Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản VN (3.2.1930 - 3.2.2015), đón Xuân Ất Mùi 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài trả lời phỏng vấn của TTXVN, Thanh Niên xin trích đăng phần Tổng bí thư nói về công tác xây dựng Đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ngay từ khi ra đời, Nghị quyết (NQ) T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã được đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân hết sức quan tâm, đồng tình hưởng ứng. Vậy trên thực tế, việc triển khai NQ này có mang lại kết quả như mong muốn, thưa Tổng bí thư?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đến nay vừa tròn 3 năm kể từ ngày ban hành, có thể thấy NQ T.Ư 4 về xây dựng Đảng đã đi vào cuộc sống. Cả 4 nhóm giải pháp mà NQ đề ra đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng trong toàn Đảng, tạo chuyển biến rõ nét. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã trở thành việc làm thường xuyên, gắn với sinh hoạt của từng tổ chức Đảng từ cơ sở đến T.Ư, qua đó giúp mỗi tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn những sai phạm, tiêu cực. Nhưng không phải chỉ có kiểm điểm phê bình, NQ T.Ư 4 đề cập toàn diện những vấn đề xây dựng Đảng về tư tưởng, về tổ chức, về con người, bao gồm 3 nội dung, 4 nhóm giải pháp. Lấy phiếu tín nhiệm, xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, rồi tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khởi tố, điều tra, truy tố, đưa một số vụ án tham nhũng lớn ra xét xử... chính là thực hiện NQ T.Ư 4.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai khá đồng bộ và đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn, phức tạp liên quan đến lợi ích, đụng chạm đến những người có chức, có quyền, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, không thể nóng vội. Trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần được tiếp tục đẩy mạnh, không phải bằng lời nói, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đó là phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng. Đồng thời, phải tăng cường biện pháp tuyên truyền giáo dục để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự; mở rộng phạm vi tham gia của công chúng và phát huy vai trò của báo chí, công luận trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Khi đã xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...
Bất kỳ đường lối, chủ trương nào của Đảng muốn được thực hiện thành công, thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. NQ T.Ư 4 lại là NQ về việc xây dựng, chỉnh đốn chính bản thân Đảng, nên không ai khác mà mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng, với sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, phải quyết tâm thực hiện cho được các mục tiêu, giải pháp mà NQ đã đề ra, kiên trì, kiên quyết, bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của người đảng viên cộng sản... Đảng ta đã xác định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó yếu tố con người là quyết định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, có hiệu quả cụ thể thì dân mới tin; cán bộ có tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sạch, mới có thể thành công được. Trong suốt 85 năm qua, lịch sử đã chứng minh vai trò to lớn và sứ mệnh lịch sử trọng đại của Đảng ta. Càng tự hào về Đảng, chúng ta càng phải chăm lo công tác xây dựng Đảng, để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.
Bình luận (0)