Lựa chọn táo bạo
Dù đội tuyển Việt Nam gặp những đối thủ mạnh hơn ở loạt trận giao hữu tháng 10 như đội tuyển Trung Quốc (hạng 80), Uzbekistan (hạng 75) và Hàn Quốc (hạng 26), nhưng HLV Philippe Troussier vẫn thử nghiệm cầu thủ trẻ, với ít nhất từ 5 đến 6 cái tên U.23 đá chính mỗi trận.
Lần lượt Thái Sơn, Minh Trọng, Đình Bắc, Văn Toản, Tuấn Dương, Tuấn Tài, Văn Cường, Văn Khang đều có cơ hội thể hiện, trong đó Minh Trọng, Tuấn Tài và Đình Bắc chiếm suất đá chính ở các trận gặp Hàn Quốc và Uzbekistan, các cầu thủ còn lại cũng có từ 2 đến 3 trận ra sân, với ít nhất 20 phút mỗi trận.
Với tiêu chí dùng cầu thủ dựa trên phong độ và xây dựng lớp kế cận, HLV Troussier sẵn sàng gạt bỏ nhiều cựu binh để nhường chỗ cho tài năng trẻ.
Ở cánh trái, ngoại trừ Văn Hậu chấn thương, Hồng Duy đã được thay thế bằng Minh Trọng. Ở cánh phải, Văn Cường và Tiến Anh trở thành lựa chọn hàng đầu thay Tấn Tài, Văn Thanh. Trên hàng công, thời lượng ra sân của Đình Bắc còn nhiều hơn Tiến Linh - chân sút số 1 của đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang-seo.
Việc trẻ hóa đội tuyển đã được HLV Troussier khẳng định từ trước. Ông nhấn mạnh: "Tôi không có nghĩa vụ lựa chọn cầu thủ dựa trên tên tuổi hay danh tiếng quá khứ của họ".
Một số nhân tố chủ chốt của đội tuyển Việt Nam trước đây đã chạm ngưỡng đẳng cấp, khó bứt phá lên nấc thang cao hơn. Với khoảng 60 cầu thủ mà HLV người Pháp đánh giá có khả năng cạnh tranh vị trí, sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ mang đến làn gió mới mẻ, buộc lứa đàn anh phải nỗ lực giữ vị trí.
Tuy nhiên, mọi cuộc trẻ hóa đều phải toan tính kỹ lưỡng. Năm 2018, HLV Park Hang-seo cũng trẻ hóa đội hình, mang lứa đã tạo nên kỳ tích Thường Châu (về nhì ở giải U.23 châu Á) lên đội tuyển quốc gia. Song, lứa cầu thủ của ông Park với Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh, Văn Hậu,... đã có nhiều năm đá V-League và thể hiện đẳng cấp ở sân chơi trẻ.
Tức là cả về tài năng và độ chín, lứa cầu thủ này đều đã đạt tới. Khi nhận thấy học trò đã sẵn sàng, ông Park mới thay thế các cựu binh.
Lứa trẻ của HLV Troussier hiện nay chưa thể so với đàn anh. Nên nhớ, khi Quang Hải ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Việt Nam (đánh đầu vào lưới Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019 vào năm 2017), cầu thủ sinh năm 1997, có 2 năm đá V-League và là ngôi sao trẻ hàng đầu.
Trong khi đó, dàn sao trẻ mà ông Troussier tin dùng mới có Thái Sơn và Văn Cường là chắc suất ở CLB, số còn lại đá hạng nhất (Đình Bắc, Minh Trọng), hoặc dự bị ở V-League (Tuấn Tài, Văn Khang, Văn Tùng, Văn Luân, Tuấn Dương).
Việc đem đến trải nghiệm cho cầu thủ trẻ là cần thiết, nhưng chỉ thực sự ý nghĩa khi các sao trẻ đã có cái nền vững vàng về chuyên môn. Còn nếu trẻ hóa lực lượng với tần suất dày đặc, khi bản thân những cầu thủ ấy còn chưa chơi nổi bật ở các giải trẻ đã phải lập tức bước ra "biển lớn" với đầy rẫy khó khăn, chưa chắc cuộc thử nghiệm đã đạt hiệu quả cao nhất.
Hồi hộp chờ V-League
Đồng ý rằng trong bóng đá, phải đi thì mới có đường, nhưng trên con đường phát triển cầu thủ trẻ, HLV Troussier chẳng thể thành công nếu ông "độc bước".
Các cầu thủ trẻ cần có chỗ đứng, được sử dụng thường xuyên ở CLB. Đó mới là gốc rễ, nền tảng vững vàng ở CLB, từ đó HLV ở đội tuyển quốc gia mới tận dụng cái nền đấy để xây đắp thêm tại các giải lớn.
Còn nếu cầu thủ trẻ phải ngồi dự bị, hiếm khi được ra sân tại V-League dẫn đến trình độ, kinh nghiệm không tăng lên theo thời gian, những cuộc thử nghiệm theo hướng cứ để cầu thủ vào sân rồi... "tự lớn" khó hiệu quả.
Quang Hải, Văn Đức, Văn Hậu, Duy Mạnh, Hoàng Đức, Tuấn Hải... tỏa sáng ở đội tuyển Việt Nam chẳng phải vì HLV Park trẻ hóa, mà bởi những cầu thủ này đã có nền tảng chắc chắn ngay từ cấp CLB, chứng tỏ mình ở V-League và giải trẻ. Để rồi khi được trao cơ hội, tất cả đều sẵn sàng chứng tỏ bản thân.
Học trò của ông Troussier đã có sự sẵn sàng ấy chưa? Sau 6 trận thử nghiệm, có lẽ "Phù thủy trắng" đã tìm thấy câu trả lời.
Ở V-League 2023-2024, nếu dàn sao trẻ của HLV người Pháp được mài giũa thường xuyên, cuộc trẻ hóa ở đội tuyển mới có thể trọn vẹn.
Bình luận (0)