Đằng sau các con số tỉ USD từ nông nghiệp

22/11/2024 03:54 GMT+7

Hàng loạt nông sản xuất khẩu lập kỷ lục về giá và kim ngạch xuất khẩu, mang lại hàng tỉ USD cho đất nước, cải thiện cuộc sống, thu nhập của người nông dân. Thế nhưng đằng sau những con số hoành tráng đó chính là bức tranh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Đơn cử như cà phê. Năm 2024 giá cà phê xuất khẩu của VN liên tục lập kỷ lục rồi lại phá kỷ lục. Đến những tháng cuối năm, giá cà phê xuất khẩu của VN đã leo lên mức cao nhất trong 3 thập niên trở lại đây, chiếm ngôi vị đắt nhất thế giới. Nguyên nhân là do sản lượng cà phê giảm mạnh vì bị ảnh hưởng của nắng nóng và khô hạn từ hiện tượng El Nino gây ra. Các quốc gia sản xuất cà phê chính của thế giới đều giảm nguồn cung, sự khan hiếm đã đẩy giá tăng cao. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều loại lương thực, trái cây, thủy hải sản khác... Lượng giảm nhưng giá tăng bù lại. Là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, VN hưởng lợi lớn khi một loạt nông sản chủ lực như gạo, tiêu, cà phê... tăng giá mạnh.

Thế nhưng kịch bản "giá bù lượng" không thể duy trì lâu dài bởi nhiều lý do. Thứ nhất, các nước, đặc biệt là những nước có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, đều có giải pháp đối phó và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH). Thứ hai, chính chúng ta cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng, nhiệt độ gia tăng khiến diện tích và năng suất của nông nghiệp giảm dần đều. Vì thế, nếu ngủ quên trên những kỷ lục giá mà lơ là nhiệm vụ thích nghi với BĐKH sẽ hết sức nguy hiểm.

Thực tế, là một trong những nước chịu nhiều những tác động tiêu cực của BĐKH, VN đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp bền vững cũng như chiến lược quốc gia về BĐKH từ cách đây hàng chục năm. Chúng ta cũng đang quyết liệt chuyển đổi xanh để đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết. Nổi bật nhất là đề án 1 triệu héc ta lúa xanh đang triển khai ở nhiều tỉnh thành. Nhưng trên thực tế, sự vận động ở nhiều mặt vẫn còn rất chậm, chưa đồng đều. Đơn cử như giải pháp cơ cấu lại mùa vụ, chuyển đổi cây trồng thích nghi với khí hậu, thời tiết từng vùng. Hiểu nôm na là nơi nào thường xuyên xảy ra hạn hán thì tập trung các loại cây trồng có khả năng chịu hạn và ngược lại, nơi lũ lụt, sâu bệnh thì trồng loại cây thích hợp với lũ lụt hay có khả năng kháng bệnh cao. Giải pháp là thế, ai cũng biết cần phải thế, tuy nhiên chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến việc lao theo cây này, con kia khi thị trường sốt giá. Mấy năm vừa qua là cơn sốt trồng sầu riêng, kể cả những nơi thổ nhưỡng, khí hậu được nhận định là không phù hợp với loài cây này. Tương tự, chúng ta chủ trương khuyến khích đầu tư vào các dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản nên nhu cầu tín dụng xanh là rất lớn. Thế nhưng tiếp cận tín dụng xanh vẫn khó, dư nợ tín dụng xanh vẫn khiêm tốn trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, nông nghiệp thích ứng BĐKH không thể thiếu vai trò của nông dân. Là người phải đối phó trực tiếp với sự thay đổi của thời tiết, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, việc họ điều chỉnh phương thức canh tác thế nào, áp dụng mô hình sản xuất ra sao để phù hợp với điều kiện môi trường mới và để phát triển nông nghiệp bền vững là vô cùng quan trọng. Thế nhưng tiếng nói của người nông dân cũng như các ưu đãi về vốn, về khoa học kỹ thuật đến với họ chưa đủ sâu, đủ rộng.

Thế nên, nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, Nhà nước cùng người dân, doanh nghiệp và áp dụng trên diện rộng mới mang lại hiệu quả thực sự chứ không lốm đốm da beo, chỗ này làm, chỗ kia không; người này thực hiện, người kia ngó lơ.

BĐKH không chờ chúng ta và ngày càng cực đoan. Không có cách nào khác ngoài chủ động ứng phó và thích nghi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.