cũng chẳng có nước. Cứ bơm được vài lu nước là phải đợi vài ngày sau mới có nước lại nhưng ít dần”. Nhìn hơn 1ha khoai mì đang héo rũ vì nắng nóng kéo dài, ông Nguyễn Văn Phương (63 tuổi) ngậm ngùi: “Nước ăn uống, tắm rửa phải mua từng giọt còn phải phụ thuộc vào người bán chứ dám nói gì nước tưới. Số khoai mì trồng này thì cứ phó mặc cho ông trời thôi”.
Dẫn chúng tôi ra giếng đào cách nhà hơn 100 mét, ông Trần Văn Theo (58 tuổi, ngụ ấp Cây Cầy) lắc đầu nói: “Số nước còn lại bên dưới thì phèn vàng đóng váng, đầy giun và loăng quăng”. Từ nhiều ngày nay, ông Theo phải mua lại nước máy từ hộ dân ở ấp Con Trăn đối diện nhà mà không dám hỏi giá cả vì ngại mất lòng hàng xóm. Ông Theo ngao ngán: “Cứ buổi sáng và buổi chiều người ta mở van cho mình 2 lần để bơm nước. Mới xin mua nước chưa đầy 1 tháng nay nên không biết người ta tính giá thế nào. Cho dù giá có 40.000 đồng/m3 như giá chợ đen cũng chấp nhận thôi”. Gia đình ông Theo phải tiết kiệm từng giọt, trung bình 3 người / 1m3 nước nhưng phải sử dụng trong 3 ngày.
Giếng nước gần cạn, anh Nguyễn Thành Chung (47 tuổi) phải đi chở từng can nước về cho gia đình sử dụng. Xách 3 can nước (tổng cộng 110 lít) chất lên xe máy, anh Chung bộc bạch: “Hiện nay muốn đào được cái giếng cũng phải mất gần chục triệu nhưng chỉ sử dụng được khoảng 6 tháng mùa mưa. Năm nay người ta chở nước đến bán với giá lên đến 45.000 đồng/m3 mà cũng chẳng có mà mua”.
|
Xã không biết vì chưa nghe báo cáo?!
Ngày 8.3, khi nghe PV trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hòa phân bua: “Nước ở ấp Cây Cầy người dân đang xài mà mấy anh nói sao vậy, tôi chưa nghe ai báo lên hết và cũng không đến mức nghiêm trọng như người dân nói”. Sau 2 cuộc gọi điện thoại thì ông Nam chốt lại: “Chúng tôi sẽ xem lại thực trạng này, nếu nghiêm trọng thì xã sẽ nhờ nhà máy xi măng hỗ trợ tăng công suất cung cấp nước cho dân ấp Cây Cầy”. Ông Nam nói thêm: “Nguyên nhân tắt mạch là do địa chất của xã là đá vôi và mạch ngầm chỉ là túi nước chứ không phải mạch ngang nên nguồn nước nhanh chóng bị tắt vào mùa khô. Đang có dự kiến mở rộng, nâng cấp trạm cấp nước với kinh phí khoảng 4-5 tỉ đồng nhưng chưa biết lúc nào triển khai”.
Giang Phương
Bình luận (0)