Có thể xem đó là gia phả của một dòng họ ưu tú ở nông thôn, lịch sử của một ngôi làng bên bờ sông Châu đậm đặc chất văn hóa dân gian, bi kịch của những thế hệ đàn bà nông thôn số phận mỏng manh, trải qua bao trầm luân, mất mát. Một ông Quỹ Nhất giỏi võ, mưu trí, con một gia đình đến khai đất lập làng, từng dẹp cướp, đuổi giặc, làm giàu bằng việc trồng mía, xây lò làm đường, qua việc giao thương mà mở mang làng xóm. Thứ văn hóa và lao - động - mía - đường ấy đã đẻ ra những con người cường tráng. Những lớp "đàn ông cổ to ù ụ, ngực nở căng, hai vai rộng, bụng thắt nẩy múi, đùi ếch thuôn dài, cơ bắp cuồn cuộn... những lớp con gái cặp vú rắn đanh, mông căng ních, hai cánh tay quấn chặt như thuồng luồng". Thấp kém như thằng Lẹp cụt tay dị hình dị tướng, vậy mà khi xuống nước thì bơi lượn tung tăng không kém loài thủy tộc.
Cuộc sống yên lành bỗng xáo trộn hết, sau khi thằng Lẹp cả gan chiếm đoạt cô Bé con gái út ông Quỹ Nhất, ngay trong đêm Lẹp suýt chết đuối và cô Bé đã ra tay cứu hắn. Khi mối dan díu bị phát giác và được bà Mến cho biết cô và Lẹp là anh em cùng cha khác mẹ, cô Bé đã phải bỏ xứ ra đi, còn Lẹp, trong sự u mê tăm tối bản chất, bắt đầu chuỗi tội ác kinh khủng của hắn. Lẹp trở thành hiện thân của cái ác, có lúc đến mức tận ác. Những dân làng thân thuộc từ tuổi ấu thơ bỗng trở thành đối tượng trả thù của hắn. Sự mù quáng trong hắn đã khiến bà mụ Mến phải kêu lên cuồng nộ: "Cái sự ác nó bước đến xóm làng này từ khi nào? Nó nấp ở đâu? Nó bước vào trong nhà bà từ khi nào?". Lẹp đã góp phần biến cái làng Thanh Khê đầy huyền thoại thành một vùng khổ nhục, tan tác, tàn phá từ cây mía, bến đò, xâm phạm cả những gì thiêng liêng nhất của con người. Nghề mía đường bị bóp chết, mọi thứ thay bậc đổi ngôi, ngay cả dòng sông, "Hai mươi mốt sải nước sâu, sâu thăm thẳm, không còn đôi cá thần linh thiêng... Trong lòng sông chỉ còn đàn cá mè ranh chưa thả xuống đã hối hả đánh bắt". Lẹp đã bị trời phạt, bắt tuyệt hậu, những đứa con hắn sinh ra chỉ là những quái thai kinh dị: "Hài nhi không có chân, mặt người, mắt như mắt cá, bùng nhùng như một chậu thịt, màu đỏ bầm".
Khuê - cháu nội ông Quỹ Nhất, tình nguyện vào quân ngũ. Vẫn sống sót sau bao trận đánh, anh trở về quê, gặp lại người mẹ cực cùng đau khổ, định cùng vợ con khôi phục nghề làm đường, nhưng tất cả đều đổ sông đổ biển khi chính gia đình nhỏ của anh lại tan tác không có cơ hàn gắn. Anh bỏ làng ra đi, dù chưa biết sẽ đi đến đâu và đi đến chừng nào... Tiểu thuyết dừng lại với hình ảnh Khuê vùng vẫy trong dòng sông "sáng chói giống như một con đường vút ra đến vô cùng", cố cứu người đàn bà góa đưa đò đã trẫm mình khi nhảy lên xe đòi đi theo nhưng bị anh từ chối.
Đọng lại trong người đọc là những lời kêu van của ông Nghĩa trước khi bị lôi đi hành hình "Làm người cần phải dành chỗ để thờ, còn giữ cái để mà sợ. Không kính, không thờ thì con cháu sẽ đánh chửi lại cha mẹ; không còn gì để sợ thì từ ngôi cao nhất đến người cùng đinh tất thảy sẽ thành kẻ ác". Còn cả nỗi say mê không kìm nén mỗi khi tác giả mô tả những gì thuộc về đời sống. Từ trò chơi Xin muối của trẻ, những bữa gỏi cá của cánh đàn ông, cho tới món cá kho trong tay người đàn bà, tất thảy đều là những niềm vui nắn nót để hưởng thụ cuộc đời. Từ sự thân thiết hồn nhiên giữa đám trai gái đến sự thấu cảm kỳ lạ giữa con người với loài vật quanh mình. Ấy là chưa kể cả một kho từ ngữ giàu có đã lâu không còn thấy xuất hiện trong văn học:
"lặn tít cù lịt dưới đáy
to mẫm mạp
đầy ú ụ
tí táu tí mẻ
khuết qua cái mặt
bắp thịt lồi ra ụ ị...".
Cuộc sống tươi đẹp là thế nhưng cuộc sống đã bị chà đạp. Dòng sông mía ngọt ngào đã bị cái ác làm cho đắng chát. Tiểu thuyết này như một lời nhắc, nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt: "Nếu các người nhẹ dạ quên cái ác thì cái ác sẽ trở lại với bộ mặt ghê gớm hơn, ở chỗ này và chỗ khác, nơi này và nơi khác, nước này và nước khác...". Phải chăng?
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)