Từ sáng sớm hôm qua (28.9), ngay trước cổng Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holdings), chủ đầu tư xây dựng tòa nhà CT3, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, người dân đã treo băng rôn “Constrexim Holdings - Chúng tôi không muốn có thêm người chết”.
Phía trong tòa nhà, gần 100 người mang biểu ngữ với các dòng chữ: “Yêu cầu Constrexim thay thang máy ở CT3; Tổng giám đốc Constrexim nghĩ gì về chất lượng tòa nhà CT3”... Anh Nguyễn Anh Vũ, một trong những người đại diện cho cư dân sống trong tòa nhà CT3 cho biết: “Hôm nay là ngày làm việc nhưng nhiều người xin nghỉ để đề nghị chủ đầu tư làm rõ. Đây là vấn đề nghiêm trọng, chúng tôi không thể chờ đợi thêm”.
|
Trước đó, khoảng 9 giờ 40 phút ngày 21.9 tại tòa nhà CT3, ông Nguyễn Văn Hòa, 55 tuổi ở P.Thụy Khê, Q.Tây Hồ đến thăm một người quen, khi đang ở trong thang máy thì bị mất điện, thang đột ngột dừng lại giữa chừng. Lực lượng bảo vệ đã cạy cửa để đưa nạn nhân ra khỏi thang máy. Khi cánh cửa thang máy vừa mở, nạn nhân hoảng loạn chui ra và trượt chân rơi xuống từ tầng 4, tử vong tại chỗ.
Theo người dân tại CT3, sự cố thang máy mất điện gây chết người là “giọt nước tràn ly” bởi hàng loạt vấn đề liên quan đến kỹ thuật, ảnh hưởng đến an toàn, sinh hoạt của tòa nhà đã được người dân nhiều lần khiếu nại nhưng không được chủ đầu tư giải quyết rốt ráo.
Trong lá đơn cư dân CT3 gửi tới các cơ quan báo chí vào ngày 24.9 cũng cho biết, thang máy của tòa nhà thường xuyên bị hỏng, kẹt, đã nhiều tháng nay bảng điện tử báo tầng bị tháo, nút bấm đóng cửa thang máy bị mất, trơ cả mạch điện gây mất an toàn cho người sử dụng, nhất là trẻ em…
Sau khi xảy ra vụ chết người, không ít người dân trong tòa nhà CT3 sợ đi thang máy. Một người dân sống ở tầng 7 cho biết, những ngày gần đây, gia đình phải thuê khách sạn cho vợ anh ở. “Vợ tôi mang bầu sắp đẻ, nếu đau đẻ, thang máy trục trặc mà đi bộ từ tầng 7 xuống thì chỉ có nước đẻ rơi”, anh này cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người dân sống ở tầng cao, từ khoảng tầng 9 trở lên lại kêu khổ bởi không thể đi bộ. Ông Lê Quang Ánh, ở tầng 12 tòa nhà CT3 cho biết: “Tòa nhà chỉ có 2 thang máy nhưng liên tục bị hỏng, tôi năm nay gần 70 tuổi, lại bị bệnh khớp, thế mà cứ phải từ tầng 1 lên tầng 12”.
Ông Nguyễn Đình Đức, 62 tuổi, sống ở phòng 804 bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên ban quản lý tòa nhà bằng đơn thư kiến nghị song đều không được trả lời thỏa đáng. Họ cũng có cho người đến sửa sang một tí nhưng được vài hôm lại đâu vào đấy”.
Cũng do thang máy liên tục bị hỏng, nhiều người dân tại CT3 đang đặt ra nghi vấn, chủ đầu tư đã lắp đặt sản phẩm kém chất lượng.
Sau khi bị hàng trăm người dân tụ tập gây áp lực, đến trưa qua lãnh đạo Constrexim Holdings đã gặp gỡ người dân và cam kết trong 10 ngày sẽ có phương án khắc phục.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Cần, Phó tổng giám đốc Constrexim Holdings cũng thừa nhận các thang máy trong tòa nhà CT3 có trục trặc về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Cần phủ nhận việc công ty sử dụng thang máy kém chất lượng vì khi lắp đặt đã được các cơ quan nhà nước kiểm định về chất lượng, an toàn. Việc hư hỏng xảy ra, theo ông Cần là do quá tải. Đặc biệt sau khi xảy ra sự cố chết người, một chiếc phải dừng hoạt động để sửa chữa.
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, anh Nguyễn Anh Vũ, người đại diện cho cư dân tòa nhà CT3 cho biết, các hộ dân mặc dù rất lo ngại nhưng sẽ đồng ý để chủ đầu tư khắc phục. Quá thời hạn trên, nếu hệ thống thang máy nhà CT3 không được cải thiện thì sẽ khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Thái Sơn
Bình luận (0)