Trên trang Facebook, Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook, cho biết anh sẽ tổ chức sự kiện truyền hình trực tiếp (livestream) lần đầu tiên trong lịch sử từ Trạm không gian quốc tế (ISS), đồng thời tham gia với tư cách MC, đóng vai trò cầu nối giữa người dùng Facebook và các phi hành gia.
“Chúng tôi sẽ sử dụng tính năng Facebook Live (truyền hình trực tiếp trên Facebook) từ vũ trụ lần đầu tiên trong lịch sử. Tôi sẽ kết nối trực tiếp từ tổng hành dinh Facebook đến các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào lúc 9 giờ 55 phút sáng 1.6 theo giờ chuẩn Thái Bình Dương (khoảng 0 giờ 55 phút ngày 2.6 theo giờ Việt Nam)”, Mark Zuckerberg cho hay.
tin liên quan
Bạn trẻ thích thú trò phát hình trực tiếp từ FacebookThông qua tính năng Stream Video, bạn có thể chia sẻ những đoạn clip ngắn ngay tại thời điểm sự việc diễn ra và nhận được những bình luận tương tác ‘nóng hổi’ từ bạn bè.
Bên cạnh đó, nhà sáng lập Facebook cũng kêu gọi người dùng đặt thật nhiều câu hỏi thú vị cho các phi hành gia đang sinh sống, làm việc tại ISS.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), buổi truyền hình trực tiếp sẽ kéo dài khoảng 20 phút, với sự tham gia của các phi hành gia Tim Kopra, Jeff Williams (NASA), Tim Peake (Cơ quan Vũ trụ châu Âu - ESA).
Sự kiện được Facebook tổ chức lần đầu tiên trong lịch sử đã khiến cộng đồng mạng vô cùng háo hức, thay nhau đặt trước câu hỏi để có thể tìm hiểu thêm về cuộc sống của các phi hành gia trên trạm không gian ISS.
|
Các câu hỏi rất phong phú, bao quát nhiều lĩnh vực từ đơn giản nhất như thắc mắc về tốc độ đường truyền internet trên ISS, các nhà du hành vũ trụ đi vệ sinh, ăn, ngủ, yêu đương như thế nào, có được xem series truyền hình Games of Throne hay không... đến những vấn đề rất “vĩ mô” như việc du hành vũ trụ có thay đổi góc nhìn của họ về nhân loại hay không, trọng lực nhân tạo được tạo ra như thế nào, số phận của ISS sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ ra sao...
Mashable đánh giá đây sẽ là cơ hội không thể tốt hơn để chúng ta có được cái nhìn toàn diện về cuộc sống trên trạm không gian ISS, đặc biệt là cách thức các phi hành gia thực hiện thí nghiệm khoa học trong môi trường không trọng lực.
Bình luận (0)