Tu bổ tam bảo tìm thấy đầu rồng đất nung
Chùa Lâm So (Quốc Oai, Hà Nội) vừa phát hiện một nhóm hiện vật trong quá trình thi công tu bổ tam bảo. Biên bản cuộc họp ngày 23.2 giữa địa phương và các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cho thấy có 14 hiện vật và một số mảnh gốm vỡ. Các hiện vật tìm thấy được gồm: đầu rồng đất nung đã bị vỡ nhưng còn dáng thế kỷ 13 - 14; ngói trang trí đất nung vỡ nhưng còn dáng thế kỷ 17 - 18; ngói yếm đất nung vỡ còn dáng thế kỷ 17 - 18; nhiều gạch chỉ đất nung có trang trí rồng phượng nguyên vẹn thế kỷ 15. Cũng còn có cả mộc bản chữ Hán đã bị nứt thế kỷ 19. “Những hiện vật từ thời Trần đến thời Lê này cho thấy chùa đã được tu bổ tôn tạo nhiều lần, đặc biệt ở thời Lê Trung Hưng”, PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết.
Tại cuộc họp này, các nhà nghiên cứu đề xuất đưa toàn bộ nhóm hiện vật về Bảo tàng Hà Nội. TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, còn đề nghị tiếp tục theo dõi trong quá trình tu bổ còn tìm thấy thêm hiện vật nào nữa không. Thạc sĩ Nguyễn Thị Trung, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng Hà Nội, cũng nhất trí sẽ hoàn thiện hồ sơ để tiếp nhận hiện vật. Đại diện Ban Quản lý di tích chùa Lâm So cũng đồng ý như vậy. Tuy nhiên, theo biên bản cuộc họp, sư thầy Thích Đàm Thiền và người dân có ý kiến đề xuất để nhà chùa giữ lại hiện vật để lưu trữ và bảo quản.
Nhưng sự việc không dừng ở đó. Ngày 15.3, một nhóm, trong đó có sư trụ trì và 20 vãi già đại diện cho 800 vãi các thôn, đã họp. Biên bản cuộc họp cho thấy mong muốn giữ các hiện vật này, trong đó, người dân cho rằng: “Nếu mang đầu rồng đi thì sợ mất linh thiêng của chùa trong khi địa phương đang yên lành làm ăn phát đạt, nếu mang đi, sợ xảy ra biến cố trong dân”.
Về việc xử lý các hiện vật, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến khẳng định: “Luật là luật. Bảo tàng Hà Nội sẽ giữ hiện vật để trưng bày và phát huy”.
|
Có thể xem xét sửa luật
Về đề nghị của người dân địa phương và sư trụ trì chùa Lâm So, PGS-TS Phạm Quốc Quân cho biết theo luật, đề nghị này chắc chắn không được chấp nhận. Hiện tại, ngoài các quy định về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, còn có quy định về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị nữa. Theo đó, di tích muốn giữ hiện vật phải có ban quản lý di tích, nhà trưng bày bổ sung, với các thiết bị đáp ứng điều kiện, đồng thời phải được sự đồng ý của Bộ VH-TT-DL.
Ông Quân cũng lấy ví dụ về hộp vàng có hình hoa sen mà giới nghiên cứu vẫn gọi là hộp vàng Đông Triều. Bản thân Ban Quản lý di tích Đông Triều cũng đã xây dựng hệ thống bảo quản (chống đạn) rất tốt để chứa hiện vật. Hiện vật này nếu được trưng bày tại chỗ cũng là một cách thu hút du khách cho địa phương khi gắn liền với quần thể danh thắng Yên Tử. “Nhưng Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã đưa hộp vàng về cách đây hơn 1 năm rồi, dù Yên Tử muốn giữ lại”, ông Quân nói.
PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, cho rằng việc đưa hộp vàng Đông Triều ra khỏi nơi tìm thấy nó là điều rất đáng tiếc dù đúng luật. “Lý thuyết quốc tế thì nói di sản phát hiện tại chỗ, bảo tồn tại chỗ thì tôn vinh tốt hơn. Nhưng ở đây, Bảo tàng Quảng Ninh nói rằng họ chưa có đồ độc, Đông Triều cũng chưa có tư cách pháp nhân để giữ vì họ không phải đơn vị làm bảo tàng”, ông Trí nói.
Chính vì thế, theo ông Trí, dù phải thượng tôn pháp luật thì cũng thấy có những trường hợp nếu áp dụng quy định hiện nay sẽ thành cứng nhắc. Chẳng hạn, nếu có thể sửa đổi để di tích nơi tìm thấy hiện vật có thể giữ lại hiện vật thì cũng tốt. “Ở chùa Lâm So, nếu có 7 - 8 viên gạch có rồng phượng mà giống nhau thì có thể cho nhà chùa giữ lại một hai viên. Ngành văn hóa đang muốn có cái gì thì cầm chặt. Mà văn hóa là phải cho cộng đồng, nhân dân”, ông Trí nói.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản, cho rằng nếu người thân tha thiết muốn giữ thì khi mang hiện vật đi cũng cần thuyết phục cộng đồng. “Đầu tiên là khen thưởng người phát hiện. Thuyết phục dòng họ nào lớn, các cụ lớn tuổi hiểu. Nói rõ là đưa ra Bảo tàng Hà Nội thì làng mình cũng được vinh hiển hơn, có cơ hội cho người xem biết đến hơn. Đừng để như trường hợp đáng tiếc ở Vĩnh Long, người dân tìm thấy con nghê đồng. Đầu tiên họ đề nghị bồi dưỡng 15 triệu, mãi tỉnh mới xét duyệt thì xuống người dân nói đã có người trả tôi 30 triệu rồi. Quay về xin 30 triệu đến thì đã có người trả 45 triệu rồi. Cuối cùng phải cưỡng chế thu về bảo tàng. Người giữ hiện vật chống lại người thi hành công vụ, sau đó thì bị bắt giam”, ông Bài chia sẻ.
Mặc dù vậy, theo ông Bài, những trường hợp như đầu rồng chùa Lâm So hay hộp vàng Đông Triều rất đáng lưu tâm khi thi hành luật. “Sau này sửa luật Di sản thì cũng phải đưa ra bàn. Tôi cũng đang nghiên cứu và tìm những câu chuyện thực tế để sửa luật”, ông Bài nói.
Điều 14, luật Di sản sửa đổi năm 2009 quy định tổ chức cá nhân khi phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nghĩa vụ giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất. Cũng theo luật này, tại điều 41 quy định các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia này phải được tạm nhập vào kho bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện và báo cáo Bộ VH-TT-DL. Sau đó, Bộ VH-TT-DL sẽ xem xét, quyết định giao các hiện vật được phát hiện cho bảo tàng nhà nước có chức năng thích hợp. Tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp sẽ được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng tiền theo quy định của pháp luật.
|
Bình luận (0)