- Top 10 game 3DS được yêu thích nhất
- Hyrule Warriors: khi Zelda kết hợp... Tam quốc chí
- Nhìn lại khởi đầu của Link qua từng phiên bản Zelda
- Hệ máy: Nintendo 3DS
- Ngày phát hành: 22.11.2013
- Thể loại: Hành động, Phiêu lưu
The legend of Zelda vốn kén người chơi vì độ khó “kinh dị” của các câu đố cùng những hướng giải quyết rất “khó đỡ”. Nhưng cũng chính điều này đã tạo nên sức hút khó cưỡng cho những ai “trót lỡ” dấn thân vào dòng game này. Đến hẹn lại lên, cuối năm 2013, hãng Nintendo cho ra mắt phiên bản mới nhất: The legend of Zelda: A link between worlds. Bất ngờ thay, “con bò lạc” giờ chót này lại soán luôn ngôi “Game hay nhất năm 2013” từ ứng viên nặng ký GTA V, với 80% các trang đánh giá trò chơi cho hẳn điểm số 10/10.
Vậy, A link between worlds (ALBW) có sức mạnh gì ghê gớm để trở thành tân vương của danh vị cao quý "Game hay nhất năm"? Chàng Link sẽ mang đến những bất ngờ nào? Trên hết, trò chơi mang lại những trải nghiệm như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài đánh giá này để tìm hiểu nhé.
Cốt truyện
Ngay từ cái tên, chúng ta có thể nhận ra ALBW có cùng bối cảnh với phiên bản A link to the past kinh điển trên hệ máy SNES năm 1991 (được làm lại trên Gameboy Advance hồi năm 2002). Chàng Link hậu đậu giờ đây là thợ học việc của ông thợ rèn xứ Hyrule. Cốt truyện dẫn dắt người chơi qua nhiều bất ngờ liên tiếp, mà đỉnh điểm là sự xuất hiện một nhân vật bí hiểm: tên họa sĩ Yuga với khả năng biến người thành... tranh treo tường khá "bá đạo".
Hắn đã bắt cóc nữ tư tế Seres và hiển nhiên cũng âm mưu bắt luôn công chúa Zelda (phiên bản nào mà chẳng thế, hệt như dòng game Mario với công chúa Peach). Vậy là Link lại phải lên đường tìm cách giải cứu Zelda trước khi quá muộn.
Lối chơi
ALBW vẫn giữ nguyên lối chơi truyền thống của dòng game The legend of Zelda: hành động và phiêu lưu. Tương tự các bản khác, bao giờ Link cũng "không tình cờ thì cũng cố ý" sở hữu một năng lực độc đáo nào đấy. Đây chính là chìa khóa cốt lõi để giải quyết phần lớn các câu đố trong trò chơi.
Trong ALBW, phải công nhận trí tưởng tượng của Nintendo là không có giới hạn, khi họ cho Link khả năng… nhập vào tường. Tuy bị đánh trúng bởi bùa phép hóa tranh của Yuga nhưng nhờ đeo chiếc vòng tay ma thuật nên không những Link không bị giam cầm mà lại còn có khả năng "khắc xuất khắc nhập" tùy ý vào các bức tường, cho phép cậu tự do du hí vào những ngõ ngách “khó đỡ” nhất mà nhà thiết kế có thể nghĩ ra. Chẳng hạn trước đây bạn “bó tay” với một căn nhà bị khóa cửa thì giờ đây rất có thể nhập vào tường, đi vòng ra tường nhà sau, bạn sẽ phát hiện một kẽ nứt trên tường để “chui” vào trong đấy.
Hiển nhiên, trên đời làm gì có chuyện “cho không biếu không”. Năng lực này cũng khiến Link tiêu tốn thanh chỉ số ma lực dần dần (rất giống với ý tưởng của A link to the past), nếu bạn hết ma lực ngay lúc đang nhập tường ở đâu đó trên không trung thì... bạn sẽ rớt thẳng xuống dưới.
Một điểm độc đáo khác của ALBW là Link có thể sử dụng món trang bị-vũ khí "khủng" ngay từ đầu trò chơi. Tất cả là nhờ vào tên “gian thương” Ravio, hắn muốn mượn nhà của Link làm tiệm tạp hóa, đổi lại hắn sẽ cho… thuê những món trang bị độc đáo giúp Link tăng cường khả năng giải quyết các câu đố của mình. Lưu ý, cho thuê nghĩa là sẽ tốn tiền và nếu bạn xúi quẩy... chết thì Ravio sẽ thu hồi lại vật phẩm bạn đã thuê. Lần sau bạn sẽ phải trả tiền tiếp nếu muốn thuê lại hoặc chờ đến giai đoạn giữa game Ravio sẽ... bán đứt luôn cho bạn với giá cắt cổ.
Điều này dẫn đến việc các mê cung trong ALBW có thể phá giải mà không cần theo thứ tự như các bản trước nữa. Ví dụ bạn chỉ cần thuê cây gậy băng là có thể qua được mê cung lửa bằng cách đóng băng nham thạch hoặc dùng gậy lửa để qua mê cung băng khi có thể làm băng tan chảy. Đây có thể xem là điểm cộng sáng giá khi nó phá bỏ bớt sự tuyến tính trong game, khả năng tự do khám phá một thế giới mở được đề cao hơn.
Những trò chơi nhỏ (mini game) xuyên suốt game luôn là điểm thú vị của dòng Zelda và ALBW cũng không ngoại lệ. Nếu đôi khi cảm thấy mệt mỏi trên đường “hành hiệp” hoặc quá đau đầu vì một câu đố hóc búa, bạn hãy tạm ngưng và xả stress bằng những mini game dễ thương như... tránh gà ở trại nuôi gà hay đánh bóng chày tìm kho báu, thậm chí là thử sức mình ở tháp tử thần Treacherous Tower với hàng đàn quái vật. Phần thưởng cao nhất của các trò này luôn là những mảnh Heart Pieces giúp người chơi kéo dài "thanh máu".
Ở giai đoạn sau, bạn còn có thể giúp mẹ ốc Maiamai tìm... 100 đứa con bị thất lạc ở khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ này sẽ không dễ dàng chút nào, vì bạn sẽ phải bới tung từ hòn đá ngọn cỏ theo đúng... nghĩa đen để tìm cho đủ số. Khá nhiều chú ốc Maiamai con nằm ở những vị trí “khó đỡ” mà bạn phải vận dụng “hết ga” trí thông mình lẫn óc tưởng tượng của mình để tìm ra. Phần thưởng của nhiệm vụ này không hề nhỏ chút nào, cứ mười chú ốc con bạn tìm được, mẹ Maiamai sẽ nâng cấp một món vật phẩm bạn đã mua từ Ravio lên cấp cao hơn và hiệu năng xịn hơn. Khi tìm đủ 100 chú ốc, người chơi sẽ mở khóa được tuyệt chiêu cuối “Great Spin Attack” với sát thương và tầm đánh ở mức... khủng bố.
Hình - Âm
Cứ mỗi lần Nintendo cố làm một phiên bản The legend of Zelda với đồ họa 2.5D thì y như rằng nhiều fan sẽ... ném đá tới tấp. May mắn thay, lần này Nintendo đã thiết kế ALBW theo góc nhìn 2D từ trên xuống vốn rất ăn khách với các phiên bản như Oracle of Ages, Oracle of Seasons, Minish Cap...
Kết hợp với việc thay đổi góc nhìn theo phương ngang mỗi khi Link nhập tường và khả năng hiển thị 3D rất tốt của Nintendo 3DS, đồ họa trong ALBW thật sự tuyệt vời. Bằng thủ pháp xây dựng không gian ba chiều hoàn toàn mở rộng, cũng như cách thay đổi góc nhìn rất thông minh và hợp lý, người chơi thật sự cảm thấy mình đang tồn tại trong thế giới Hyrule 3D chứ không còn đang cầm máy game trên tay nữa. Một bước đột phá của ngành công nghiệp game rất đáng ghi nhận, rất có thể sẽ trở thành một trào lưu mới.
Âm thanh trong ALBW không có gì để bàn nhiều. Chẳng phải vì nó quá nhàm chán, mà bởi nó vốn quá hoàn hảo để có thể tách bạch khen chê. Vẫn những trường đoạn anh hùng ca trên bước đường phiêu lãng, vẫn những đoạn âm thanh vui tai mỗi khi tương tác với nhân vật trong game, vẫn những tiếng gió lùa, tiếng nước chảy róc rách, tiếng đá lở ì ầm... quen thuộc, thế nhưng nào có ai dám nói rằng mình chưa một lần bị mê hoặc bởi những âm hưởng tràn đầy ma lực này?
Cảm xúc
Không khó để hiểu tại sao ALBW lại đoạt giải “Game hay nhất năm 2013”. Kết hợp những yếu tố như hình âm xuất sắc, lối chơi đầy chiều sâu và ấn tượng, cùng với một cốt truyện thoạt trông tưởng như quen thuộc đến mức nhàm chán nhưng thật ra lại vô cùng sâu sắc, cảm động; ALBW thật sự xứng đáng với những gì mà nó mang lại cho người chơi.
Chắc hẳn ai cũng phải một lần “sốc” khi vừa đặt chân vào thế giới Hyrule mà thanh kiếm Master Sword huyền thoại của biết bao đời game Zelda lại quá... cùi bắp, còn bọn quái vật thì lại quá... trâu bò. Bằng cách cố công tìm các khối đá thiêng từ những nơi "thâm sơn cùng cốc", người chơi sẽ cảm thấy lòng vô cùng an ủi khi thần kiếm của mình đã được cường hóa lên một tầm cao “khó đỡ”.
Cũng khó ai nói rằng mình không bất ngờ với những nút thắt mở cốt truyện hết sức đột phá và ấn tượng của ALBW, khi các vấn đề bạn đã từng nghĩ đến trong phút chốc lại vỡ tan thành bọt nước khi câu chuyện làm những "cú rẽ" bất ngờ. Từ đây, giá trị về sự hy sinh cũng như những đánh đổi để hoàn thành ước mơ bỗng chốc trở nên quá nặng nề và khiến người ta phải trầm tư suy nghĩ.
Tổng kết
The legend of zelda: A link between worlds thực sự là một siêu phẩm của làng game, khi nó có thể khiến cho những “anh tài” với đồ họa khủng và tiếng tăm nổi bật phải chịu lép khi nhường ngôi vương mà vẫn phải cam lòng. Dù bạn đã chơi hết các bản của dòng game Zelda hoặc chưa bao giờ thử qua, thì A link between worlds vẫn rất đáng để trải nghiệm, nếu bạn muốn tìm kiếm một tác phẩm đáng giá giữa "rừng game" đang dần đi vào lối mòn trong thời gian gần đây.
Bình luận (0)