Vi phạm quyền sở hữu
LS Trần Công Ly Tao - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích, nhà ở, biệt thự cũng như bất kỳ tài sản nào khác của người dân đều được Hiến pháp đảm bảo quyền sử dụng. Có nghĩa là, với những biệt thự mà người dân đã đóng tiền sử dụng đất thì họ có quyền tự sử dụng, tặng cho, cho thuê hay không sử dụng…, miễn không làm ảnh hưởng đến môi trường, lợi ích hợp pháp của người khác, không vi phạm pháp luật. Do đó, việc bắt buộc chủ biệt thự phải khai thác, sử dụng, không được “bỏ hoang” là sự cưỡng bức hành chính không có cơ sở pháp luật - tức thuế BTBH nếu ban hành sẽ va chạm ngay với các quyền đương nhiên của người dân.
Một cái khó khác là làm thế nào để định nghĩa được khái niệm “nhà bỏ hoang”. Nếu quy định nhà không có người ở là bỏ hoang, chưa hoàn thiện là bỏ hoang... thì chủ sở hữu sẽ có nhiều cách để lách ngay khi luật vừa ra đời. "Chẳng hạn, người dân xây trét nhà tạm bợ rồi lâu lâu ghé qua ở một bữa, hoặc cho người ở nhờ... thì cũng chẳng thể bắt bẻ được họ. Mặt khác, đơn vị nào sẽ làm nhiệm vụ rà soát BTBH và liệu có đủ lực lượng để "canh me" một biệt thự trong vòng 3 hay 6 tháng để xác định mức thuế suất? Để thu thập được đầy đủ bằng chứng chứng minh người dân bỏ hoang biệt thự trong thời gian dài thì e rằng tiền thuế thu được không đủ bù chi phí cho con người, phương tiện thực hiện, vì số lượng BTBH trên cả nước cao lắm cũng chỉ vài ngàn căn" - LS Tao nói.
|
Ông Nguyễn Cảnh Hà - Giám đốc Công ty địa ốc An Thiên Lý, cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến biệt thự bị “bỏ hoang”, chứ không phải cứ “bỏ hoang” nghĩa là đầu cơ. Thông thường, BĐS có giá trị lớn như vậy mà bỏ hoang thì chủ sở hữu thiệt hại đầu tiên, tuy nhiên, có thể do người dân muốn hoàn thiện nhưng chưa có vốn, hoặc muốn bán nhưng chưa được giá. Không nên có cái nhìn quá cực đoan với “nhà bỏ hoang”, bởi trong nhiều trường hợp đây chỉ là một tai nạn đầu tư, nhà đầu tư thấy tốt thì nhảy vào, thấy suy thoái thì phải trì hoãn. Mặt khác, cũng có trường hợp người dân gom tiền mua biệt thự ở ngoại ô để về già sinh sống, hoặc dân tỉnh mua nhà ở TP cho con học đại học... thì nhu cầu sở hữu là có thật, dù chưa sử dụng ngay. Mục đích đưa ra sắc thuế này là nhắm vào đối tượng đầu cơ, cho nên việc thu thuế cần hết sức thận trọng, không nên đánh nhầm vào những người có nhu cầu và lý do chính đáng.
Nếu muốn kiểm soát việc sử dụng tài sản nhà đất của người dân, không nên xé lẻ đánh thuế riêng cho BTBH, mà cần sắc thuế đồng bộ cho cả hệ thống
|
|
TS Lê Thẩm Dương |
Không nên xé lẻ
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Ngân hàng TP.HCM), cho rằng, BTBH là sự lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai, mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của sự lãng phí này là do những bất cập về chính sách quản lý nhà ở, quản lý thị trường BĐS chứ không phải chỉ do một bộ phận vài ngàn BTBH này gây ra. "Ở VN, bỏ tiền mua nhà là xong, không phải chịu trách nhiệm gì nữa nên người dân sử dụng hay bỏ hoang cũng không thành vấn đề. Trong khi với các nước, tiền mua nhà không nặng bằng tiền “nuôi” nhà hằng năm, đó chính là lý do người dân không dám sở hữu nhiều nhà, hoặc nếu sở hữu nhiều nhà cũng sẽ tìm cách bán hoặc cho thuê để quay vòng đồng vốn. Nếu muốn kiểm soát việc sử dụng tài sản nhà đất của người dân, không nên xé lẻ đánh thuế riêng cho BTBH, mà cần sắc thuế đồng bộ cho cả hệ thống. Bởi nếu tách ra “bỏ hoang” và “không bỏ hoang” để đánh thuế thì rất khó kiểm soát trên thực tế, càng làm tình hình rối thêm" - TS Dương nói.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, không nên giải quyết vấn đề một cách cục bộ, mà nên đưa ra chính sách toàn cục, đồng bộ. Chính sách thuế nhà đất cũng giống như thuế thu nhập cá nhân chủ yếu đánh vào đối tượng giàu có, nhằm mục đích phân phối lại tài sản trong xã hội (khác với các thuế khác đánh đồng trên mọi đối tượng). Do vậy, không cần phân biệt “bỏ hoang” hay “không bỏ hoang”, mà cứ có nhiều tài sản nhà ở thì phải đánh thuế, có thể đánh thuế theo lũy tiến, sở hữu càng nhiều BĐS thì thuế càng cao. Khi đó, người dân sẽ cân nhắc mua những BĐS có thể sinh lợi, chủ sở hữu buộc phải tìm cách để căn nhà của mình được sử dụng một cách hiệu quả, không ai dám bỏ hoang. Quan trọng nhất là Nhà nước cần hoàn thiện chính sách về thuế nhà đất để đảm bảo điều tiết thị trường một cách đồng bộ.
Phương Thanh
Bình luận (0)