Từ tháng 11.2014, khách du lịch đến TP.Nha Trang được chứng kiến hình ảnh ngồ ngộ: tại một số ngã tư trên đường Trần Phú, người ta thấy xuất hiện vài thanh niên mặc đồng phục, một tay cầm chiếc 'gậy' giống như roi điện, tay kia cầm tay du khách, chủ yếu là khách nước ngoài, để dắt qua đường ra biển.
Nhiều nữ du khách không quen cảnh này, họ ngượng ngùng thật sự, vì bỗng dưng có người đàn ông ở đâu lạ hoắc, đột nhiên từ trong vỉa hè xông ra và cầm tay mình hết sức tự nhiên rồi…dẫn sang bên kia đường để ra bãi tắm! Họ cảm thấy quá lạ lẫm cho việc làm này là bởi, khách qua đường, đi đúng lằn vôi kẻ vẽ dành cho người đi bộ thì việc gì phải cầm tay dắt đi? Thế nhưng, chỉ cần lưu lại Nha Trang một hôm thôi, những du khách kia sẽ hết “lạ” ngay.
Ở một thành phố nổi tiếng xinh đẹp và hiền hòa như Nha Trang, có vẻ như mọi thứ đều trôi đi một cách chậm chạp, riêng các phương tiện tham gia giao thông thì ngược lại. Từ ô tô đến xe máy, tất cả đều vội vã, tất cả đều phóng bạt mạng trên đường. Các vạch sơn kẻ vẽ dành cho người đi bộ qua đường đều trở nên vô nghĩa. Điều này rất khác với nhiều thành phố du lịch ở các nước mà khách ngoại quốc từng lui tới. Ở những nơi ấy, các phương tiện tham gia giao thông, khi đến trước vạch sơn dành cho người đi bộ, tất cả đều phải chạy chậm lại, thậm chí dừng hẳn, nếu như có người đi bộ băng qua đường.
Với đặc thù “vô luật” của nhiều người tham gia giao thông như ở VN, việc dẫn khách nước ngoài qua đường ở Nha Trang là rất cần thiết. Nó vừa tránh cho du khách những tai nạn đáng tiếc, vừa tạo thêm sự thân thiện và hiếu khách bằng tất cả “trách nhiệm” của chủ nhà. Tuy nhiên, nếu chỉ dắt qua đường “không công” thì đáng biểu dương thật. Thế nhưng, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang tiết lộ một tin bất ngờ, đó là ngân sách thành phố phải bỏ ra trên 400 triệu đồng mỗi năm cho việc “dẫn khách qua đường” này. Ông Khánh chi li: mỗi ngày cần từ 10 - 12 thanh niên xung kích trên một đoạn ngắn của đường Trần Phú để dắt khách qua đường. Thành phố phải trả cho mỗi người gần 3 triệu đồng/tháng, tính cả năm là trên 400 triệu. Nếu tất cả các tuyến đường đều bố trí lực lượng để “dắt khách” thì không lấy tiền đâu chi trả cho đủ. Hóa ra, đội thanh niên xung kích này chỉ “xung kích” việc dẫn khách, còn ngân sách thì vẫn phải bỏ ra để trả cho công việc “lạ” này.
Thoạt tiên, nhiều người đồng tình và khen ngợi việc làm này của Nha Trang nhưng khi nghe sự tốn kém ấy, họ bắt đầu đặt câu hỏi: Tại sao lực lượng cảnh sát giao thông không xử phạt thật nặng những trường hợp phóng xe bạt mạng, nhất là những chỗ dành cho người đi bộ qua đường để răn đe? Tại sao không bố trí cảnh sát giao thông để bảo đảm tổ chức tuyến đường chấp hành luật giao thông và cả văn minh giao thông kiểu mẫu, chí ít ở con đường đẹp nhất Nha Trang này? Tại sao không gắn những chiếc chuông tự động ở những lối qua đường để cảnh báo hoặc nhắc nhở mọi người đi xe máy, ô tô phải chạy chậm lại, nhường lối cho người đi bộ qua đường? Tại sao không làm những hầm ngầm hoặc cầu vượt dành cho người đi bộ ra biển? Vì với số tiền mỗi năm phải chi cho những người dắt du khách qua đường như thế thì việc đầu tư cầu vượt hoặc hầm ngầm vẫn lợi hơn. Vả lại, dắt khách qua đường, bên cạnh việc mang lại sự thân thiện và trách nhiệm của chủ nhà, nó còn phản ảnh sự nhếch nhác trong việc chấp hành luật giao thông của người VN trong mắt của du khách nữa.
Bình luận (0)