Trước đó, Mai vàng Nhơn An và Rượu Bàu Đá đều đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu độc quyền, và đều được xếp hạng một trong những sản phẩm thương hiệu mạnh.
Xã Nhơn An có 2.200 hộ trong tổng số 2.800 hộ dân làm nghề trồng mai vàng. Toàn xã có 5/6 thôn được công nhận làng nghề truyền thống trồng mai vàng. Đợt này, mai vàng Nhơn An đã được dán nhãn hàng hóa và tem xác nhận hàng hóa. Nhãn hàng hóa ghi rõ “Mai vàng Nhơn An” có lô-gô được đính trên cành mai; tem xác nhận hàng hóa được dán trực tiếp lên thân cây. Có 110 hộ trồng mai đã vào Hiệp hội Mai vàng Nhơn An được sử dụng nhãn và tem “Mai vàng Nhơn An”.
Ông Phan Văn Sáu, chủ vườn mai Sáu Hồng (làng mai Thanh Liêm, Nhơn An) cho biết: “Việc sử dụng nhãn và tem hàng hóa đã được quy định rõ là mai phải có dáng thế chuẩn, hoa và búp dày, đẹp, mang nét đặc trưng của Nhơn An. Sử dụng nhãn hàng hóa và tem xác nhận hàng hóa cho mai vàng Nhơn An là điều cần thiết để nhà vườn đưa mai vàng Nhơn An đến các thị trường xa hơn, nâng cao giá trị mai vàng. Các thế hệ kế cận chúng tôi theo đó cũng phải nỗ lực cho thương hiệu làng nghề ngày càng phát triển”.
Cùng với mai vàng Nhơn An, làng nghề Rượu Bàu Đá với 36 hộ dân nấu rượu cũng đã quy định việc sử dụng nhãn hàng hóa và tem xác nhận hàng hóa. Ngoài 36 hộ ở làng nghề Bàu Đá, không ai được sử dụng nhãn và tem hàng hóa “Rượu Bàu Đá”. Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện phát triển 2 loại hàng hóa đặc trưng của Bình Định trên thị trường và nâng cao giá trị kinh tế cho người dân làng nghề.
Tâm Ngọc
Bình luận (0)