Dân kiện tòa vì “ngâm” án

11/12/2011 00:12 GMT+7

Vụ tranh chấp trị giá lên đến hơn 100 tỉ đồng “nằm im” tại TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đến nay đã hơn 2 năm nên đương sự kiện luôn... tòa án.

Vụ tranh chấp trị giá lên đến hơn 100 tỉ đồng “nằm im” tại TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đến nay đã hơn 2 năm nên đương sự kiện luôn... tòa án.

Mới đây ông Lâm An Dậu (ngụ tại P.14, Q.5, TP.HCM) đã gửi đơn “yêu cầu bồi thường thiệt hại” lên cơ quan thẩm quyền đòi TAND H.Bình Chánh phải bồi thường thiệt hại với số tiền lên đến 36 tỉ đồng.

Theo hồ sơ, ngày 31.3.2009, TAND H.Bình Chánh thụ lý đơn của bà L. kiện ông Dậu do phát sinh tranh chấp từ một giao dịch làm ăn hồi đầu năm 2008. Thời điểm đó, bà L. ký hợp đồng chuyển nhượng công ty và quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong dự án tại xã An Phú Tây (H.Bình Chánh) cho ông Dậu. Sau đó, thấy thủ tục chuyển nhượng đất và công ty là hai chủ thể khác nhau nên hai bên ký lại hợp đồng chuyển nhượng 8 QSDĐ (30.209m2) với tổng giá trị hơn 132 tỉ đồng. Thực hiện hợp đồng này, ông Dậu chuyển cho bà L. 100 tỉ đồng, bà L. cũng đã giao 8 QSDĐ nói trên cùng 6 QSDĐ khác cho ông Dậu để làm tin. Nhưng bà L. cho rằng, do ông Dậu không chịu đến cơ quan có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục pháp lý, không chịu thanh toán tiếp số tiền còn lại nên bà khởi kiện ra tòa, yêu cầu ông Dậu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất, thanh toán tiếp số tiền hơn 32 tỉ đồng theo hợp đồng và gần 2 tỉ đồng do chậm thanh toán số tiền trên. Đồng thời, hoàn trả cho bà 6 giấy chứng nhận QSDĐ.

Phía ông Dậu sau khi bị kiện cũng lập tức có đơn phản tố. Theo đó, qua người quen giới thiệu, ông Dậu biết công ty của bà L. có dự án công viên giải trí 13,6 ha, thuộc vùng bổ sung phía nam - đô thị mới thành phố (xã An Phú Tây, H.Bình Chánh) nên thỏa thuận nhận chuyển nhượng sở hữu công ty và toàn bộ QSDĐ trong dự án khi đã được đền bù, giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh để tiếp tục triển khai dự án. Thực hiện thỏa thuận này, công ty của bà L. phải thương lượng đền bù giải phóng mặt bằng thêm khoảng 4 ha đất còn lại (đã có 9 ha), chuyển giao công ty cùng 100% diện tích mặt bằng đất dự án, còn phía ông Dậu cũng phải ứng vốn 100 tỉ đồng.


Minh họa: DAD

Nhưng sau 6 tháng kể từ ngày ứng vốn 100 tỉ đồng, phía bà L. không cắm mốc, không bàn giao mặt bằng… nên giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn. Ông Dậu cũng cho rằng qua kiểm tra, đã phát hiện các thửa đất bà L. đã bàn giao (9 ha) chỉ có 1 phần (khoảng 10%) nằm trong khu dự án nói trên. Song song đó, khoản tiền đã ứng trước để đền bù, giải phóng mặt bằng, bà L. lại sử dụng không đúng mục đích. Cho rằng đã bị lừa dối nên ông Dậu yêu cầu hủy các hợp đồng đã ký, đòi bà L. trả lại 100 tỉ đồng; đồng thời bồi thường tiền cọc và thiệt hại lãi vay.

Tất nhiên khi xảy ra tranh chấp thì các bên đương sự đưa nhau ra tòa và trông đợi phán quyết cuối cùng của hội đồng xét xử. Nhưng từ đó đến nay đã quá hạn luật định một cách nghiêm trọng mà TAND H.Bình Chánh vẫn chưa giải quyết xong vụ án ở cấp sơ thẩm. Cho rằng việc “ngâm” án gây thiệt hại, khó khăn cho doanh nghiệp của mình trong việc cân đối tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như phải xoay tiền trả lãi hằng tháng đối với khoản vay 100 tỉ đồng nói trên, ông Lâm An Dậu đã phát đơn đến Cục Bồi thường nhà nước.

Theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn để đưa vụ án ra xét xử tối đa là 6 tháng (đối với vụ việc có tính chất phức tạp) kể từ ngày thụ lý. Trên thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi, không riêng  trường hợp này mà hiện nay tình trạng “ngâm” án vẫn thường xuyên diễn ra và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Nhưng phần nhiều đương sự đều ngại “đụng chạm” đến tòa nên im lặng chịu đựng.

 

Yêu cầu “lạ” của thẩm phán

Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ kiện này, thẩm phán của TAND H.Bình Chánh đã đưa ra nhiều yêu cầu đối với các bên đương sự. Tuy nhiên bên cạnh những yêu cầu hợp lý cũng có những yêu cầu “lạ”. Cụ thể, trong khi hai bên đang tranh chấp, một bên muốn hủy hợp đồng, một bên muốn thực hiện tiếp hợp đồng và đang nhờ tòa án phân xử, vậy mà TAND H.Bình Chánh lại ra Quyết định số 01/2011/QĐST-DS ngày 15.3.2011 buộc hai bên nguyên đơn và bị đơn phải “đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận quyết định” để hoàn thiện về mặt hình thức của hợp đồng chuyển nhượng đất mà hai bên đã thỏa thuận. Trong khi yêu cầu này, nếu có, chỉ áp dụng khi hai bên đã thỏa thuận hòa giải thành hoặc tòa án đã xử và tuyên buộc các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng. Từ quyết định tréo ngoe này dẫn đến khiếu nại của các bên cũng là nguyên nhân làm cho thời hạn xét xử bị kéo dài.

Quang Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.