Hiện tại, vấn đề "đứt cáp" mạng ở Việt Nam đã diễn quá thường xuyên đến nỗi trở thành "chuyện thường ngày như cúp điện". Nếu bạn sở hữu một chiếc PC với cấu hình cực khủng, bạn có thể yên tâm thưởng thức những trò chơi bom tấn trong suốt mùa rớt mạng. Nhưng nếu bạn không có PC mà chỉ có một chiếc điện thoại Android thì sao? Đừng lo, sau đây là những tựa game dành cho điện thoại Android để giải trí và “cứu đói” rất tốt cho bạn trong khi chờ hệ thống Internet được bảo trì.
1. You Must Build A Boat
You Must Build A Boat là phần kế tiếp của tựa game 10000000. Người chơi sẽ chu du quanh thế giới trong chiếc thuyền của mình, dần dần xây dựng nó thành một chiến hạm hoành tráng bằng cách chiến đầu với quái vật, săn kho báu, tuyển mộ thuyền viên, một lối chơi vô cùng thử thách và hấp dẫn. Thêm vào đó, game còn có hệ thống chiến đấu “không đụng hàng” dựa trên phong cách của Candy Crush.
2. Cook, Serve, Delicious!
Được chuyển thể từ một tựa game PC, Cook, Serve, Delicious! đã nhanh chóng chiếm cảm tình của người chơi với lối chơi nhanh, hấp dẫn, âm nhạc dễ nhớ và hình ảnh tuyệt đẹp của mình. Người chơi sẽ vào vai chủ nhà hàng trong một tòa nhà cao tầng với nhiệm vụ nấu nướng thức ăn và phục vụ thực khách. Tựa game sẽ làm bạn không ngơi tay khi vừa phục vụ thực khách, vừa nấu ăn, vừa rửa chén, vừa đặt bẫy chuột. Khi hoàn thành màn chơi, bạn sẽ mua được thiết bị mới, nguyên liệu nấu ăn mới, và nhà hàng của bạn sẽ được xếp vào nhà hàng 5 sao. Một tựa game tuyệt vời để giải trí trong những lúc không có Internet.
3. Punch Quest
Tựa game sôi động này đã lấy được lòng người ngay khi đặt chân lên Play Store. Đây là trò chơi platform đầu tiên không bắt bạn phải đè nút di chuyển 2 bên màn hình như những tựa game khác (một điều khá khó khăn khi chơi những trò chơi này), thay vào đó, người chơi chỉ cần tập trung nhấp vào 2 nút đấm và nhảy trong khi nhân vật tự động chạy. Punch Quest có thiết kế đồ họa tuyệt vời, khiến chúng ta nhớ tới Ghouls ‘n Ghosts và Metal Slug vang bóng một thời. Tùy chỉnh nhân vật, lên cấp, thậm chí cưỡi cả khủng long là những gì Punch Quest mang lại cho người chơi.
4. EA Sports UFC
Hãy quên đi những cảm giác mà tựa game WWE mang lại. UFC sẽ cho bạn chứng kiến những đấu sĩ lực lưỡng trong những bộ quần áo khác nhau, nhưng sự khác biệt lớn nhất so với WWE là người chơi thực sự cảm nhận được sự căng thẳng của từng trận đấu. Sự xuất hiện của môn võ thuật tổng hợp trên Android cùng với nền đồ họa tuyệt vời, đấu sĩ và đấu trường được đại gia EA mua bản quyền đầy đủ, lối chơi đậm tính đối kháng chắc chắn sẽ làm người chơi mê mệt. Đặc biệt hơn, trong lúc rớt mạng, khi không thể kết nối Internet thì bạn sẽ tránh được sự cám dỗ của những gói hàng cho phép mua trong ứng dụng với giá cắt cổ (truyền thống của EA).
5. Swing Copters
Nhà phát triển đằng sau tựa game Flappy Bird gây bão một thời đã trở lại với trò chơi mới nhất của mình: Swing Copters. Tựa game này có những yếu tố gây ức chế cho người chơi không khác gì người tiền nhiệm của mình. Với đồ họa và lối chơi đơn giản: người chơi điều khiển một vật như củ khoai tây với cánh quạt trên đầu, thay vì di chuyển ngang như Flappy Bird thì trong Swing Copters bạn sẽ di chuyển lên, né những cây búa khi đung đưa qua lại trên màn hình. Một tựa game khiến điện thoại bạn có nguy cơ bị đập bể bất cứ lúc nào.
6. X-Men: Days of Future Past
Đã lâu rồi người dùng Android mới có cơ hội trải nghiệm một tựa game beat-em-up đi cảnh có gắn mác Marvel. Không cần kết nối Internet, không có mua hàng trong ứng dụng, một khi đã mua tựa game này về thì bạn sẽ được thỏa thích nhập vai vào những siêu anh hùng yêu thích của mình và tha hồ quậy phá trong môi trường được vẽ tay tuyệt đẹp.
X-Men: Days of Future Past vừa có nhịp độ nhanh mạnh, lối chơi đã tay, vừa tôn vinh lịch sử lẫy lừng của những Dị Nhân bằng những trứng phục sinh được giấu trong màn chơi. Một tựa game đáng sở hữu cho những người hâm mộ Marvel.
7. Limbo
Limbo là tựa game mang trong mình những thứ mà bạn luôn muốn tránh: cô đơn, nỗi buồn và sự cô lập. Trong trò chơi platform 2D này, người chơi sẽ điều khiển một chàng trai bước vào một thế giới đơn sắc ảm đạm để tìm lại em gái mình.Limbo là một tựa game indie cổ điển ra mắt trên PC vào năm 2011 và được chuyển thể rất tốt lên nền Android. Thế giới của Limbo mang nỗi buồn kỳ lạ, và vô cùng đẹp. Khi chơi Limbo, bạn sẽ đắm mình trong thế giới của game mà quên mất đi thực trạng không có Internet.
8. Monument Valley
Tựa game giải đố này đã được bình chọn là game di động hay nhất năm 2014 tại Lễ Trao Thưởng Trò Chơi Di Động Quốc Tế (International Mobile Gaming Award) lần thứ 11 vừa qua. Nhiệm vụ của người chơi khá đơn giản, điều khiển cô công chúa vượt qua màn chơi được thiết kế với cấu trúc Escher vô cùng đẹp mắt bằng cách xoay cấu trúc để giúp cô tránh khỏi những chướng ngại vật trên đường.
9. Knights of Pen and Paper +1
Knights of Pen and Paper là tựa game nhập vai với nền đồ họa pixel khá đơn giản và lối chơi khá giống board game nổi tiếng là Dungeons and Dragons.
Trong trò chơi, bạn sẽ điều khiển một nhóm những đứa trẻ chơi khám phá hang động, với mỗi đứa trẻ mang tính cách nhại lại những nhân vật trong các dòng game nhập vai danh tiếng. Trong khi nhân vật của người chơi ngồi ở tiền cảnh thì hậu cảnh sẽ thay đổi qua từng vùng đất tưởng tượng, cho bạn tha hồ đánh nhau với quái vật, tìm vật phẩm và lên cấp.
Đây thực sự là một ý tưởng rất hay – chơi game nhập vai trong khi đang chơi game nhập vai – và bản cập nhật +1 vừa rồi đã thêm vào rất nhiều tính năng hấp dẫn, khiến tựa game này không thể bỏ qua.
10. Sorcery! 2
Sorcery! 2 là sự kết hợp giữa truyện tranh phiêu lưu và trò chơi nhập vai. Người chơi sẽ vào vai một hiệp sĩ, chu du qua những vùng đất khác nhau, câu trả lời của bạn cho các câu hỏi xuất hiện trên đường đi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ cốt truyện game.
Bạn sẽ phải đọc rất nhiều khi chơi tựa game này, nhưng lối chơi chiến đấu theo lượt vẫn mang lại những điều thú vị. Sorcery! 2 có giao diện khá dễ gần, phong cách nghệ thuật thời trung cổ, nhưng điểm nhấn của game là hệ thống save vô cùng hữu ích, giúp người chơi quay ngược lại quá khứ, thay đổi câu trả lời của mình nếu vô tình chọn sai. Một trò chơi đáng để trải nghiệm.
11. Shadowrun Returns
Shadowrun Returns là tựa game nhập vai theo lượt mang phong cách viễn tưởng, có khung cảnh cyberpunk khá u ám và chất lượng đồ họa 3D tuyệt vời cùng với vũ khí, phép thuật đa dạng. Shadowrun Returns mang lại những trải nghiệm tinh tế, mới lạ cho người chơi.
Cốt truyện xoay quanh một vụ án mạng bí ẩn tại thành phố Seattle tương lai, nhiệm vụ của người chơi là truy tìm hung thủ, từ đó khám phá ra những bí mật khủng khiếp. Với cốt truyện có chiều sâu, cơ chế chơi rất đa dạng, từ chặt chém, bắn súng cho đến sử dụng phép thuật, có thể nói Shadowrun Returns là tựa game hay nhất trên Android hiện nay.
12. World of Goo
World of Goo có thiết kế rực rỡ, khéo léo, giàu sức sáng tạo. Mặc dù lối chơi giải đố dựa trên vật lý của game đã khá lỗi thời nhưng World of Goo vẫn là trò chơi ăn khách nhất hiện nay trên Play Store. Tương tự như tựa game cổ điển Lemmings trên hệ máy Sega Maga Drive, nhiệm vụ của bạn là điều khiển một nhóm những sinh vật liên kết với nhau vượt qua màn chơi mà không để chết quá nhiều trong quá trình di chuyển.
Việc hấp dẫn trong lối chơi của World of Goo là bắt người chơi phải động não, tìm đủ mọi cách để vượt qua những cạm bẫy và chướng ngại vật được đặt trong màn chơi. Sự kết hợp hài hòa giữ đồ họa đặc sắc, âm nhạc lôi cuốn và lối chơi tuyệt vời khiến cho World of Goo trở thành một trong những tựa game đáng chơi nhất hiện nay (ít nhất thì cũng trong thời điểm rớt mạng hoặc đứt cáp).
13. Ridiculous Fishing
Ridiculous Fishing là tựa game giả lập câu cá xuất sắc của hãng Vlambeer. Người chơi sẽ vào vai Billy, một ngư dân vui vẻ với sự nghiệp vừa đánh bắt cá, vừa bắn chúng với súng lục, súng ngắn, thậm chí súng hỏa tiễn. Mỗi con cá bắt được sẽ cho người chơi một số tiền để nâng cấp “đồ chơi” của mình.
Ridiculous Fishing mang tính giải trí cực cao, từ lối chơi đến đồ họa đặc trưng của mình, và người chơi sẽ không tìm thấy bất kì mục mua hàng trong ứng dụng nào.
14. Thomas Was Alone
Thomas Was Alone là tựa game platform giải đố có đồ họa khá đơn giản, gồm những khối hình học đặt cạnh nhau.
Lối chơi của game khá dễ hiểu, bạn sẽ điều khiển Thomas (hình chữ nhật nhỏ màu đỏ) và bạn bè của mình (gồm những khối hình học khác nhau) vượt qua các màn chơi. Để vượt qua từng màn chơi được thiết kế một cách khá thử thách, bạn sẽ phải khéo léo sử dụng những hình dạng khác nhau của từng nhân vật để hoàn thành từng giai đoạn của màn chơi.
15. Dumb Ways to Die 2
Dumb Ways to Die 2 có phong cách đồ họa rất thú vị và lối chơi vui nhộn, mặc dù nói về những mảng tối trong cuộc sống mà không tựa game nào làm được. Phần 2 có lối chơi khá tương tự như người tiền nhiệm của mình – ngăn những nhân vật dễ thương tự xử mình bằng nhiều hành động ngu ngốc khác nhau: nhét nĩa vào lò nướng bánh mì, đứng trong ao cá piranha – nhưng với một phong cách rất giống thế vận hội Olympic.
Tốc độ trò chơi cũng được đẩy nhanh hơn so với phần trước, vì vậy việc thoát chết trong tựa game này không hề dễ dàng. Dumb Ways to Die 2 sẽ khiến bạn phải động tay động chân rất nhiều, một tựa game đáng chơi trong những ngày chờ Internet được bảo trì.
16. Temple Run 2
Một cái tên nổi tiếng trên Play Store. Temple Run 2 có lối chơi khá giống người tiền nhiệm của mình, bạn sẽ điều khiển một nhà thám hiểm chạy thoát khỏi lũ quái vật. Người chơi sẽ phải khéo léo điều khiển chiếc điện thoại của mình để giúp nhà thám hiểm vượt qua những cạm bẫy đặt trên đường đi. Khá đơn giản nhưng tính gây nghiện cực cao.
17. Dots
Mới nhìn sơ qua thì trò chơi này có vẻ đơn giản, nhưng một khi đã trải nghiệm thì tựa game này “không phải dạng vừa đâu”. Trong Dots, nhiệm vụ của người chơi là kết hợp số chấm cùng màu càng nhiều càng tốt chỉ trong 60 giây, hoặc càng ít nước đi nhất có thể. Tựa game này có thể chơi offline hoặc trong mạng nội bộ, vì vậy nên bạn có thể an tâm thưởng thức trò chơi mà không cần có Internet.
18. Badland
Badland đã giành được khá nhiều giải thưởng cho mình nhờ lối chơi cùng đồ họa rất thu hút, và là tựa game nổi tiếng nhất trên Play Store. Người chơi sẽ điều khiển một người rừng bay qua những khu vực tối tăm với đủ mọi trở ngại và nguy hiểm.
Badland vừa có chế độ chơi đơn và chơi mạng nội bộ, vì vậy nên trò chơi cũng không cần phải kết nối Internet để thưởng thức. Phiên bản miễn phí có 40 màn chơi, và bản trả tiền sẽ thêm vào 40 màn chơi nữa để người dùng tha hồ trải nghiệm.
Bình luận (0)