img
Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 1.

Khi thực hiện Mưa trên cánh bướm, điều thực sự bạn muốn chuyển tải qua nội dung phim là gì?

Khi bắt đầu viết kịch bản, tôi tập trung vào câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tìm mọi cách để chạy trốn thực tại, và từ chối đối diện với những cảm xúc thành thực trong các mối quan hệ giữa người với người?

Trong gần 4 năm phát triển kịch bản, tôi dần trưởng thành cũng như có cái nhìn đa chiều hơn về hôn nhân và gia đình. Tôi muốn thử kể lại câu chuyện về sự đổ vỡ của một cuộc hôn nhân bắt nguồn từ sự mất kết nối và tránh né đối thoại. Nó tiếp diễn ngay cả khi những người trong cuộc cố níu kéo một cách vụng về và gượng gạo.


Tôi cũng muốn thông qua nhân vật chính để đặt câu hỏi cho những người phụ nữ rằng, thế nào là hạnh phúc, và liệu việc bỏ mặc những cảm xúc của bản thân để chạy theo kỳ vọng của xã hội về vỏ bọc hôn nhân trọn vẹn có thực sự là câu trả lời.


Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 2.

Dương Diệu Linh tại Liên hoan phim quốc tế Venice 2024

Trang tin Screen Daily cho rằng sự pha trộn giữa chủ nghĩa nữ quyền và văn hóa dân gian Việt tạo sự mới lạ và hấp dẫn cho phim của bạn. Vì sao bạn đem hai yếu tố này vào bộ phim điện ảnh đầu tay của mình?

Thật ra trong phim đơn thuần là đời sống tâm linh của người Việt. Đời sống này đã bị bóp méo và lợi dụng bởi những kẻ trục lợi, rao bán những giải pháp "mì ăn liền", mê tín dị đoan cho những người đang cần bấu víu vào bất cứ thứ gì được quăng ra trước mặt họ. Còn chủ nghĩa nữ quyền thì tôi không nghĩ quá nhiều vì không có đủ kiến thức và hiểu biết sâu sắc về nó.

Tôi viết kịch bản chủ yếu dựa trên các quan sát và trải nghiệm của cá nhân về cả hai giới, những kỳ vọng của xã hội về một gia đình kiểu mẫu, người phụ nữ gia đình điển hình, một người đàn ông kiểu mẫu điển hình, một đứa con ngoan. Có lẽ một phần do từ nhỏ đến lớn tôi chứng kiến những người lớn xung quanh luôn gồng mình để có một cuộc đời "kiểu mẫu", và ngay cả bản thân tôi cũng đã từng như vậy.

Chạy theo những giá trị và kỳ vọng xã hội và tự đặt ra cho bản thân khiến chúng ta quên mất mình thực sự là ai, thực sự muốn gì, và điều gì mới thực sự khiến ta hạnh phúc.

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 3.
Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 4.
Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 5.

Đạo diễn Dương Diệu Linh trên phim trường Mưa trên cánh bướm

Hơi tò mò vì bạn là người trẻ, nhưng lại chạm đến những vấn đề mà người ta hay bảo là "khó nhằn". Vậy bạn lấy chất liệu từ đâu để "dệt" nên nội dung và ấp ủ nhiều năm mới hoàn thiện kịch bản?

Những vấn đề về giới và sang chấn liên thế hệ được đề cập trong bộ phim đến với tôi một cách khá tự nhiên, giống như một sự ám ảnh đã tồn tại trong tôi từ rất lâu.

Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ được dạy phải biết nấu ăn giỏi để "sau này còn lấy chồng". Khi lấy chồng rồi thì được thủ thỉ bên tai "sinh con là thiên chức của phụ nữ". Lúc bươn chải phấn đấu sự nghiệp thì hay được nghe câu "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Tôi tin là hầu hết phụ nữ phương Đông đều lớn lên với những lời dạy bảo, răn đe, khuyên nhủ như vậy. Nó được truyền từ đời này qua đời khác, những thế hệ phụ nữ chưa kịp định hình bản thân thì đã được gắn cho một danh sách giúp định nghĩa giá trị và sự tồn tại của họ.

Còn yếu tố tâm linh trong phim không phải nói về bất cứ tôn giáo nào, mà là sự kết nối giữa bản thể với tâm hồn, việc thiếu kết nối giữa người với người, và thiếu đối thoại giữa bản thân với những cảm xúc, mong muốn thầm kín, đơn thuần nhất. Những người phụ nữ trong phim của tôi luôn kiếm tìm một thứ gọi là tự do, nhưng họ vẫn loay hoay trong mớ bòng bong của những kỳ vọng xã hội, và sự xa cách với chính bản thân mình.

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 6.

Có vẻ bạn thích làm phim về đề tài phụ nữ, những người phụ nữ trung niên mạnh mẽ, độc lập, khao khát yêu và sống… Có dấu ấn cá nhân hay hiện thực đời sống nào khơi gợi điều này trong bạn để đem nó lên màn ảnh?

Tôi lớn lên ở cạnh một khu chợ ướt khá lớn nên từ bé đã được vây quanh bởi những người phụ nữ trung niên như vậy. Hồi bé tôi rất phục tài mặc cả của các bà, các bác, thích ngồi hóng chuyện nhà chuyện cửa ở quán chè, và ngồi nghe những cuộc cãi vã vọng lên từ dưới cửa sổ phòng mình. Có lẽ một cách vô thức những hình ảnh và âm thanh đó đã gắn bó với tôi một thời gian rất lâu.

Tôi luôn tò mò sau vẻ ngoài mạnh mẽ, bất cần đó là những trái tim có hình hài như thế nào, liệu những chai sạn của cuộc sống có khiến chúng bất chợt thổn thức trước một cử chỉ tử tế thiện lành, liệu chúng có mong mỏi một bó hoa hồng cùng bữa ăn bên ánh nến lãng mạn chẳng khác gì những cô gái xuân thì đôi mươi, liệu chúng có còn biết yêu và khát khao được yêu?

Khi tôi bắt đầu viết bộ phim ngắn đầu tiên thì những người phụ nữ trung niên đã tự động hiện lên một cách nhẹ nhàng như vậy.

Bạn chia sẻ nội dung phim là "Nỗ lực của tôi để phá vỡ hình ảnh khuôn mẫu về những người phụ nữ buồn bã và bất lực…". Đây có phải là góc nhìn của một cô gái trẻ về người mẹ, người chị của mình và thực sự bạn muốn phá vỡ điều gì?

Khi tôi nói về việc "phá vỡ hình ảnh khuôn mẫu" là đang đề cập đến cách mà phụ nữ châu Á nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng hiện lên qua góc nhìn phương Tây, cả trong đời sống và qua các tác phẩm nghệ thuật.

Với tôi, điều đáng sợ hơn là khi kẻ thù của những người phụ nữ nằm ở trong chính bản thân họ, ở những khuôn mẫu đã hằn sâu vào tiềm thức, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ có thể rất độc lập, rất năng động và đầy sức sống, có thể chủ động cố gắng tìm cách giải quyết cho những vấn đề của mình. Nhưng một cách vô thức họ lại bị níu kéo và kìm hãm bởi những khuôn mẫu và sang chấn đã tồn tại suốt cả cuộc đời mà họ thậm chí còn không ý thức được.

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 7.

Vậy thế giới quan trên phim của bạn và thế giới quan ngoài đời của Dương Diệu Linh có nhiều điểm tương đồng không?

Tôi luôn không ngừng chuyển động và cố gắng mở rộng thế giới quan của bản thân. Ngay cả trong quá trình 5 năm thực hiện bộ phim, tôi cũng đã thay đổi rất nhiều rồi. Vậy nên có thể nói thế giới quan trên phim của tôi thuộc về Dương Diệu Linh của giai đoạn 2019 - 2024. Còn sau này tôi sẽ thay đổi như thế nào nữa, có lẽ mời mọi người đón chờ những bộ phim sau.

Được biết dù sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nhưng hiện tại bạn đang sống và làm việc ở Canada. Vậy bạn có theo dõi thị trường điện ảnh trong nước không? Bạn đánh giá thế nào về xu hướng làm phim của các đạo diễn Việt hiện nay?

Hiện tôi đang theo học thạc sĩ tại Canada. Tôi luôn theo dõi thị trường điện ảnh trong nước, nhất là những năm gần đây khi chúng ta liên tục có những cơn bão phòng vé và các tác phẩm tham dự nhiều liên hoan phim lớn trên thế giới. Tôi tin rằng theo thời gian, cùng với sự ủng hộ của khán giả, những nhà làm phim trong nước sẽ có thêm điều kiện để phát triển chất lượng các tác phẩm nội địa, cả về nội dung kịch bản, diễn xuất lẫn kỹ thuật quay. Việt Nam có rất nhiều chất liệu hay để làm phim, nên dù nền điện ảnh của chúng ta vẫn còn mới so với nhiều nước trong khu vực, tôi có một niềm hy vọng lạc quan về tương lai rực rỡ.

Sắp tới phim Mưa trên cánh bướm sẽ phát hành trong nước. Bạn nghĩ phim của mình có tạo được sức hút với khán giả trong nước không? Có lẽ "chất liệu Việt" là một lợi thế chăng?

Nói trước bước không qua ( cười ). Nhưng tôi hy vọng là bộ phim sẽ chạm được tới trái tim của khán giả.

Tôi tin vào tính không biên giới của cảm xúc con người, và một bộ phim tốt cần tạo được sự rung động bất kể khán giả đến từ đâu. Nhưng tôi cũng tin rằng khán giả Việt Nam sẽ đồng cảm và kết nối được với những chi tiết đời sống quen thuộc trong phim.

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 8.
Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 9.

Dương Diệu Linh tại Liên hoan phim quốc tế Venice 2024

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 10.

Lâu nay nhiều phim Việt giành giải thưởng quốc tế nhưng khi chiếu trong nước lại rất ảm đạm về doanh thu và không gây ấn tượng với khán giả, theo bạn vì sao?

Với tôi, làm ra một bộ phim cũng giống như sinh một đứa con. Mình luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng và những giới hạn của bản thân. Nhưng một khi đứa con đã "ra đời" và đến với khán giả, thì nó có một cuộc sống riêng mà bản thân chúng ta sẽ không kiểm soát được.

Những trải nghiệm khi học điện ảnh ở nước ngoài đã giúp bạn phát triển ra sao ở vị trí một đạo diễn? Phong cách làm phim của bạn có chịu ảnh hưởng của một số đạo diễn Nhật và Hàn Quốc?

Tôi học điện ảnh ở Singapore và điều tôi học được từ những đồng nghiệp ở đây có lẽ là sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời khả năng làm nhiều việc cùng một lúc vì chi phí quay phim ở đây rất đắt đỏ, thường một nhân sự sẽ cần chịu trách nhiệm cho nhiều khâu khác nhau. Tôi từng làm qua gần như tất cả các vị trí trong một đoàn phim và những trải nghiệm này giúp bản thân khá nhiều trong công tác đạo diễn, vì có thể hiểu được cách từng bộ phận vận hành như thế nào để có thể nói chung một ngôn ngữ trong quá trình cộng tác.

Tôi xem khá nhiều phim và chủ yếu là phim Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông thập niên 1970 - 2000. Điểm chung ở những bộ phim ấy là gây xúc động mạnh về mặt thị giác lẫn cảm xúc, đề cập đến những vấn đề thuộc về bản chất con người trên nền tảng xã hội Á Đông.

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 11.

Dương Diệu Linh cùng các nghệ sĩ tại Liên hoan phim quốc tế Venice 2024

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 12.
Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 13.

Dương Diệu Linh cùng các nghệ sĩ tại Liên hoan phim quốc tế Venice 2024

Qua nhiều nội dung phim mà bạn thực hiện, có thể đoán được Linh là một phụ nữ đa tính cách và hơi nổi loạn, luôn muốn phá vỡ những khuôn mẫu và rào cản?

Tôi cũng không nổi loạn lắm đâu. Bởi tôi vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những khuôn mẫu xã hội một thời gian dài cho đến những năm gần đây. Có lẽ điều tôi luôn tìm kiếm, tình cờ trùng hợp với những nhân vật trong phim, là một sự tự do.

Tự do được là chính mình và trung thực với tất cả những gì thuộc về bản thân mình. Một sự tự do trong tâm tưởng, không bị giới hạn bởi những giá trị vật chất và nơi chốn, không bị gò bó, bước qua những nỗi sợ "người khác sẽ nghĩ gì".

Nếu một lúc nào đó, Linh về Việt Nam và làm một bộ phim đơn thuần về giải trí và cho khán giả trong nước xem, bạn nghĩ mình có phù hợp?

Có lẽ bất cứ đạo diễn nào cũng đều có niềm mơ ước được làm một bộ phim nói tiếng mẹ đẻ, dành cho khán giả quê nhà, và được đón nhận bởi khán giả quê nhà. Tôi cũng vậy, hy vọng ngày đó sẽ đến sớm thôi.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tìm kiếm sự tự do, bước qua những nỗi sợ- Ảnh 14.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.