Cầu Cư Păm trên tỉnh lộ 9 - tuyến giao thông huyết mạch nối H.Krông Bông (Đắk Lắk) với QL26 - bị gãy nhịp làm biến dạng như hình chữ V kể từ tháng 11.2016. Sau đó, chính quyền địa phương đã cho gia cố tạm thời để lưu thông và cấm xe tải trọng trên 3 tấn. Điều này gây nhiều thiệt hại và khó khăn cho người dân địa phương.
Việc vận chuyển hàng hóa, nông sản có khối lượng lớn bắt buộc phải đi vòng cung đường xa gấp đôi so với việc đi qua cầu. Hơn nữa, đây là một trong những vùng trồng mía quy mô nhất của tỉnh, nên hiện trạng của cầu Cư Păm ảnh hưởng rất lớn đến giá bán mía.
Các nhà máy thu mua mía cho hay, trước đây giá cước vận chuyển là 150.000 đồng/tấn, giờ đội lên gần 250.000 đồng/tấn nên phải hạ giá mua mía của bà con.
Anh Nguyễn Ngọc Thịnh (xã Khuê Ngọc Điền, H.Krông Bông) than thở: “Bà con nông dân làm được vài héc ta mía cực trần thân rồi, nhưng từ khi cầu gãy việc vận chuyển rất khó khăn nên phải chấp nhận hạ giá mới bán được. Mong sao cầu Cư Păm sớm được làm mới để bà con nông dân đỡ cực”.
Cầu Cư Păm tiềm ẩn những mối nguy hiểm khó lường khi đã xuống cấp trầm trọng. Theo quan sát của phóng viên Thanh Niên, do bị sụt lún nên cầu xuất hiện nhiều khe nứt. Các thanh lan can sắt trên cầu bị gỉ sét, trơ cả lõi; mố cầu và khu vực gần cầu bị xói mòn, nứt lở nghiêm trọng do hậu quả của việc khai thác cát bừa bãi gần khu vực cầu trước đây để lại. Đáng lo ngại là một số phương tiện giao thông không được phép qua cầu vẫn liều lĩnh vượt qua.
Đã khổ vì cầu Cư Păm, người dân còn vất vả vì tỉnh lộ 9, tuyến đường từ H.Krông Bông đi H.Krông Pắk dài 30 km - cũng bị băm nát gần như suốt tuyến. Người dân ở Krông Bông và Krông Pắk đi lại, giao thương với nhau trên tuyến đường này từ nhiều năm nay chỉ biết “kêu trời” khi lưu thông trên con đường toàn ổ trâu, ổ voi. Đi 30 km đường bằng xe máy mất không dưới 2 tiếng, còn đi ô tô thì lâu hơn.
Bình luận (0)