Đẳng cấp tình báo Việt Nam

25/03/2008 00:37 GMT+7

Chúng tôi có may mắn được gặp nhiều nhà tình báo lão thành lừng danh của chúng ta. Đó là ông Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), ông Ba Quốc (Đặng Trần Đức), ông Sáu Trí (Nguyễn Đức Trí), ông Tư Cang (Nguyễn Văn Tào), ông Mười Nho (Nguyễn Xuân Mạnh), ông Ba Minh (Nguyễn Văn Minh), ông Ba Lễ (Nguyễn Văn Lễ) và một số người khác. Báo Thanh Niên đã đăng nhiều loạt ký sự dài kỳ về những chiến công kỳ diệu và những phẩm chất tuyệt vời của họ.

Còn rất nhiều người khác, trong đó có những huyền thoại tình báo, chúng tôi chưa được gặp. Nhưng chỉ với chừng ấy người được tiếp cận, đối chiếu với những gì mà chúng tôi được biết về lịch sử tình báo thế giới, có thể khẳng định đẳng cấp của ngành tình báo cách mạng nước ta không hề thua kém bất cứ nước nào.

Hơn hai mươi năm giữ an toàn tuyệt đối trong lòng địch, tiếp cận và phân tích tất cả những kế hoạch, những âm mưu, thủ đoạn quan trọng nhất của Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh để cung cấp cho tổng hành dinh kháng chiến, khó có một nhà tình báo đông tây kim cổ nào hoàn hảo, lý tưởng như Phạm Xuân Ẩn.

Ngang nhiên ở giữa cơ quan tình báo trung ương của đối phương để tả xung hữu đột, làm những chuyện kinh thiên động địa, trong đó có việc báo về tổng hành dinh danh sách 42 ổ gián điệp địch cài ở miền Bắc để xóa sạch chúng, làm trong sạch hậu phương, kỳ tài như ông Ba Quốc ít ai bì kịp.

Hầu như thức trắng suốt một năm rưỡi để kịp chép bằng tay tất cả những tài liệu chiến tranh hàng ngày gửi đến gửi đi của Tổng Tham mưu trưởng quân đội đối phương, đến nỗi hỏng cả hai mắt, cường độ chịu đựng của ông Ba Minh chỉ có thể gọi là phi phàm...

Đó chỉ là một số trong rất nhiều chuyện có thể dẫn chứng.

Nhưng tất cả những người mà chúng tôi đã gặp ai cũng thật thà khiêm tốn, ai cũng bảo "tôi chỉ góp một chút nhỏ xíu thôi, ông kia công mới lớn". Thiên hạ thường đổ lỗi cho nhau, còn ở đây, trong cái ngành thầm lặng tuyệt đối này, ai cũng "đổ công" cho người khác. Theo chúng tôi, trong những di sản của ngành tình báo mà lớp cha chú để lại cho thế hệ sau này, đây cũng là một di sản vô giá. Nó không chỉ vô giá đối với các chiến sĩ tình báo mà vô giá đối với bất kỳ ai làm việc trong một tập thể.

Ông Phạm Xuân Ẩn có lần nói với chúng tôi: Một thông tin tình báo do điệp viên gửi về, dù điệp viên đó giỏi đến đâu, thông tin có chính xác đến đâu, cũng chỉ có 50% giá trị. 50% giá trị còn lại là sự sáng suốt của cấp trên. Là người ngoài ngành, chúng tôi rất lâu mới hiểu ý nghĩa lời ông Ẩn nói. Ông Ẩn không hề coi thường sự tài giỏi và chính xác của tình báo Mỹ, nhưng ông coi thường những "cấp trên" của tình báo Mỹ, vì họ dùng tin để phục vụ những mục đích chính trị của phe phái. Ông Ẩn bảo hồi Mậu Thân không phải tình báo Mỹ không có những tin tức quan trọng, nhưng những tin tức đó đã bị Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bóp méo đi nhằm phục vụ cho ý đồ của hành pháp che mắt Quốc hội Mỹ. Và loạt bài Đưa ra ánh sáng vụ bê bối tình báo lớn nhất Mỹ - Đức mà Thanh Niên đang đăng tải mấy hôm nay, là bằng chứng mới nhất của việc sử dụng thông tin tình báo giả tạo để làm cái cớ tấn công Iraq. Nói như vậy để thấy sự độc đáo ưu việt của ngành tình báo cách mạng Việt Nam. Sự ưu việt đó là, dưới sựå lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các điệp viên, cơ quan tình báo và cấp trên đều có một mục tiêu nhất quán: giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, đem lại sự bình yên, cường thịnh cho đất nước.

Ngành tình báo của chúng ta đã sản sinh ra những nhà tình báo vĩ đại tầm cỡ thế giới và để lại những di sản, những truyền thống quý giá. Đó là sức mạnh quốc phòng, là sức mạnh của dân tộc.

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.