Tại khu đất rộng khoảng 1.000 m2 trên cánh đồng Mẫu, nơi UBND xã Nghĩa Trung đang san lấp để xây khu xử lý rác thải, PV Thanh Niên ghi nhận vị trí này cách xóm 1 chỉ gần 300 m, cách xóm 7 khoảng 400 m, cách thôn An Phú (xã Nghĩa Sơn) cũng không xa.
Theo ông Nguyễn Văn Trúc (92 tuổi, ngụ tại xã Nghĩa Trung), khu xử lý rác này nằm cách nghĩa trang của thôn An Phú (xã Nghĩa Sơn) 20 m, cách nghĩa trang Tam Toà của xã Nghĩa Trung hơn 300 m. “Để bãi rác gần mồ mả tổ tiên chúng tôi như thế này là không được”, ông Trúc nói. Ngoài ra, vị trí đặt khu xử lý rác thải chỉ cách 2 nhà máy nước sạch, cung cấp nước sinh hoạt cho 10 xã trong vùng chỉ hơn 1 km, khiến người dân hoang mang.
Theo phản ánh của người dân, UBND xã Nghĩa Trung đã bỏ qua quy chế dân chủ khi xây dựng khu xử lý rác thải này. Chính quyền xã đã lẳng lặng tìm kiếm mặt bằng, đến tháng 11.2016 bắt đầu san lấp. Đầu năm 2017, khi các phương tiện chở vật liệu về để triển khai dự án thì người dân mới biết và kéo ra ngăn cản. UBND xã Nghĩa Trung không họp lấy ý kiến người dân trong khi đây là công trình công cộng cần phải công khai rõ ràng.
Cũng theo phản ánh của người dân, UBND xã Nghĩa Trung đã “vượt mặt” cấp trên vì triển khai dự án khi chưa được UBND huyện và UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Phạm Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung xác nhận đã không họp, lấy ý kiến người dân về dự án. “Do tiến độ xây dựng nông thôn mới huyện giao đến tháng 5.2017 phải hoàn thành khu xử lý rác nên chúng tôi có phần vội vàng", ông Thắng nói.
tin liên quan
Sớm đưa công nghệ điện rác vào cuộc sốngSáng 18.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát công nghệ điện rác của Công ty TNHH thủy lực máy HMC tại khu công nghiệp Đồng Văn 2, tỉnh Hà Nam.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Sái Hồng Thanh, Chủ tịch UBND H.Nghĩa Hưng cho biết sẽ kiểm tra thông tin vụ việc và yêu cầu UBND xã Nghĩa Trung thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cũng như các quy định, trình tự về thủ tục thì mới được triển khai xây dựng khu xử lý rác thải này.
Bình luận (0)