Đạo diễn 'Em là bà nội của anh': Tôi muốn đổi tên phim vì bị… ác cảm

15/12/2015 20:33 GMT+7

Chỉ sau 4 ngày ra rạp, bộ phim Em là bà nội của anh đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, Phan Gia Nhật Linh (hay còn gọi là Phan Xi Nê), đạo diễn bộ phim, nửa đùa nửa thật 'vì nhiều khán giả ác cảm nên tôi muốn đổi cả tên phim'.

Chỉ sau 4 ngày ra rạp, bộ phim Em là bà nội của anh đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, Phan Gia Nhật Linh (hay còn gọi là Phan Xi Nê), đạo diễn bộ phim, nửa đùa nửa thật 'vì nhiều khán giả ác cảm nên tôi muốn đổi cả tên phim'.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - Ảnh: Đăng NguyênĐạo diễn Phan Gia Nhật Linh - Ảnh: Đăng Nguyên
Phim gặp nhiều ác cảm
* Thưa anh, lý do gì anh nói như vậy?
- Phan Xi Nê: Khi tôi quyết định đặt tựa phim Em là bà nội của anh, thật sự tôi chỉ nghĩ đó là một cái tựa dễ thương. Khi phía Hàn Quốc muốn Việt hóa bộ phim Miss Granny, họ cũng yêu cầu một cái tên thuần Việt và làm bộ phim rất Việt Nam.
Ban đầu, khi phát hành phim Miss Granny ở Việt Nam, họ lấy tên là Ngoại già tuổi 20. Điều này không đúng lắm vì ở trong phim là bà nội. Sau này tôi có hỏi lại các bạn đặt tựa này thì họ cho biết trong văn hóa Việt Nam, mọi người ghét chữ "bà nội" vì có liên quan đến một câu chửi. Nhưng tôi rất yêu thương bà nội, bà ngoại và tôi nghĩ đó là câu mắng yêu, rất dễ thương chứ không phải bậy bạ. Sau đó, có nhiều phương án đặt tên phim như Tiểu thư bí ẩn, Mãi mãi tuổi thanh xuân… Những tựa này không phải là tựa dở nhưng nếu muốn đặt tựa rất Việt Nam thì Em là bà nội của anh rất thú vị và Việt Nam.
Tựa này dịch sang tiếng Anh sẽ là I’m your grandmother. Câu đó không có sự éo le bên trong. Nhưng với tiếng Việt, chữ em - anh, vai vế khó nằm sẵn ở trong. Nội dung phim thì chính xác theo nghĩa đen: kể về bà già 72 tuổi biến thành cô gái 20 tuổi, gặp và phải gọi cháu mình bằng anh. Tựa cũng thể hiện vai vế và buồn cười trong đó.
Nhưng tôi không biết là người khác có phản ứng tiêu cực mạnh về tựa này. Tôi xem trên mạng, nhiều người nhận xét nói tựa phim mang đến cho cho họ ác cảm rất lớn và họ sẽ không đến rạp xem vì tựa phim này. Thật ra phần đông khán giả Việt Nam thường thích đánh giá từ cái nhìn đầu tiên, nghĩa là đánh giá cuốn sách qua bìa sách chứ không phải nội dung bên trong. Họ chỉ ác cảm với tựa phim chứ chuyện phim hay dở thì không quan trọng.
Một phần nữa là khán giả vẫn còn ác cảm với phim Việt Nam. Trong khi đây chỉ là phim đầu tay của tôi với cái tên lạ hoắc. Phim cũng không có diễn viên ngôi sao để bán vé. Một điểm gì khác để bảo chứng cho thành công của bộ phim cũng không có nốt.
Đó là những ác cảm phía bên ngoài mà chúng tôi gặp phải qua những ngày đưa phim ra rạp.
* Vậy ác cảm bên trong là gì, thưa anh?
- Nhiều bạn không hiểu việc mua lại bản quyền nói là chúng tôi ăn cắp nội dung phim từ bản gốc. Không trách được điều này vì trước đây đã có một số phim như vậy. Nhưng giờ đây chúng tôi "hưởng" hết những suy nghĩ đó.
Một vấn đề được rất nhiều người tranh luận là sự giống nhau khi làm lại phim này từ bản gốc. Ngay từ đầu, phía đối tác cũng chỉ có một yêu cầu duy nhất đối với tôi là viết kịch bản phù hợp với Việt Nam. Họ không yêu cầu tôi phải thực hiện giống như bản gốc. Vì vậy, quyền quyết định là ở tôi.
Nhưng thật sự là kịch bản này rất chặt chẽ vì viết trong 6 năm trời. Kịch bản phim ở Trung Quốc viết mất 2 năm. Tôi chỉ có 4 tháng để viết. Khi viết kịch bản, tôi đã suy nghĩ làm khác đi và đã thực hiện như vậy. Nhưng sau đó tôi thấy những cái mình sửa khác đi không làm phim hay hơn. Tôi nhận ra cách hay nhất không phải là sáng tạo cái mới mà là làm bộ phim cho thật cảm xúc và thuần Việt. Tôi đặt hai phim kia sang qua một bên để làm kịch bản phim như hiện tại.
Tất cả những thứ không phù hợp với Việt Nam hay làm nhịp phim không tốt tôi đều loại ra. Cảnh hài hước có thể đẩy lên, đoạn gây cảm xúc có thể cắt bớt. Tôi cố gắng tiết chế một cách tốt nhất. Tôi cố gắng bình tĩnh để khỏi sa đà thành bộ phim quá sến. Tôi cũng đồng ý nếu khán giả nói phim này đa phần không khác gì nội dung bản gốc. Họ có cái lý của mình. Nhưng cần phải hiểu là việc làm kịch bản này như một trò chơi xếp gạch. Tôi phải rất cẩn thận để rút từng viên một để chồng gạch khỏi đổ, gây hỏng cả bộ phim.
Nhưng tôi tự hào vì nếu khán giả chưa từng xem hai phiên bản phim kia thì họ không biết được đây là bộ phim được làm lại vì nó có chất riêng của nó. Tôi cũng thừa nhận mình bị ảnh hưởng mạnh phiên bản Hàn Quốc và nếu chi tiết nào gây ấn tượng mạnh cho tôi, tôi chấp nhận có chi tiết nho nhỏ phim mình giống vậy. Nhưng chi tiết đó nằm trong mạch phim thì vẫn là phim của mình. Nếu copy lệch pha, kệch cỡm thì mới là copy, đáng chỉ trích. Còn nếu nó nằm trong mạch phim của mình thì tôi nghĩ có thể chấp nhận được.
Đối với những người đã xem phim, tôi thấy họ rất thích bộ phim. Nhiều bạn cũng cho biết ban đầu không định đi xem vì ác cảm tựa phim, đã xem bản gốc và nghĩ không có cách gì phim Việt Nam có thể hay hơn bản của Hàn Quốc và Trung Quốc được. Nhưng có người cho biết trong 2 ngày xem đến 3 lần, nghĩa là họ đã vượt qua ác cảm.
* Doanh thu phòng vé có khả quan không?
- Tính đến hết cuối tuần qua, phim đã thu được 16,5 tỉ đồng từ các phòng vé. Nhưng tiến độ như vậy chưa được như mong muốn.
Tôi muốn đổi tên phim vì bị… ác cảmĐạo diễn Phan Gia Nhật Linh tại rạp phim - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ban đầu, tôi không chọn Miu Lê
* Sau khi hoàn tất bộ phim, diễn viên nào anh cảm thấy ưng ý nhất?
- Đương nhiên đó là Miu Lê rồi. Nhưng ban đầu tôi không chọn cô ấy vì tôi thấy cô ấy đóng các phim khác chưa được khai thác tốt nhất. Diễn viên nữ chính không cần phải đẹp nhưng phải già dặn, chín chắn, có thể hát, có thể đóng cả hài lẫn bi. Có như vậy mới đem được hưng phấn cho người xem. Diễn viên này đóng vai 20 tuổi nhưng phải “khớp” với độ tuổi 72 thật sự của mình. Tôi đã chọn một diễn viên khác, so với Miu Lê thì diễn xuất ngang nhau nhưng tên tuổi cũng thu hút khán giả đến phòng vé tốt hơn.
Nhưng cuối cùng cô ấy bận và là may mắn cho tôi và bộ phim. Không ai làm tốt hơn Miu Lê ở bộ phim này. Và tôi thấy 90% khán giả cũng đánh giá cô ấy diễn xuất sắc. Qua quá trình làm việc, định kiến của tôi đã thay đổi. Và trước khi phim ra rạp, tôi đã nghĩ cô ấy sẽ đem được cảm xúc đến cho khán giả như vậy.
Nhưng nói thật, diễn viên nào tôi cũng thấy ưng ý (cười). Như vai bà Đại, tôi phải cho thử vai cực kỳ khổ sở. Rất nhiều người đến thử vai. Nhưng phải chọn người giống diễn viên Thanh Nga ngày xưa, lại phải hợp với ông Bé, không được quá già, không được quá trẻ. Cô Minh Đức chính là diễn viên thích hợp nhất sau khi chọn ra từ rất nhiều người. Hứa Vĩ Văn hay Ngô Kiến Huy đều diễn đúng ý đồ, bố con trong phim là NSƯT Thanh Nam - Thu Trang đều tung hứng xuất thần. Chú Đức Khuê cũng diễn rất tuyệt vời. Cảnh người con nói chuyện với “người mẹ 20 tuổi” ở đoạn cuối mà chú đóng, khi quay đã rất xúc động. Tôi cảm thấy có thể lấy nước mắt người xem ngay lúc đó.
* Vậy anh còn tiếc điều gì về nội dung phim?
- Với những cảnh quay ban đầu, các diễn viên có nhiều đất diễn hơn. Nhưng lúc này thời lượng phim dài quá, đến 2 tiếng 19 phút. Có thể là phim đầu tay, tôi chưa canh được nhịp. Cũng có thể là tiếng Việt nói chậm hơn tiếng Hàn, khiến phim dài hơn. Vì vậy, có rất nhiều cảnh tôi phải cắt đi dù rất tiếc nuối.
Chẳng hạn như cảnh buổi sáng sau khi bà Đại vô tình nghe chuyện con cháu trong nhà bàn về chuyện đưa bà đi nơi khác. Góc máy từ cửa nhìn vào là góc nhìn của đứa con trai. Bà Đại ngồi im lặng, quay lưng ra cửa. Có ánh nắng hắt vào từ phía cửa sổ vào chỗ bà. Bà ngồi đó, dẫu nghe tiếng rèm cửa, dẫu nghe tiếng bước chân của con trai, nhưng không quay lại. Không còn những chào hỏi buổi sáng. Không còn những vỗ về đưa tiễn.
Cảnh thứ hai là khi đứa con trai mời mẹ đi ăn để nói chuyện. Bản gốc là nói đưa mẹ vào viện dưỡng lão. Nhưng với văn hóa Việt Nam, sau đó tôi chọn cách con bà và con dâu xin phép ra ngoài. Bà thì nói mình sẽ về quê thăm họ hàng. Có những khoảnh khắc hai mẹ con không thể nói chuyện. Cuối cùng phải cắt hết đi.
Nhưng tôi rất ưng ý một chi tiết rất nhỏ trong phim. Có thể nhiều người không để ý nhưng mỗi khi tôi xem cảnh đó, tôi đều rất buồn. Đó là khi cô Kim Xuân, đóng vai một người phụ nữ lớn tuổi bị bệnh, con lại ở nước ngoài. Cô rất khác bà Đại, cô đánh son, đội tóc giả, ôm con chó… để giấu đi nỗi cô đơn của mình. Khi nhân vật cô Xuân đóng mất trong bệnh viện, có một cảnh máy quay quay cảnh con chó của cô chạy lon ton một mình. Tôi luôn đau đáu với một câu: “Sao có thể diễn tả nỗi cô độc của một con người trên phim?”. Ở đây, tôi dùng hình ảnh cô đơn của con chó để nói đến sự cô độc của người già. Vì cô xem nó như đứa con của mình rồi.
* Sau bộ phim này, anh sẽ làm gì kế tiếp?
- Tôi đang viết một kịch bản kế tiếp, nguyên gốc chứ không phải làm lại (Cười). Nó có hài, có bi, có ca hát, người già, người trẻ, gần với kiểu nhân vật trong phim Em là bà nội của anh. Nhưng nó hơi tự sự, mang tính showbiz hơn. Vì phim kể về những người ngây thơ đến với các chương trình truyền hình thực tế, bị truyền thông và mọi người nhào nặn, bóp méo, khiến cuộc sống không còn như xưa. Ý tưởng này tôi đã có từ khi học bên Mỹ và xem những cuộc thi ở nước ngoài và Việt Nam. Nhưng cuộc thi cũng mang tính biểu tượng để tôi nói đến những điều khác trong xã hội mà thôi.
* Cám ơn anh rất nhiều về cuộc trò chuyện này!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.