(TNO) Cây sanh từng có thời được ví như "cây vàng", hàng ngàn ha ruộng lúa đã được người dân đổ đất để trồng loại cây cảnh này. Nhưng giờ đây, cây rớt giá bán chẳng ai mua, “cây vàng” khi xưa giờ chỉ là… cây củi.
Gần đến tết nhưng gia đình ông Phạm Văn Minh ở xóm Tây Cát, xã Hải Lý, H.Hải Hậu (Nam Định) chưa mua sắm được gì. Chỉ ra vườn sanh mọc um tùm, ông Minh than thở: “Tất cả chỉ tại sanh. Hôm qua ngân hàng đến thanh toán, tôi phải bán 2 tạ lúa vừa thu hoạch và vay mượn cả xóm vẫn không đủ trả tiền gốc và lãi theo định kỳ. Nhà tôi đang lo tết này bị ngân hàng siết nhà thì không có chỗ mà ở chứ đừng nói đến tết”.
|
Cách đây 3 năm, ông Minh đầu tư gần 40 triệu đồng trồng 2 sào cây sanh, mỗi sào trồng 40-50 gốc, lúc đó so với cấy lúa thì trồng sanh lãi gấp 4 lần (1 sào lúa thu hoạch 4 tạ thóc/năm, trị giá trên 3 triệu đồng, trồng sanh tính bình quân thu trên 10 triệu đồng/sào/năm).
Tuy nhiên, nếu cấy lúa thì mỗi năm thu hoạch hai lần, trồng cây sanh tối thiểu phải 3 đến 4 năm mới bán được cây phôi. Chẳng may, ngay năm sau cây sanh bắt đầu mất giá, đến nay thì dừng hẳn, không còn ai mua. Lúa dù rẻ vẫn bán được, còn cây sanh khi đã ế thì bán chả ai mua, cây cảnh chẳng khác nào cây củi. Gia đình ông Minh đã mất trắng công lao động 3 năm, trong khi tiền đầu tư cây cảnh phải vay ngân hàng vẫn chưa trả được.
Cách đó không xa, anh Vũ Văn Quynh ở xóm 14, An Đạo, Hải An, H.Hải Hậu cũng ngậm ngùi: “Tôi đầu tư gần 500 triệu đồng trồng 1.000 gốc sanh phôi. Năm 2012, giá cây phôi giảm tới 80% nhưng cũng chẳng ai mua. Cả năm bán tống tháo được trên 30 triệu đồng, không đủ chi phí chăm sóc”.
Giá hạ, không có người mua nhưng người trồng sanh không dám chặt cây vì trót đầu tư hầu như toàn bộ những gì đã có vào vườn sanh. Đa số các hộ dân H.Hải Hậu đều trồng sanh, nhà ít trồng vài gốc chơi, nhà nhiều trồng tới hàng mẫu.
Không chỉ ở Hải Hậu, phong trào trồng cây sanh cảnh phát triển mạnh như vũ bão ở Nam Định suốt từ năm 2006. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc nhập tiểu ngạch cây xanh phôi với giá cao.
Quá tin vào thị trường này, mặc dù có bài học nhãn tiền là đã nhiều giống cây cảnh của Nam Định như trà, vạn tuế, cau vua… phát triển “nóng” rồi nhanh chóng lụn bại nhưng UBND tỉnh Nam Định vẫn tạo điều kiện cho loại cây cảnh này phát triển.
Các văn bản của UBND tỉnh trong thời gian này đều xác định “đây là mũi nhọn phát triển kinh tế”. Thống kê cho thấy từ năm 2006 đến nay, ngoài 2.600 ha đất hoang hóa được cải tạo để trồng sanh thì diện tích đất lúa tại Nam Định chuyển đổi sang trồng cây cảnh là gần 2.000 ha.
Giữa năm 2011, giấc mộng trở thành “giàu nhất Việt Nam” của nông dân Nam Định chính thức chấm dứt khi phía Trung Quốc dừng nhập cây sanh tiểu ngạch. Hàng đoàn xe tải chở cây dừng ở Lạng Sơn rồi quay đầu, đổ cây về nơi trồng.
Gia đình ông Minh, anh Quynh và hàng vạn hộ nông dân Nam Định từ đó đến nay nhìn vườn sanh đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu và khát vọng “đổi đời nhờ cây sanh” của mình tan thành mây khói.
Không chỉ nông dân khốn đốn vì cây sanh cảnh, hàng loạt doanh nghiệp ở Nam Định cũng đang có nguy cơ phá sản vì đã đầu tư vốn kinh doanh cây sanh cảnh. Ông Trịnh Văn Ánh, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh nghệ thuật Nam Định cho biết trong 60 hội viên thì có tới gần 50% là doanh nghiệp đầu tư kinh doanh cây sanh cảnh với số vốn từ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng. Chủ yếu trong số đó là đi vay ngân hàng. Từ đầu năm 2012 đến nay, giá trị cây giảm 50% nhưng không có người mua. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ cũng không bán được. Riêng ông Ánh đầu tư vườn cây cảnh chủ yếu là cây sanh trị giá trên 60 tỉ đồng, mỗi năm chi phí chăm sóc cây hàng trăm triệu nhưng từ đầu năm 2012 đến nay chỉ bán được vài cây. |
Hoàng Long
>> Tăng cường quản lý đất trồng lúa
>> Lại tự ý chuyển đổi mục đích đất trồng lúa
>> Nông dân khốn đốn vì trồng lúa Một bụi đỏ ruột hồng
>> Kiến nghị giảm thuế, phí cho người trồng lúa
>> Xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất trồng lúa
Bình luận (0)