Chỉ trong 2 ngày 8 và 9.6, 11 tàu chiến, gồm cả các tàu khu trục lớp Modern do Nga sản xuất, đã di chuyển qua đảo Ryukyu (Nhật Bản) theo 3 nhóm trong cuộc tập trận lớn nhất của hải quân Trung Quốc xét về số lượng tàu tham gia và khả năng tác chiến. Những hoạt động này đã được Nhật Bản và Mỹ theo dõi dưới cặp mắt lo ngại.
Báo China Times đưa tin toàn bộ 4 tàu khu trục lớp Modern đều thuộc hạm đội Đông Hải. 3 trong số đó, gồm Hàng Châu-136, Phúc Châu-137 và tàu hiện đại nhất trong đội là Thái Châu-138, đã tham gia vào cuộc diễn tập mà theo phía Trung Quốc là nhằm huấn luyện khả năng ứng cứu tàu ngầm bị nạn. “Chuyện cùng lúc điều động 3 tàu chiến cỡ như vậy trong một cuộc tập trận đơn lẻ là điều hiếm hoi trong lịch sử quân đội Trung Quốc (PLA)”, báo này dẫn lời một quan chức quân sự. Phía lo ngại nhất trước động thái trên của Bắc Kinh không ai khác chính là Mỹ. Các tàu khu trục lớp Modern, theo tờ báo trên, được trang bị tên lửa siêu thanh chống hạm SS-N-22, có khả năng tấn công các tàu sân bay của Mỹ. Đó là chưa kể việc hạm đội Đông Hải quyết định diễn tập tại Tây Thái Bình Dương, nơi tập trận truyền thống của Mỹ và Nhật Bản.
|
Bên cạnh Nhật Bản và Mỹ, giới chức tình báo và phòng vệ Đài Loan cũng theo dõi sát sao cuộc tập trận trên. Kể từ khi tàu chiến của Trung Quốc di chuyển qua bờ đông Đài Loan lần đầu tiên vào năm 2002, Đài Bắc lên kế hoạch nâng cấp khả năng phòng vệ, gần đây nhất là việc trang bị tên lửa siêu thanh đất đối hạm Hùng Phong III tại khu vực bờ biển. Trong cuộc tập trận này, giới chuyên gia Đài Loan còn dự đoán rằng một số tàu chiến của PLA sẽ đi vòng xuống phía nam và thẳng tiến đến biển Đông sau khi kết thúc cuộc diễn tập hiện tại, nhiều khả năng sẽ tham gia cuộc tập trận sau đó của PLA tại biển Đông. Dự đoán đó trùng hợp với nhận định của một quan chức phòng vệ Nhật Bản, người cho rằng có dấu hiệu cho thấy đội tàu chiến của Trung Quốc không nhắm vào biển Nhật Bản mà là biển Đông. Tân Hoa xã trước đó đưa tin Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại khu vực Tây Thái Bình Dương vào cuối tháng này.
Chuyện tập trận được dự đoán theo kiểu nghi binh như trên không mới. Trong năm ngoái, các hạm đội hải quân Trung Quốc liên tục thao diễn rầm rộ tại Tây Thái Bình Dương, với hạm đội Đông Hải và Bắc Hải tiến hành “huấn luyện dã ngoại tầm xa”. Cụ thể, trong cuộc diễn tập từ cuối tháng 3.2010, hạm đội Bắc Hải đã vượt qua eo biển Bashi giữa Philippines và Đài Loan để xuống biển Đông. Còn hạm đội Đông Hải đã lần đầu tiên vượt qua quần đảo Okinawa, chọc thủng “tuyến đảo thứ nhất” do Mỹ kiểm soát nối liền Kyushyu với Đài Loan và Philippines. Song song đó, hạm đội Nam Hải cũng tổ chức nhiều hoạt động thao luyện ở biển Đông, càng làm rõ hơn ý đồ “Nam Bắc giáp công” tại biển Đông.
Diễn biến trong những năm gần đây, đặc biệt là từ cuối năm 2010 đến nay, cho thấy chưa bao giờ sức mạnh quân sự và vũ khí của Trung Quốc được công khai nhiều đến như vậy. Trong vòng nửa năm, 3 hệ thống vũ khí hiện đại của Bắc Kinh đột nhiên bị “lộ hàng” một cách có ý đồ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dẫn đầu là tờ Hoàn Cầu thời báo và Tân Hoa xã. Đầu tiên là thông tin về tên lửa “sát thủ” tàu sân bay Đông Phương 21, tốc độ gấp 10 lần âm thanh và tầm bắn 1.500 km, đe dọa sự thống trị trên biển của Mỹ tại châu Á từ trước đến nay.
Sau đó là các bức ảnh về một máy bay bí mật, nhưng được “bật mí” ngay lập tức là máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc J-20 tại sân bay Thành Đô. Cách đây vài ngày, Tổng tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức gật đầu xác nhận: “Vâng, chúng tôi đã có tàu sân bay”, bàn phóng của thế hệ chiến đấu cơ “cá mập bay” J-15, vốn dựa trên thiết kế của chiếc Su-33 của Nga. Giải thích về xu hướng “khoe mẽ” này, BBC dẫn lời tiến sĩ Andrew Erickson của Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ đánh giá rằng Trung Quốc không muốn khởi động cuộc chiến, thay vào đó, họ tìm cách thổi phồng sức mạnh quân sự với mục tiêu “thắng mà chẳng cần động binh” bằng cách giương oai để ngăn chặn các phản ứng có hại cho lợi ích của nước này.
Tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế và LHQ Tờ Philippine Daily Inquirer hôm qua đưa tin thượng nghị sĩ Philippines Edgardo Angara thúc giục Bộ Ngoại giao nước này thành lập các nhóm đặc phái viên ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế về vấn đề biển Đông. Bên cạnh việc thuyết phục các nước trong khối ASEAN và Mỹ về vấn đề trên, các nhà ngoại giao cũng có thể nhờ cậy LHQ làm trung gian trong quá trình thương thuyết nhằm tìm ra lối thoát hòa bình cho xung đột. |
Thụy Miên
Bình luận (0)