Đằng sau chuyện nữ tỉ phú tự thân lập nghiệp giàu nhất Mỹ hóa trắng tay

16/06/2016 16:38 GMT+7

Ngày 1.6, tờ Forbes biến người phụ nữ tự thân lập nghiệp giàu nhất Mỹ thành trắng tay. Bong bóng Thung lũng Silicon, định giá startup và các bảng xếp hạng tỉ phú là ba vấn đề thú vị sau câu chuyện này.

Hôm 1.6, tạp chí Forbes gây chú ý khi họ hạ số tài sản ước tính của bà Elizabeth Holmes, nhà sáng lập hãng công nghệ sinh học Theranos, từ 4,5 tỉ USD xuống 0.
Forbes cho rằng hãng Theranos không nên được định giá 9 tỉ USD. Giá trị mới của Theranos là 800 triệu USD, và điều này đồng nghĩa với việc 50% cổ phiếu phổ thông mà bà Holmes nắm giữ không còn giá trị, vì bà trước hết phải trả cổ tức cho các nhà đầu tư có cổ phiếu ưu đãi.
Thông tin của này nhanh chóng trở thành đề tài nóng. Theo trang Quartz, dù tít được giật khá hấp dẫn nhưng bài báo Forbes viết rằng bà Holmes đã “mất” 4,5 tỉ USD là không đúng. Elizabeth Holmes chưa bao giờ có khối tài sản đó. Thực tế, bà có cổ phần trong một doanh nghiệp mà ai đó cho là nó có giá trị đến mức này.
Sự giàu có không có tính thanh khoản
Câu chuyện của Elizabeth Holmes nhắc đến vấn đề rộng hơn, ảnh hưởng đến Thung lũng Silicon và xa hơn nữa: Xã hội ngày nay đã quen với việc sử dụng một con số duy nhất để mô tả tài sản cá nhân và định giá startup.
Tuy nhiên, tài sản ròng là thước đo tệ hại của sự giàu có, nó được dùng để đánh lừa công chúng và tạo ra nhiều cái tít giật gân trên báo chí. Bằng việc duy trì những con số xung quanh các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp, loại hình cường điệu kinh tế này góp phần vào quả bong bóng ngày càng phình to của Thung lũng Silicon.
Tỉ phú trữ rất ít số tài sản họ có bằng tiền mặt hay trong ngân hàng Thụy Sĩ. Thông thường, hầu hết tài sản của họ gắn liền với cổ phần tại các doanh nghiệp. Có một sự khác biệt khá nhỏ khi nhắc đến những công ty cổ phần đại chúng. Trong trường hợp của Holmes, “sự giàu có” của bà không thể được thanh khoản vì không có thị trường mở cho cổ phiếu trong doanh nghiệp tư nhân.
1 triệu USD đầu tư vào một startup không tương tự như 1 triệu USD tiền mặt. Chỉ có một trong hai thứ trên được dùng để mua chiếc Ferrari. Điều này phát sinh “tỉ phú giấy”, những người không có sức mua ngang với sức mua mà chúng ta liên kết với tài sản của họ.
Startup được định giá cao một cách có hệ thống
Một vấn đề liên quan là cách các doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá. Theranos không có giá 9 tỉ USD vì nó đem về doanh thu lớn hay sở hữu nhiều tài sản. Thay vào đó, các nhà đầu tư mạo hiểm định giá hãng công nghệ sinh học quá cao vì họ cho rằng nó có tiềm năng giá trị đến thế hoặc hơn. Theranos có 9 tỉ USD kỳ vọng. Rõ ràng, con số này không đồng nghĩa với tiền mặt.
Khi các cuộc điều tra kết luận rằng những phát kiến của Theranos khó mà thành lợi nhuận, hoặc thậm chí chẳng khả thi, tất cả kỳ vọng tan biến. Định giá từ đó sụp đổ theo.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm lao vào các doanh nghiệp để lấy cổ phiếu ưu đãi, không phải cổ phiếu phổ thông. Cổ phiếu phổ thông mà nhân viên doanh nghiệp nắm giữ không có giá nhiều. Bạn có thể tưởng tượng điều này theo kiểu luôn có hai loại chứng khoán ưu tiên hai nhóm người khác nhau: nhà đầu tư sẽ luôn được trả cổ tức trước nhân viên và nhà sáng lập.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ước tính ban đầu của Forbes đã bỏ qua sự khác biệt giữa cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu phổ thông. 50% cổ phần của bà Holmes được định giá như thể tất cả các nhà đầu tư đều chỉ giữ cổ phiếu phổ thông trong công ty 9 tỉ USD, và điều này không đúng. Thực tế, những gì bà Holmes có chưa bao giờ lên đến 4,5 tỉ USD.
Sự hấp dẫn của bảng xếp hạng tỉ phú
Mấu chốt của vấn đề là chúng ta rất khó để mô tả sự giàu có bằng con số duy nhất. Nhiều người thích các bảng xếp hạng, chúng ta muốn biết liệu Bill Gates có giàu hơn Warren Buffett, hoặc táo khuyết Apple có lớn hơn Goolge hay không. Thật không may, câu trả lời cho độ giàu có phức tạp hơn và đòi hỏi nhiều thời gian để lý giải hơn là chỉ một cuốn tạp chí với danh sách bên trong.
Những người cực kỳ giàu kiếm tiền từ một rổ phức tạp của cổ phần và các công cụ đem lại lợi nhuận theo cách kỳ lạ. Các công cụ này thường không được chuyển đổi một cách hoàn hảo lẫn nhau hay sang tiền mặt. “Giá trị tài sản ròng” vì thế là thước đo phù phiếm mà chúng ta dùng để đơn giản hóa sự phức tạp, không hẳn là đại diện chính xác của giá trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.