Khổ nỗi, dự án đã kết thúc, anh này giải thích “đối tác không thuê tôi nữa”. Một người nông dân chân đất phát biểu: “Người ta mướn anh, tụi tui cũng mướn anh”, tuyên bố này được 13 hộ bà con Khmer nghèo hưởng ứng.
Thế là những hộ dân này cử người đại diện ra “ăn nói” với “thầy” Tùng, nài nỉ anh tiếp tục giúp bà con kỹ thuật trồng hoa màu. Bởi “thầy” Tùng đem tới cách trồng mới, không giống trước nay bà con ở đây thường làm. Nông dân Thạch Thai nói, nhờ “thầy” chỉ cho trồng màu nên nhiều hộ dân đã trúng mùa “chưa từng thấy”. Tùng lại hiền từ, nhiệt tình, xa xôi bốn năm chục cây số từ thị xã Trà Vinh xuống tận Cầu Kè, nhưng ruộng nhà ai có gì khác thường gọi là anh chạy xuống ngay.
Lúc làm dự án, người ta quy định nửa tháng anh tập hợp bà con ra đồng quan sát thực tế để chỉ cách chăm sóc rau màu, đối phó với dịch bệnh. Thấy nửa tháng một lần là lâu, có người đề nghị anh nên xuống mỗi tuần một lần, vậy là mỗi tuần anh đều từ thị xã chạy xuống thăm đồng, riết rồi người dân ở đây “ghiền” anh chàng này lúc nào không hay.
Đến nỗi, vào vụ mùa mới, nhiều người cứ nằng nặc nếu có “thầy” hướng dẫn kỹ thuật thì họ yên tâm xuống giống. Nghe thế, anh chàng thạc sĩ này cầm lòng không đặng, lại tiếp tục xách xe đi đi, về về từ thị xã ra đồng Cầu Kè. Cho đến khi, những nông dân chân đất này cương quyết làm “hợp đồng” mướn anh tư vấn hẳn hoi với thù lao làm chi phí đi lại.
Hợp đồng thuê chuyên gia
Bản hợp đồng sau đó được lập với bên A là 13 hộ dân nghèo ở ấp Trà Kháo, xã Hòa n (H.Cầu Kè, Trà Vinh), thuê bên B là thạc sĩ Phạm Chí Tùng, Trưởng bộ môn trồng trọt và phát triển nông thôn, khoa Nông nghiệp, Đại học Trà Vinh. Bản hợp đồng có những điều khoản cụ thể: thạc sĩ Tùng có trách nhiệm tư vấn về kế hoạch sản xuất, kỹ thuật canh tác các đối tượng cây trồng phù hợp trên diện tích đất mà các hộ nông dân đã đăng ký với hình thức tư vấn trực tiếp trên đồng ruộng. Theo đó thì ít nhất mỗi tuần một lần anh Tùng phải “thăm” ruộng một lần, cùng các hộ dân khảo sát trên từng thửa ruộng. Mỗi nông dân đưa ra đánh giá về thửa ruộng của mình và của các hộ khác. Sau đó, anh Tùng sẽ đưa ra ý kiến của mình và hướng dẫn cách chăm sóc.
Thời gian thực hiện hợp đồng là 6 tháng. Thù lao, mỗi tháng những nông dân này trả cho thạc sĩ Tùng 100 ngàn đồng cho mỗi 1.000 mét vuông canh tác (tổng diện tích của 13 hộ là 30.000m2). Bên thuê có quyền chấm dứt hợp đồng nếu thấy “không cần” đến tư vấn của “thầy” Tùng. Ngược lại, để thực hiện hợp đồng, các hộ nông dân cam kết làm theo chỉ dẫn của Tùng và anh bảo đảm làm đúng theo kế hoạch thì sẽ không bị thua lỗ...
Hiệu quả kinh tế dễ thấy
Cần nhắc lại chương trình “Sinh kế bền vững cho người nghèo”, do Oxfam - Canada tài trợ, nhiều nông dân ở ấp Trà Kháo đã được hướng dẫn cách thức trồng trọt sao cho có hiệu quả để kiếm lời nhiều hơn trên đồng đất của mình. Trong chương trình này, thạc sĩ Phạm Chí Tùng chịu trách nhiệm kỹ thuật chính. Cuối năm 2008, dự án này kết thúc. Nhiều nông dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, biết trồng các loại cây như cà chua, bí đao, ớt, dưa leo, hành... theo kỹ thuật mới. Theo đó, phân, thuốc hóa học được hạn chế tối đa, thay vào đó là tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh. Nhờ đó nông dân đã được giảm đến 50% chi phí, nhưng lại thu lời gấp đôi, ba lần so với trước đây.
Nông dân Thạch Sết nói trước đây ông đã từng trồng các loại rau màu, trong đó nhiều nhất là cà chua. Chi phí lúc đó từ 2,5 đến 3 triệu đồng/1.000 mét vuông, lời từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi vụ. Đến khi có “người làm thuê chất lượng cao” hướng dẫn kỹ thuật, từ khâu chọn giống đến bón phân, tưới nước đầy đủ theo kỹ thuật mới... vụ cà chua rồi ông kiếm lời gấp 3 lần trước. Ông Sết tính: “Mỗi công đất mình lời thêm bốn, năm triệu mà chỉ bỏ ra 100 ngàn để thuê thạc sĩ giúp kỹ thuật. Người ta dám làm, sao mình không dám mướn”.
Rõ ràng, chuyện những hộ dân nghèo “dám” bỏ tiền thuê hẳn một thạc sĩ trồng rẫy không phải là chuyện “làm sang”, bởi hiệu quả kinh tế đã được những người dân chân đất tính toán khá kỹ lưỡng.
Tiến Trình - Ba Động
Bình luận (0)