Dân nhường đất cho thủy điện 9 năm vẫn ngóng đền bù

Khánh Hoan
Khánh Hoan
27/12/2021 09:16 GMT+7

Việc bồi thường đất cho hàng trăm hộ dân tái định cư thủy điện Hủa Na (H.Quế Phong, Nghệ An) vẫn bế tắc sau 9 năm di dời, do huyện và chủ đầu tư thủy điện chưa thống nhất được phương án bồi thường.

Để xây dựng thủy điện Hủa Na, năm 2012, có tới 1.362 hộ dân ở H.Quế Phong đã phải di dời đến nơi ở mới để nhường đất cho thủy điện.

Sau 9 năm di dời đến khu tái định cư này, cuộc sống người dân rất khó khăn vì chưa được bồi thường đất

K.HOAN

Theo thỏa thuận bằng văn bản giữa UBND H.Quế Phong và Công ty thủy điện Hủa Na, sau khi người dân đã ổn định đời sống tại các khu tái định cư (TĐC) thì chủ đầu tư phải đền bù giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến theo giá trị từng loại đất (đất ở, vườn, nông nghiệp, lâm nghiệp).

Căn cứ thỏa thuận này, UBND H.Quế Phong đã phê duyệt đất ở, đất vườn, ao của 807 hộ TĐC tại 13 điểm và đã chi trả hơn 4,5 tỉ đồng cho 58 hộ có diện tích đất lúa thu hồi tại nơi đi lớn hơn diện tích giao nơi đến.

Sau đó, UBND H.Quế Phong tiếp tục phê duyệt giá bồi thường diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 261 hộ tại 5/13 điểm TĐC, sau khi đã tính toán đối trừ giữa diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hồi tại nơi đi và đất giao tại nơi đến để chi trả tiền cho dân.

Tuy nhiên, ngày 29.5.2019, Công ty thủy điện Hủa Na bất ngờ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thay đổi phương án bồi thường theo cách đối trừ tổng giá trị các loại đất nơi đi và nơi đến (gộp đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp). Theo phương án bồi thường này, tổng tiền bồi thường như phương án đã nói ở trên, từ 57,7 tỉ đồng sẽ giảm xuống còn 44,6 tỉ đồng.

Phương án đối trừ gộp các loại đất này gây thiệt cho người dân, có hộ thiệt gần trên 100 triệu đồng, nên người dân và UBND H.Quế Phong không đồng ý. UBND H.Quế Phong sau đó vẫn giữ quan điểm phải áp dụng bồi thường đất theo khoản 2, điều 74, luật Đất đai 2013 ("việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất").

UBND tỉnh Nghệ An sau đó tổ chức cuộc họp để giải quyết, nhưng không xử lý được mà phải xin ý kiến các bộ, ngành. Đến nay, Bộ TN-MT đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị căn cứ nguyên tắc bồi thường theo quy định tại luật Đất đai 2013.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở TN-MT và UBND H.Quế Phong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, công văn này vẫn không khơi thông được bế tắc vì hướng dẫn rất chung chung, quả bóng lại được “đá” về cho UBND H.Quế Phong. Trong khi đó, Công ty thủy điện Hủa Na vẫn giữ quan điểm như cũ, nên sự việc lại phải đưa về vạch xuất phát.

Dân phải làm thuê khắp nơi kiếm sống

Ông Lô Văn Thứ, Bí thư Chi bộ bản Huồi Muồng (xã Tiền Phong, H.Quế Phong), cho biết sau 9 năm đến khu TĐC, cuộc sống của người dân rất khó khăn vì ruộng được chia ở cách xa nhà 7 - 8 km. Đến nay, đất ruộng nơi ở cũ vẫn chưa được bồi thường khiến người dân không có tiền để tạo dựng cuộc sống.

“Nơi ở cũ, nhiều hộ có rất nhiều ruộng nước 2 vụ lúa nên cuộc sống dư giả, nhưng đến khu TĐC, ruộng không có nên người dân phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống”, ông Thứ nói. Ông Thứ cũng cho rằng, nếu bồi thường như phương án mà Công ty thủy điện Hủa Na đưa ra, người dân sẽ rất thiệt thòi vì giá trị của đất sản xuất lúa cao hơn đất lâm nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An, cho biết năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã báo cáo gửi Chính phủ và Chính phủ đã giao Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT tham mưu, hướng dẫn cho tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, do luật quy định rất chung chung nên các văn bản hướng dẫn cũng không rõ, nên chưa xử lý được.

Phương án bồi thường của Công ty thủy điện Hủa Na ít hơn phương án của UBND H.Quế Phong tạm tính khoảng 15 - 17 tỉ đồng. Sở TN-MT đã báo cáo 2 phương án để UBND tỉnh Nghệ An tìm phương án xử lý, đó là đi học tập kinh nghiệm giải quyết tại các tỉnh có nhà máy thủy điện, và thứ hai là tiếp tục có văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan hướng dẫn rõ hơn nội dung này.

Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND H.Quế Phong, cho biết huyện rất “nóng ruột” vì người dân di dời đã quá lâu nhưng quyền lợi của họ vẫn chưa được đảm bảo.

Quan điểm của UBND H.Quế Phong vẫn là căn cứ theo quy định của pháp luật về đất đai để bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị mất đất. “Chúng tôi sẽ cố gắng để sớm giải quyết việc này, tuy nhiên hiện vẫn đang gặp khó khăn do quan điểm của chủ đầu tư thủy điện và huyện vẫn chưa gặp nhau”, ông Vũ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.