(TNO) So với các quốc gia từng giành được quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn thứ 2 thế giới, sau Thế vận hội Olympic - ASIAD, Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18-2019) 'đến' với Việt Nam khá dễ...
>> Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18
>> Quyết định rút đăng cai ASIAD rất hợp lòng dân
>> Cố gắng không bội chi khi tổ chức ASIAD
ASIAD sẽ mang lại sự phát triển cho thể thao Việt Nam?
|
Trong lịch sử, ASIAD đầu tiên được tổ chức tại Ấn Độ năm 1951 (dự định diễn ra năm 1950 nhưng bị hoãn) và năm 2018 dự kiến diễn ra kỳ ASIAD thứ 18.
Tuy nhiên, năm 2009, Hội đồng Olympic châu Á họp tại Singapore đã quyết định lùi sự kiện này đến năm 2019, một năm trước Thế vận hội Mùa hè 2020, để thành lập chu kỳ 4 năm mới.
Để giành quyền chủ nhà của sự kiện thể thao lớn thứ hai thế giới, năm 2011 Tổng cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam đã xây dựng Đề án đăng cai tổ chức ASIAD 18. Tham gia cuộc đua, ngoài Việt Nam còn có Indonesia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Song, vào phút chót, UAE đã rút lui. Nhờ được 29 phiếu ủng hộ, Việt Nam giành chiến thắng trước Indonesia khi nước này chỉ được 14 phiếu. Lần đầu tiên Việt Nam được quyền đăng cai ASIAD, trong khi Jakarta (Indonesia) từng là chủ nhà sự kiện này năm 1962.
Phát biểu tại lễ bốc thăm diễn ra ở Macau (Trung Quốc) cuối năm 2012, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi tin tưởng rằng Đại hội Thể thao châu Á sẽ mang lại sự phát triển cho thể thao Việt Nam".
Lúc đó, trước lo ngại của báo chí về cơ sở vật chất, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Vương Bích Thắng cho rằng, thuận lợi là Việt Nam thừa hưởng nhiều hạng mục công trình thể thao từ SEA Games 22 (năm 2003) và Asian Indoor Games (AIG III - năm 2009); Các công trình còn thiếu sẽ sớm trình Bộ và Chính phủ phê duyệt.
Đề cập tới kinh phí 150 triệu USD có đủ tổ chức ASIAD, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, từng cho rằng việc giành được quyền đăng cai tổ chức sự kiện này sẽ là "thắng lợi quan trọng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam", và "150 triệu USD là con số khả thi".
Nảy sinh nhiều bất cập
|
ASIAD 18 dự kiến có 36 môn thi, với sự tham gia của khoảng 12.000 vận động viên, cán bộ đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng đại biểu dự kiến 2.000 người và số lượng phóng viên báo chí truyền thông 5.000 người.
Qatar được cho là đã chi 2,8 tỉ USD cho Asian Games 2006; Trung Quốc bỏ ra gần 20 tỉ USD xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức ASIAD 2010. Đến Incheon 2014, Hàn Quốc cũng dự chi 1,62 tỉ USD. |
Ngoài ra, còn khoảng 35 công trình thể thao cần cải tạo, nâng cấp, như sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, các công trình thể thao ở 12 địa phương.
Theo kế hoạch, ngân sách dự kiến chi hơn 1.000 tỉ đồng cho công trình nhà thi đấu đa năng 7.000 chỗ ngồi ở Khu liên hợp Thể thao Quốc gia, và trường bắn súng tại Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội; chi hơn 400 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có; chi gần 500 tỉ đồng mua sắm, thuê mướn trang thiết bị; cùng hơn 1.600 tỉ đồng phục vụ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội...
Kinh phí 150 triệu USD tổ chức ASIAD 2019 trong đề án của Bộ Văn hóa khiến các cơ quan liên quan không khỏi lo ngại.
Ngay sau khi Việt Nam nhận được quyền đăng cai ASIAD 18, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Nguyễn Hồng Minh đã cảnh báo, việc Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18 là bình thường, không được đăng cai mới là bất thường bởi nhiều nước đã xin rút vì kinh tế khó khăn.
"Trước khi giành quyền đăng cai ASIAD, đã có nhiều cuộc tranh luận về việc Việt Nam có nên đăng cai ASIAD 2019 không. Thời điểm đó, tôi cũng như nhiều cựu lãnh đạo của ngành thể thao đã bày tỏ quan điểm không nên đăng cai bởi chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức", ông Minh nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cũng nhận định, đầu tư 150 triệu USD để đăng cai ASIAD 18 là không khả thi bởi "số tiền đó chưa đủ"...
Thanh Niên Online
Bình luận (0)