Dân là chủ và dân làm chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh

19/05/2022 06:00 GMT+7

Là người lập nên chính thể dân chủ cộng hòa đầu tiên ở khu vực Á Đông, Hồ Chí Minh đã luận giải mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa giữa vị thế, quyền lợi “Là chủ” và nghĩa vụ, trách nhiệm “Làm chủ” của người dân.

Kế thừa và phát triển tư tưởng “Dân là gốc” của Nho giáo, truyền thống “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” của các triều đại phong kiến tiến bộ Việt Nam và quan điểm “quần chúng là người làm nên lịch sử” của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng tư tưởng độc đáo về dân chủ, tức “Dân là chủ” và “Dân làm chủ”.

Sinh thời, Hồ Chí Minh sử dụng cụm từ “Dân là chủ” để nói lên vị thế xã hội, địa vị pháp lý tối thượng của người dân trong chế độ mới. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, quyền là chủ của người dân được thể hiện ở nhiều khía cạnh.

Quyền bầu cử và ứng cử

Quyền bầu cử rất quan trọng vì “quyền lực trao cho ai, trong tay ai” sẽ quyết định quyền lực sẽ được sử dụng thế nào, vào mục đích gì. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 3.9.1946, Hồ Chí Minh đã tuyên bố chủ trương “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”. Một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Trong đó, nhấn mạnh: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960

Tư liệu/TTXVN

Quyền giám sát, góp ý, phê bình cán bộ và các cơ quan nhà nước

Hồ Chí Minh nói rõ, “nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy” và vì thế, nhân dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền. Cơ quan lập pháp là Quốc hội - Nghị viện do dân bầu ra nên hoạt động của Quốc hội phải được nhân dân giám sát. Điều 30 của Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe. Đối với cơ quan hành pháp là Chính phủ thì Hồ Chí Minh khẳng định:

“Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”. Người căn dặn cán bộ: Phải luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng; nhân dân phê bình thì cũng có điều đúng, có điều không; nếu đúng thì nhận và sửa chữa, nếu không đúng thì giải thích cho dân hiểu, tuyệt đối không được giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình.

Quyền khiếu nại và tố cáo việc làm sai phạm của cá nhân và cơ quan nhà nước

Trong bộ máy công quyền có rất nhiều cán bộ và họ cũng phải giải quyết rất nhiều công việc. Vì thế, sai sót là khó tránh khỏi nhưng với những cơ quan và cán bộ có ý lợi dụng chức vụ, làm tổn hại đến lợi ích của dân thì nhân dân có quyền khiếu nại, tố cáo. Người nhắn nhủ nhân dân: “Nếu cán bộ địa phương có điều gì sai lầm, nếu đồng bào có việc gì oan ức, thì đồng bào phái đại biểu đến trình bày với tôi và Chính phủ. Tôi đảm bảo rằng tôi và Chính phủ sẽ trừng trị những cán bộ có lỗi, và sẽ làm cho đồng bào khỏi oan ức”. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, quyền khiếu nại, tố cáo của dân đã được hiến định trong điều 29 của Hiến pháp năm 1959.

Quyền bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra

Hồ Chí Minh luôn khẳng định, trong chế độ dân chủ, nhân dân mới là chủ sở hữu quyền lực; quyền Đảng “cầm”, quyền Nhà nước “nắm” chỉ là quyền do dân ủy thác và cán bộ chỉ là đầy tớ của dân. Là đầy tớ thì cán bộ có trách nhiệm phải phục vụ dân cho tốt; nếu không, “nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra” (điều 20 của Hiến pháp năm 1946). Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, “làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.

Người dân có trách nhiệm làm chủ

Quyền lợi luôn song hành cùng trách nhiệm nên dân “là chủ” thì dân phải có trách nhiệm “làm chủ”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”; “chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào dân đủ năng lực “làm chủ” và “làm chủ” một cách tự nguyện, xuất sắc thì dân mới thực sự “là chủ”; nếu không, dân chỉ “là chủ” trên danh nghĩa. Hồ Chí Minh cũng thấu hiểu, từ địa vị nô lệ bước lên địa vị chủ nhân xã hội, không ít người chưa quen gánh vác, thiếu sự tự tin, tự nguyện khi thực thi trách nhiệm làm chủ của mình. Vì thế, Người căn dặn nhân dân: “Làm chủ” thì phải có trách nhiệm vun vén cho lợi ích chung theo tinh thần cái gì có lợi cho việc chung tức là có lợi cho nhà mình, cái gì hại cho việc chung là hại cho nhà mình, phải cần kiệm xây dựng nước nhà chứ “làm chủ không có nghĩa là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm”.

Làm chủ thì tuyệt đối không được phép ỷ lại. Hồ Chí Minh nói rõ: “Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh”. Thực hiện trách nhiệm “làm chủ” thì người dân còn phải tự giác đấu tranh với những hiện tượng phản dân chủ như “nhà mình có rác thì phải cầm chổi mà quét chứ không phải kêu la mà nhà sạch được. Kêu la mà không tự mình quét là thiếu tinh thần cách mạng, tinh thần dân chủ”. Làm chủ thì người dân cũng phải có trách nhiệm giữ đúng đạo đức công dân, làm tròn mọi bổn phận của công dân. Ý thức, năng lực và trách nhiệm “làm chủ” chính là “thước đo” sự giác ngộ chính trị của công dân.

Là người lập nên chính thể dân chủ cộng hòa đầu tiên ở khu vực Á Đông, Hồ Chí Minh đã luận giải mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa giữa vị thế, quyền lợi “Là chủ” và nghĩa vụ, trách nhiệm “Làm chủ” của người dân. Bằng lý luận cũng như thực tiễn, Người đã tạo ra một cuộc cách mạng về vị thế của người dân trong xã hội và phát huy cao độ động lực dân chủ trong sự nghiệp “Kháng chiến, kiến quốc”.

Việc Đại hội XIII bổ sung thêm nội dung “Dân giám sát, dân thụ hưởng” vào phương châm thực hành dân chủ đã được xác định từ Đại hội Đảng VI là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chính là sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng “Dân là chủ” và “Dân làm chủ” của Hồ Chí Minh. Thực hiện thành công chủ trương đúng đắn đó sẽ góp phần phát huy động lực dân chủ, “khai thông” nguồn lực vô tận trong nhân dân để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc như ước nguyện cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.