Đánh giá kỹ việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi, tích hợp văn bằng, chứng chỉ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/08/2022 14:42 GMT+7

Đại diện các bộ, ngành đề nghị đánh giá kỹ đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi; tích hợp thông tin sinh trắc học hay thông tin văn bằng, chứng chỉ, giấy đăng ký kết hôn vào căn cước công dân.

Cân nhắc việc tích hợp văn bằng, chứng chỉ, giấy kết hôn...

Ngày 23.8, Bộ Tư pháp họp thẩm định đề nghị xây dựng luật Căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an đề xuất.

Công dân làm căn cước công dân gắn chip tại Hà Nội

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Một trong những vấn đề Bộ Công an đề xuất khi sửa luật Căn cước công dân là tích hợp các thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân vào thẻ căn cước công dân như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi thống nhất với Bộ Công an.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế đề nghị làm rõ tiêu chí để tích hợp thông tin vào căn cước công dân, thông tin nào bắt buộc, thông tin nào công dân tự nguyện tích hợp.

Trong khi đó, đại diện Bộ TT-TT cho rằng cần rà soát để tránh trùng lắp với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan.

Còn ông Phạm Ngọc Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quốc phòng an ninh, Văn phòng Quốc hội, cho rằng cần cân nhắc thẻ căn cước công dân chỉ chứa các thông tin cơ bản để phục vụ cho giao dịch hàng ngày, còn cốt lõi vấn đề là số định danh của công dân và mã để truy cập vào cơ sở dữ liệu để khai thác thông tin.

Đánh giá kỹ tính hiệu quả, lợi ích cấp thẻ cho trẻ dưới 14 tuổi

Một đề xuất khác của Bộ Công an khi sửa luật lần này là cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho rằng, nếu cấp căn cước công dân cho đối tượng này cần có các thông tin về sinh trắc học trong khi đó trẻ dưới 14 tuổi còn thay đổi nhiều về mọi mặt. Ngoài ra, việc cấp thẻ cho đối tượng này sẽ phát sinh thủ tục cho cha mẹ, người giám hộ...

Cùng quan điểm, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh đối với trẻ em dưới 14 tuổi, khi làm đăng ký khai sinh chỉ cần cấp số định danh và chỉ cần quản lý thông qua số định danh cá nhân là đã có thể hưởng toàn bộ tiện ích liên quan đến số định danh cá nhân.

Khi trẻ trên 14 tuổi đảm bảo các thông tin liên quan đến sinh trắc học, đảm bảo tính ổn định về mọi mặt của trẻ thì mới làm căn cước công dân. Do vậy, cần phải đánh giá rất kỹ bài toán, tính hiệu quả và lợi ích khi cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi.

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân gồm các thông tin sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói… cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý tại cuộc họp.

Đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ KH-CN đều cho rằng mỗi vùng miền có phương ngữ riêng, giọng nói của một người có nhiều thay đổi theo thời gian, tuổi tác, thậm chí một người có thể nói được nhiều giọng khác nhau. Vậy làm thế nào để có thể nhận diện giọng nói của cùng một người?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.