“Tôi nghĩ yêu cầu trên là không công bằng. Tôi chẳng làm gì sai trái”, ông Zuma phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia SABC.
Nhà lãnh đạo 76 tuổi còn giải thích ông đã đề nghị từ chức vào tháng 6, đồng thời phản đối cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị như hiện nay.
Tuyên bố nói trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Quốc hội Nam Phi Baleka Mbete khẳng định quốc hội sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Tổng thống Zuma vào ngày 15.2.
ANC hiện là đảng cầm quyền ở Nam Phi nên lãnh đạo đảng là Phó tổng thống Cyril Ramaphosa, 66 tuổi, sẽ được đề cử để thay thế khi ông Zuma từ chức.
Nếu như Tổng thống Zuma bị loại bỏ bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thì chủ tịch quốc hội sẽ trở thành quyền tổng thống cho đến khi người đứng đầu nhà nước mới được bầu ra. ANC chiếm đa số tại quốc hội nên gần như chắc chắn ông Ramaphosa sẽ được bầu chọn, có thể ngay trong ngày 15.2 hoặc 16.2.
Phó tổng thống Ramaphosa tuyên bố ông không muốn làm bẽ mặt Tổng thống nhưng đã vận động ngầm trong thời gian qua nhằm gây áp lực buộc ông Zuma từ chức sớm.
Thủ lĩnh đảng Liên minh Dân chủ đối lập, ông Mmusi Maimane, xác nhận các đảng đối lập ủng hộ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và yêu cầu bầu cử sớm. “Bất cứ ai thuộc ANC muốn lãnh đạo đất nước này phải nhận được sự ủy nhiệm của nhân dân Nam Phi”, BBC dẫn lời ông Maimane nói.
Trong khi đó, cảnh sát Nam Phi đã đẩy mạnh cuộc điều tra nhằm vào gia tộc tài phiệt Gupta, vốn thân cận với ông Zuma. Reuters đưa tin cảnh sát ngày 14.2 đã ập vào dinh thự của nhà Gupta và bắt giữ ít nhất 3 người.
Tổng thống Zuma bị cho là đã tạo điều kiện cho gia đình Gupta thắng thầu nhiều dự án nhà nước và gây ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm một số thành viên nội các. Gia tộc Gupta và ông Zuma đều phủ nhận những cáo buộc trên.
Bị tố tham nhũng
Ông Zuma lên lãnh đạo ANC từ năm 2007 và hai năm sau thì trở thành tổng thống Nam Phi. Nhiệm kỳ của vị lãnh đạo này sẽ chính thức kết thúc vào giữa năm 2019 nhưng sức ép buộc ông phải từ chức gia tăng trong vài tuần qua.
tin liên quan
Tối hậu thư cho Tổng thống Nam PhiCác đảng phái đối lập, nhất là đảng Liên minh Dân chủ, cáo buộc chính quyền ông Zuma "tham nhũng tràn lan và yếu kém trong điều hành đất nước, khiến cho nền kinh tế lớn nhất châu Phi rơi vào suy thoái nghiêm trọng".
Việc ông Zuma quyết định chọn vợ cũ là bà Nkosazana Dlamini-Zuma là người kế nhiệm lãnh đạo ANC cũng đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội trong nội bộ đảng lẫn dư luận. Tuy nhiên, bà đã thua cuộc trước Phó tổng thống Ramaphosa trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch ANC hồi cuối năm 2017.
Ông Zuma từng là thành viên kỳ cựu của phong trào đấu tranh chống chế độ apartheid trước đây và có 10 năm ngồi tù cùng cố lãnh tụ Nelson Mandela tại nhà tù trên đảo Robben ở Nam Phi.
6 lần cưới vợ
Jacob Zuma là tổng thống đa thê với 6 lần kết hôn, trong đó 1 người vợ tự sát và 1 người đã ly hôn.Lãnh đạo 76 tuổi hiện sống với 4 vị phu nhân cùng 21 người con, theo tờ The Guardian.Gia đình đa thê của ông Jacob luôn được chú ý liên quan đến những thông tin về cuộc chiến trong hậu cung và ngân sách khủng dành cho 4 quý phu nhân.Tờ The Telegraph dẫn các nguồn tin từ Nam Phi nói 4 bà vợ của ông Zuma được chu cấp tổng cộng 1,8 triệu USD/năm, chia đều số tiền cho nhau đi du lịch nước ngoài và mua sắm hàng hóa xa xỉ, phục vụ cho đời sống cá nhân.Số tiền này mới chỉ là tiền chu cấp tiêu xài hằng ngày, trong khi tiền điện nước, nhà ở… được trợ cấp từ ngân sách. |
Bình luận (0)