[mecloud]Eskn7qSpQQ[/mecloud]
Trailer "The Breach" của Tom Clancy's Rainbow Six: Siege
- Phát hành: Ubisoft
- Phát triển: Ubisoft Montreal, Ubisoft Toronto, Ubisoft Shanghai, Ubisoft Barcelona
- Nền tảng: PS4, Xbox One, Windows (trực tuyến)
- Thể loại: Game bắn súng chiến thuật góc nhìn thứ nhất
Phiên bản Thanh Niên Game trải nghiệm thuộc hệ PC, do Ubisoft Hong Kong (chịu trách nhiệm phát triển thương hiệu Ubisoft tại khu vực Châu Á) cung cấp.
Tiếp nối “dòng dõi” Tom Clancy lẫy lừng
Nhà văn Tom Clancy qua đời trong niềm nuối tiếc ở độ tuổi 66, tuy nhiên, di sản của ông là vô cùng to lớn và sẽ còn đồng hành với độc giả suốt một thời gian dài. Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp game, Tom Clancy sẽ vẫn là cái tên gắn bó lâu dài với các sản phẩm của “gã khổng lồ” Ubisoft.
Xoay quanh những mưu mô chính trị, cuộc chiến chống khủng bố ác liệt, những canh bạc phản gián ảnh hưởng đến vận mệnh thế giới… các tác phẩm của Tom Clancy đã truyền cảm hứng to lớn cho sự ra đời của hàng loạt series game lừng danh, gắn bó với nhiều thế hệ game thủ như Splinter Cell, Ghost Recon, End War,… và dĩ nhiên không thể thiếu Rainbow Six – bản trường ca về biệt đội chống khủng bố siêu tinh nhuệ.
Là phiên bản mới nhất của dòng game “dày” truyền thống Rainbow Six, Tom Clancy's Rainbow Six: Siege (R6S) đánh dốc cột mốc đáng chú ý trong chiều dài lịch sử của series game có tuổi đời 17 năm: chuyển hoàn toàn sang chế độ chơi mạng. Như vậy, sẽ không có một cốt truyện hoặc tuyến nhân vật trong tâm xuyên suốt trò chơi, người chơi cũng sẽ không viết tiếp câu chuyện của bộ đôi Logan Keller và Bishop, thay vào đó, bạn sẽ hòa mình vào cuộc chiến online với hàng trăm ngàn người chơi khác, và chế độ chơi đơn giờ đã chuyển thành sân chơi mang tính hướng dẫn, tập luyện.
Cũng từ đây, lần đầu tiên có một đứa con của “gia đình” Rainbow Six được nhìn nhận như một sản phẩm eSports toàn vẹn – đây cũng là điều mà Ubisoft đang khát khao nhắm đến.
Tấn công, phòng thủ và cuộc đấu eSports
Rất đáng mừng là dù “chuyển nhà”, R6S vẫn không đánh mất những bản sắc vốn có của dòng game Tom Clancy: tính chân thật rất cao, không khí căng thẳng và truyền tải được những mảng màu nổi bật của cuộc chiến chống khủng bố.
Mỗi trận đấu trong game được chia thành hai phe đối lập: Tấn Công (Attackers) và Phòng Ngự (Defenders). Phe Tấn Công dùng mọi cách thức, nỗ lực để đột kích vào “hang hùm” và hoàn thành một trong số các nhiệm vụ do trò chơi chỉ định như giải cứu con tin, vô hiệu hóa bom, chiếm lĩnh khu vực trọng điểm… Ngược lại, phe Phòng Thủ dùng mưu trí, vũ lực, chiêu trò và tấn tần tật những gì có thể nghĩ ra được để cản bước nhóm Tấn Công.
Màn chơi kết thúc khi phe Tấn Công đạt được mục tiêu, phe Phòng Thủ “câu” hết thời gian quy định, hoặc một trong hai phe tiêu diệt sạch lực lượng đối lập.
Mỗi khi màn chơi kết thúc, hai đội tiến hành đổi phe và “tái chiến” cho đến khi nào có một bên đạt được 3 trận thắng trước tiên (thể thức Best of Five – BO5). Mỗi trận đấu của game có thời lượng trung bình rơi vào khoảng 5 phút, tính luôn cả giai đoạn chuẩn bị đầu trận.
Có thể nói, Ubisoft đã kiến tạo nền tảng “sân chơi” rất vững chắc cho R6S, với những thể thức, chế độ chơi và quy luật chặt chẽ. Các mảng miếng gameplay còn lại được bồi đắp bằng ba nội dung dung chính yếu: hệ thống nhân vật (Operator), tính chiến thuật và kỹ năng đối kháng.
Những đặc nhiệm “cứng cựa”
Không quá khi nói rằng, góp công lớn nhất cho sự hấp dẫn của R6S và tạo dựng “chất Tom Clancy” cho trò chơi, chính là hệ thống nhân vật (Operator) cho phép người chơi lựa chọn lên đến con số 20.
Các nhân vật đặc biệt này đều có đặc điểm nhận dạng, kỹ năng và trang bị hoàn toàn khác nhau. Được tạo dựng dựa trên năm đơn vị đặc nhiệm hàng đầu ngoài đời thực là SAS, FPI, GIGN, Spetsnaz và GSG 9. Khá thú vị là mỗi nhân vật đều được Ubisoft đầu tư một thước phim ngắn đặc sắc, nhấn mạnh được cá tính và kỹ năng đặc trưng.
Đó là một Mute có chiếc mặt nạ lạnh lẽo và khả năng làm tê liệt các thiết bị điện tử, cô nàng Ash cá tính mạnh mẽ, một Pulse ngạo nghễ sở hữu thiết bị “hack nhìn xuyên tường”, một Kapkan “rừng rú” đầy nguy hiểm… 20 cá thể đầy khác biệt, đầy bản sắc đã sắm vai thành công những đặc nhiệm thiện chiến, dày dạn kinh nghiệm – nhân tố không bao giờ thiếu của dòng game Rainbow Six.
Cần lưu ý là 20 đặc nhiệm này được chia đều cho hai phe Tấn Công và Phòng Ngự, chẳng hạn như Fuze (người có khả năng “bơm” lựu đạn xuyên tường) chỉ có thể tham gia vào đội tấn công, trong khi khắc tinh của anh ta Jäger (sỡ hữu máy kích phá các thiết bị gây nổ) chỉ nằm trong danh mục lựa chọn của phe Phòng Thủ. Chính vì vậy, trước mỗi màn chơi dù là Tấn Công hay Phòng Thủ, bạn và đồng đội sẽ có 10 đặc nhiệm để lựa chọn – đây cũng là quãng thời gian cân não khi hai đội tuyển chạm trán với nhau, nhưng cũng mang tính chất “hên xui” khá cao, đặc biệt khi ở thời điểm hiện tại R6S không tồn tại giai đoạn ban/pick.
Sự “hên xui” này xuất hiện khá thường xuyên ở phe Tấn Công, vì sự thiếu hụt thông tin về địa điểm “giao chiến” chính (thường là nơi chứa con tin, chứa bom…), dẫn đến rất nhiều sự lựa chọn Operator… chẳng trúng trật. Chẳng hạn, nếu pick Fuse và Blitz và gặp phải địa hình rộng, nhiều lựa chọn ẩn nấp, thì người chơi sẽ gặp phải các hạn chế nhất định. Tất nhiên, phe Phòng Thủ với lợi thế “sân nhà” hoàn toàn có thể chủ động thiết lập hệ thống, chiến lược và kế sách phòng ngự ngay từ khâu lựa chọn nhân vật.
Trò cân não và “Tử Thần” bên kia bức tường
Ngoài hệ thống nhân vật đa dạng, yếu tố môi trường và sự góp mặt của hàng tá loại thiết bị quân sự khác nhau đã góp phần lớn trong việc hình thành không khí căng thẳng, đầy tính cân não cho R6S.
Lần đầu tiên trong một tựa game bắn súng, game thủ có thể… bắn xuyên thủng tường, trần nhà, nền nhà, tạo các góc bắn đa dạng để kiếm soát căn phòng bên kia bức tường. Không những thế, với việc kích nổ các thiết bị bộc phá, người chơi còn có thể khoan thủng những lổ hổng lớn, đánh sập cả một bức tường kiên cố. Không quá khi nói rằng, game thủ hoàn toàn có thể tùy biến và tương tác với môi trường xung quanh ở mức độ đa dạng cao nhất.
Người viết đã từng chứng kiến một tay súng ranh ma, khoét một lỗ thủng nhỏ bằng một nắm tay ở góc tường, để rồi thông qua “góc bắn” bé tẹo này, anh chàng lần lượt hạ gục đến 3 đối thủ - những người tử vong mà không biết do đâu mình “lên bảng”.
Ở một trường hợp khác, khi người viết đang lò dò đặt thuốc nổ lên tường để chuẩn bị đột kích vào phòng giải cứu con tin, thì ngay lập tức “ăn” phải hàng chục viên kẹo đồng từ phía bên kìa bức tường, nguyên nhân vì đối thủ đã phán đoán chính xác tiếng bước chân, lần mò được vị trí của người viết.
Tất nhiên, không chỉ canh chừng bốn mặt tường, người chơi luôn phải “hồi hộp” mỗi khi băng ngang từng ô cửa sổ, từng mảng trần nhà mỏng manh, ngay cả chính nơi bạn… đặt chân bước đi cũng trở nên kém an toàn, trước hằng hà sa số những cảm bẫy như kẽm gai, bẫy điện, thuốc nổ C4, mìn lazer… Có thể nói, chính cái không khí căng thẳng tột cùng này đã tạo nên sự hấp dẫn gây nghiện cho R6S. Chỉ một sơ suất, hoặc không cẩn thận rơi vào chiếc bẫy tinh vi của địch, cũng có thể quyết định sự sống chết của bạn.
Sự căng thẳng này càng được kéo lên đỉnh điểm khi bạn vào vai phe Phòng Thủ. Sau khi gia cố căn phòng xung quanh, bịt kín các ô của sổ và mảng tường mong manh, bạn luôn phải đối mặt với quãng thời gian tĩnh lặng đến kinh người, hệt như thời khắc trước khi cơn bão lớn đổ bộ. Người chơi phải nằm cố thủ trong những góc kẹt, căng mọi giác quan để quan sát và lắng nghe từng động tĩnh. Cảm giác “chờ đợi trong sợ hãi này” cũng ảnh hưởng lên lực lượng Tấn Công, khi không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước.
Cảm giác này gợi nhớ đến một tác phẩm nổi tiếng của chính nhà văn Tom Clancy: The Sum Of All Fears – thường được biết đến tại Việt Nam với tên gọi Đỉnh Điểm Sợ Hãi.
Đối kháng ở mọi phương diện
Ở R6S, chiến thắng đôi khi không quyết định ở họng súng, mà phụ thuộc vào cả một quá trình cạnh tranh, so kè, đo độ “cứng” ở rất nhiều khía cạnh. Với tinh thần đó, tính đối kháng trong mỗi màn đấu được đẩy lên đến mức đỉnh điểm, chứ không đơn thuần chỉ còn là trò chơi chạy và bắn.
Tuy nhiên, đây cũng chính là yếu tố biến R6S trở nên rất kén người chơi.
Để phát huy tối đa khả năng của bản thân và thực hiện được những ý đồ chiến thuật cụ thể, trò chơi đòi hỏi sự hợp tác vô cùng chặt chẽ giữa những người chơi với nhau. Nếu không, bạn sẽ gặp phải vô vàn trường hợp ức chế: bị tiêu diệt khi đang điều khiển robo do thám (do đồng đội manh động, làm lộ vị trí); kế hoạch đột kích phá sản do sự không hiểu ý (hoặc cố tình không hiểu ý); bị chính các thiết bị của đồng đội “bóp” do được kích hoạt không đúng thời điểm; bị bắt lẻ và chết dần chết mòn vì thiếu gắn kết…
Do đó, để thưởng thức trọn vẹn trò chơi, game thủ nên ít nhất có từ 3 người đồng đội thân thuộc trong một ván đấu, hoặc ít ra cũng phải bắt được kênh liên lạc hữu hiệu với những người cùng phe. Bằng không, những trải nghiệm R6S sẽ trở thành “cơn ác mộng” ở nhiều thời điểm.
Điều này đặc biệt quan trọng trong một trò chơi mà dù có xuất thần, bạn cũng khó có thể lật ngượi tình thế nếu đối phương chơi thận trọng, hỗ trợ bọc lót tốt. Bởi lẽ, sẽ chẳng có một pha “tỉa” thần thánh nào từ cự ly xa lắc, không có những pha headshot trực diện nhanh như chớp… như nhiều game FPS khác. Bắn hạ đối thủ bằng sự bất ngờ, bằng lợi thế địa hình, bằng những công cụ và thiết bị tối tân, mới đúng là “style” của R6S. Thậm chí nhiều game thủ đã nói vui rằng, đây là game FPS duy nhất cổ xúy cho việc… bắn lén.
Và những khuyết điểm dở dang…
R6S là một game hay, nếu không muốn nói là xuất sắc và rất dễ gây nghiện. Tuy nhiên, nếu được hỏi liệu eSports của Ubisoft này có khiếm khuyết nào hay không, câu trả lời sẽ luôn luôn là có.
Xét ở phương diện một trò chơi nhắm đến cái đích thể thao điện tử, thì R6S đang làm rất tốt. Trò chơi có những điểm nhấn hoàn toàn riêng biệt, mới mẻ, tạo được những điểm nhấn khác biệt so với phần còn lại của dòng game bắn súng. Không những thế, game còn tạo được không khí thi đấu hấp dẫn, hồi hộp và căng thẳng, đây là những hương vị cần thiết đối với bất kỳ bộ môn eSports nào.
Tuy nhiên, trò chơi vẫn cần những sự đầu tư phong phú hơn ở chế độ thi đấu xếp hạng. Mà điển hình nhất hiện nay là gia tăng thêm sự lựa chọn về class (Operator), bổ sung cơ chế theo dõi trận đấu (live và replay)… Nhìn chung, những sự bổ sung này chỉ mang tính chất “trang trí” thêm, và hoàn toàn có thể đạt được trong tương lai lâu dài của R6S.
Tuy vậy, khi xét đến trò chơi ở khía cạnh một kẻ kế nhiệm của dòng game Rainbow Six, thì đây là lúc những nỗi thất vọng của trò chơi bắt đầu xuất hiện.
Game không có chế độ chơi offline rõ rệt, nhưng mức giá vẫn được xem là khá cao ở thời điểm hiện tại. Không những vậy, R6S vì muốn theo đuổi sự cân bằng và giải đơn ở khâu chọn lựa nhân vật, nên đã hy sinh một trong những tính năng được yêu thích nhất ở bộ đôi Rainbow Six: Vegas trước đây: khả năng tùy biến nhân vật, trang thiết bị. Tất nhiên, đây là một đòi hỏi và so sánh có vẻ khập khiễng, nhưng đã là “fan cuồng”, thì ai lại không có quyền tiếc nuối nuối, hoài niệm?
Tổng kết
Rainbow Six: Siege rõ ràng là một sản phẩm không nên bỏ qua đối với bất kỳ game thủ yêu thích FPS nào, đặc biệt là nhưng ai đang muốn tìm kiếm một sân chơi có tính đối kháng cao, tạo được sự hấp dẫn, kịch tính.
Còn nếu như thắng/thua không phải là mối quan tâm hàng đầu của bạn, mà chủ yếu là tìm kiếm sự hưng phấn hay những thời khắc thú vị… thì R6S vẫn thừa sức trở thành sự lựa chọn hoàn hảo. Nhờ vào hàng tá tính năng gây phấn khích, bất ngờ, và giàu tính giải trí của game.
Cuối cùng, nếu bạn là người đam mê eSports và đang muốn tìm kiếm những sản phẩm làm nên sự khác biệt, thì R6S chính là ngón gió mà bạn đang mong mỏi.
Điểm số: 8.5/10
Ưu |
Nhược |
|
|
Một số hình ảnh khác của trò chơi:
Bình luận (0)