Hằng năm, cứ đến 23 tháng Chạp, người dân Sài Gòn lại đổ ra hồ, ao, kênh gần nhà để thả cá chép, đưa tiễn ông Táo về trời. Nếu trong ký ức tôi là hình ảnh cá chép vẫy vùng, vui mừng tấp tới trở về với dòng nước tự nhiên thì buổi sáng hôm ấy, điều tôi trông thấy đã đập ngược lại: con cá ngáp mồm khi người dân đổ cả tro nhang, bàn thờ, lư hương và bao nilon xuống con kênh.
Ngày nhỏ, tôi thường nghe ba nói cụm từ ‘vượt vũ môn’, nghĩa là con cá sẽ hóa rồng để ông Táo trong bếp nhà cưỡi về chầu trời. Nói xong ba chỉ tôi thả cá, chắp tay nguyện cầu trước rồi móc một sợi dây vào thùng, đưa từ từ xuống con nước, cho cá bơi tung tăng ra.
Ông cụ leo thẳng xuống cầu thang của con kênh mà thả cá vì sợ cá bị ngộp, đập đầu vào tường
|
Khi ấy ba nói lòng sẽ được thanh thản vì đã giải thoát cho một sinh mệnh, con cá bơi về dòng nước là từ biệt những chuỗi ngày sống trong cái thao chật chội của bà bán cá mà được tung hoành trong tự nhiên. Hít một hơi thật sâu, tôi nhìn thấy sự vui mừng tựu hình trong chính bản thân mình, một điều thiêng liêng đọng lại.
Nhưng rồi nhiều năm sau, mỗi lần cùng ba đi thả cá vào ngày mùng 2, những con cá chỉ mới về dòng nước đã bị những cái vợt to tướng vớt đi, ngóp ngáp chới với trong chiếc lưới chằng chịt. Ở chỗ chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) bây giờ người ta chèo ghe ra tận giữa sông mà thả, không ai dám thả hai bên bờ vì sự trắng trợn, táo bạo của người vớt cá lên bán lại.
Vậy mà trước hành động đó, chính những người thả cá để phóng sinh cũng im lặng, quay đi và buột miệng nói: “Thôi, cãi vã làm gì mắc công lại sinh chuyện”. Có người thấy thế lắc đầu: “Thiện tai, thiện tai”.
Người bố chỉ cho đứa con cách thả cá. Thằng nhỏ vui sướng khi thấy con cá vừa thả bơi khỏe mạnh giữa dòng nước.
|
Ngày 23 tháng Chạp năm nay, trước 12 giờ, dọc con kênh Nhiêu Lộc, nhất là quanh khu vực chợ Thị Nghè có rất nhiều người đổ ra thả cá phóng sinh. Tôi chạy theo chụp hình. Có ông cụ ngước mặt lên trời khấn vái. Những tưởng ông sẽ thả cá thẳng xuống kênh nhưng ông đi bộ lại gần cây cầu, lặn lội leo xuống cái thang. Hai vạt quần ướt sũng, ông một tay bám chặt cái thang, một tay thả nhẹ cho cá bơi khỏi bịch nilon. Rồi ông cười: “Thế là nhẹ lòng”.
Leo lên lại bờ, ông cụ nói với tôi: “Cảm ơn cháu đã cầm giúp bác, bác thả như thế cá không bị ngộp chết, không bị đập vào thành cầu”. Ông cụ tóc muối tiêu ấy lại đi chậm rãi đến chỗ thùng rác và nhét túi nilon vào.
Những ký ức về thả cá ngày xưa cùng ba lại dội ngược về, ngay lúc đó lại trông thấy một chú cầm tay đứa con chỉ cho nó cách thả cá. Khi con cá vẫy vùng rồi bơi ra xa tít, thằng nhỏ chỉ theo, réo lên đầy hứng khởi: “Thế là khỏe, con cá khỏe, gia đình khỏe”.
Ông bác thả cả lư đèn, bàn thờ, bình bông không dùng nữa xuống kênh
|
Nhưng cũng dọc con kênh Nhiêu Lộc, một ông cụ không chỉ thả cá mà đổ luôn xuống sông nào là bàn thờ, bình hoa, lư đèn và tất nhiên, cả bao nilon. Tôi hỏi chuyện, ông bảo tiễn ông Táo thì tiễn cả nhà ông đi, với không xài nữa nên bỏ.
Tôi bất ngờ, tự hỏi chúng ta thả cá để phóng sanh như một điều từ bi, cầu chúc những điều an lành đến với mình nhưng lại quẳng cả những đồ vật không dùng nữa xuống con kênh mà cả hơn chục năm qua chúng ta ra sức cứu lấy để nó không chết trong ô nhiễm.
Vậy, chúng ta đang nhân danh tín ngưỡng gì để xả rác xuống sông ngày đưa ông Táo về trời?
Đọc báo thấy ở Hà Nội, các bạn trẻ đã dàn hàng ở những địa điểm thả cá để vận động mọi người thả cá đừng thả túi nilon. Nhưng cá vẫn chết phơi bụng xung quanh hồ Tây, vướng xác vào những đám rác thải và túi nilon. Chỉ trong vòng một ngày, tàn tro và chân hương thờ cúng phủ kín một mặt sông ở ngay chính thủ đô của đất nước.
Còn ở Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc có lẽ là nhân chứng lịch sử cho bao lần tiện tay của con người thoải mái thả rác xuống sông: rác thải của người dân trong các khu chung cư dọc bờ kè, những quán nhậu với thức ăn thừa mứa đổ ập xuống kênh và lòng ruột gà, vịt, cá mà người buôn bán quanh khu chợ Thị Nghè quẳng đại xuống.
Mặt kênh Nhiêu Lộc nổi lềnh bềnh rác khi người dân quẳng tất cả xuống
|
Khi ông cụ thả bàn thờ, lư hương và tàn tro xuống, người vợ bên cạnh lại phóng sinh cá, tôi đã thấy con cá ngoi ngóp bơi trong làn nước đục ngầu, ngập ngụa tro tàn và xung quanh lềnh bềnh những vật dụng đã bỏ đi.
Chúng ta nhân danh những điều tâm linh mà đạp đổ đi môi trường sống của mình. Chúng ta luôn mơ ước có con sông đi xuyên qua lòng thành phố đẹp và sạch như những dòng sông ở châu Âu nhưng không ngần ngại thả cả hàng tấn rác mỗi ngày lên sự êm ả của nó. Chúng ta, rồi sẽ như những con cá chép, ngóp ngép trên dòng nước đen ngòm, khi ta cứ mãi ‘tiện tay’ như thế.
Lần sau, nếu thả cá mà quẳng luôn bọc nilon thì xin hãy khấn vái ‘tiện tay, tiện tay’ thay vì cầu an, cầu siêu, mong được thanh thản mà lòng thì chẳng nhấc nổi một túi nilon vứt vào thùng rác.
Bình luận (0)