img
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đi sâu vào mới thấy hết cái đẹp của miền Tây” - Ảnh 1.

Gần 70 năm từ khi tác phẩm của Đoàn Giỏi ra đời, gần 80 năm so với bối cảnh của câu chuyện, gần 30 năm từ khi truyện được chuyển thể thành phim truyền hình, vì sao anh lại muốn kể lại câu chuyện ở thời điểm này?

Thuộc về thế hệ 7X, mình cũng từng là fan của bộ phim truyền hình Đất rừng phương Nam, lại còn có "gốc" miền Tây Nam bộ nữa. Phần nào đó mình cũng như cậu bé An, với hành trình khám phá và trải nghiệm một miền đất lạ. Khám phá tình cảm mà cha mẹ dành cho mình, khám phá những mối quan hệ tình cảm những người Nam bộ mà mình gặp. Và khám phá những lý tưởng mà cha mẹ họ đã theo đuổi và hy vọng…

Mình thì sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, lúc trước theo ba má về quê cũng chớp nhoáng và không ấn tượng gì nhiều. Nhưng sau này khi ba má mất, ở quê có ngôi trường mang tên ba mình, mình về thăm. Lúc này mình cũng có tuổi, nhiều tâm tư hơn, mình tự hỏi hồi xưa ba má mình sống trong thời chiến như thế nào, sự lựa chọn cũng như lý tưởng của ba má hồi đó ra sao…

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đi sâu vào mới thấy hết cái đẹp của miền Tây” - Ảnh 2.

Đoàn làm phim Đất rừng phương Nam với một góc tạo dựng khung cảnh Nam bộ từ 80 năm trước

Theo mình thế hệ nào cũng có mưu cầu hạnh phúc, nhưng từng thời cuộc là khác nhau nên mỗi thế hệ sẽ có những khát khao và hành động khác nhau. Vì thế, mỗi câu chuyện được kể lại bởi thế hệ khác nhau sẽ đưa ra những góc nhìn khác nhau, và đó là sự thú vị khi một câu chuyện được kể lại thêm lần nữa.

Mình luôn thích những câu chuyện khám phá bản thân và những người xung quanh mình. Hầu như tất cả phim của mình đều xoay quanh câu hỏi: Mình thật sự muốn gì?

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đi sâu vào mới thấy hết cái đẹp của miền Tây” - Ảnh 3.

Bố anh (nhà văn Nguyễn Quang Sáng) cũng có rất nhiều tác phẩm gắn liền với vùng đất Nam bộ, cũng từng là tác giả kịch bản của bộ phim nổi tiếng Cánh đồng hoang. Cũng đã 9 năm cụ khuất núi, vì sao anh vẫn chưa mặn mà với việc chuyển thể những tác phẩm của bố mình?

Mình và ba mình cách nhau 46 tuổi. Cũng khá xa. Khi còn trẻ, thường thì mình sẽ hướng ngoại, kể cả cuộc sống và nghề nghiệp. Khi lớn dần, mình sẽ bắt đầu có thiên hướng đi sâu vào bên trong hơn và muốn tìm lại những ký ức... Hiện mình đã có kế hoạch sẽ làm phim từ truyện của mình và những truyện kể của ba mình mà chưa in thành sách. Nhưng cũng chính vì điều đó rất quan trọng nên mình cần nhiều thời gian hơn.

Cũng có nhiều người muốn chuyển thể truyện Chiếc lược ngà và nhiều truyện khác của ba mình. Với mình thì ai làm được gì tốt mình đều ủng hộ, không nhất thiết phải là mình. Cũng đừng đặt nặng quá phải thế này hay thế kia. 

Để có một dự án thì phải có mấy điều kiện sau: phải có nhà đầu tư, khả năng điều kiện của mình, cảm nhận được đúng thời điểm của thị trường. Bạn biết đó, một dự án phim nghiêm túc, đặc biệt là những thể loại như vậy rất tốn kém và cần đầu tư thời gian để làm sao những câu chuyện quá khứ có thể chạm đến thế hệ hiện tại.

Chăm chút cho từng cảnh trong phim

Có lo ngại rằng Đất rừng phương Nam hội đủ... mấy "gót chân Achilles" của Dũng Khùng: cảm xúc (anh được cho là thiên về lý trí) + tả cảnh (anh từng bị trách là đã... cắm hoa giả lên một bãi cỏ rất đẹp ở Đà Lạt trong Nụ hôn thần chết) + chỉ đạo diễn xuất trẻ con..., anh có nghĩ thế?

Đôi khi mình và người ta có nhận định không giống nhau. Có phim của mình người ta bảo nhảm, nhưng mình lại thấy nghiêm túc. Có thể người ta đúng. Nhưng mình làm những gì mình muốn. Mỗi cái muốn nó có thể thay đổi theo từng giai đoạn. Quan trọng mình có cảm hứng thì mình làm thôi.

Đôi khi có những thứ mình tưởng mình mạnh, mà thiệt ra chưa chắc đã mạnh nếu như chủ quan; và ngược lại, có những thứ mình thấy khó nhưng nếu mình quyết tâm và thực sự muốn khám phá, trải nghiệm thì biết đâu có thể làm tốt hơn sở trường. Mình rất thần tượng Lý An (đạo diễn phim nổi tiếng của Đài Loan - NV). Mình cũng thích mỗi dự án là một cái gì đó mới, khám phá cả về câu chuyện, cũng như khám phá bản thân. Mình thích nói về thân phận, về những nhân vật tự khám phá bản thân.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đi sâu vào mới thấy hết cái đẹp của miền Tây” - Ảnh 5.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đi sâu vào mới thấy hết cái đẹp của miền Tây” - Ảnh 6.

Có thể chờ đợi gì ở Đất rừng phương Nam bản điện ảnh, so với bản truyền hình (1997)? Anh có lo rằng với một bộ phim chuyển thể từ cuốn truyện nổi tiếng từng được dựng thành phim truyền hình nhiều tập như vậy thì sẽ không còn yếu tố tò mò để kéo khán giả đến rạp? Chưa kể khán giả còn đã mặc định sẵn trong đầu những tạo hình quen thuộc, chẳng hạn như bé An của Hùng Thuận…?

Dự án nào cũng đều có áp lực riêng của nó. Với Đất rừng phương Nam bản điện ảnh, trong một điều kiện làm phim lý tưởng hơn so với bản truyền hình cũng như nhiều dự án trước đây của mình, thì việc phải chịu những áp lực như bạn kể trên, mình nghĩ cũng là xứng đáng. 

Mình muốn làm một bộ phim hùng tráng về con người và vùng đất Nam bộ. Với kinh phí chừng 40 tỉ đồng, bản điện ảnh rõ ràng tạo điều kiện tối ưu cho nhà làm phim hơn và có những góc nhìn hơi khác so với bản truyền hình. Nhưng đây cũng đồng thời là ca khó nhất với mình từ trước tới nay. Phim trải rộng trên nhiều bối cảnh, tại 9 tỉnh thành, trong đó chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Để tái hiện câu chuyện đã diễn ra từ gần 80 năm trước, phim đòi hỏi sự kỳ công rất cao trong khâu dựng cảnh và ứng dụng kỹ xảo. Do bối cảnh phải dàn dựng kỳ công và có những cảnh quay buộc phải thực hiện theo đúng trình tự trước sau nên lịch quay cũng không thể cơ động theo lịch của diễn viên, kể cả các diễn viên ngôi sao như Trấn Thành, Tiến Luật, Tuấn Trần… Tổng số diễn viên, bao gồm cả diễn viên quần chúng, lên tới mấy ngàn người, trung bình mỗi cảnh chừng 300 - 400 người (như chợ nổi, pháp trường…). Phim vừa có diễn viên trẻ con vừa người già, mà lại phải di chuyển qua rất nhiều bối cảnh. Lại còn thêm… diễn viên thú (vịt, gà, chim, chó…). Thời gian làm phim cũng phải kéo dài hơn do có những cảnh giải quyết được bằng kỹ xảo, nhưng cũng có những cảnh phải đợi đúng mùa như mùa sen, mùa lúa… mới tả miền Tây một cách sinh động và chân thật được. Có thể nói miền Tây cũng là một nhân vật trong phim.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đi sâu vào mới thấy hết cái đẹp của miền Tây” - Ảnh 7.

Miền Tây bây giờ có khác nhiều và mất nhiều so với miền Tây anh từng biết và trong trang văn của ba anh?

Mới đầu mình thấy miền Tây không được đẹp như mình hằng biết và hằng nghĩ, kiểu tỉnh nào cũng giống tỉnh nào, đi độ vài trăm mét lại thấy một cây cầu, đại loại vậy… Nhưng đi sâu vào thì vẫn còn nhiều cảnh đẹp lắm, và ở đâu cũng vậy thôi, còn phải tùy mùa. Và cũng phải đi sâu vào mới hiểu con người miền Tây tới giờ vẫn dễ thương vô cùng, có thể nói là ngoài sức tưởng tượng, trong cái cách họ quý người và trong cách họ bày tỏ tình yêu hồn nhiên với nghệ thuật. Có những diễn viên quần chúng mấy ngày vất vả chèo tới chèo lui dưới nắng nôi, nhưng vẫn sẵn sàng dồn hết số tiền thù lao ít ỏi của mình để thuê nhà trọ vì muốn đi theo đoàn phim qua hết các tỉnh thành để xem… diễn viên đóng phim.

Làm phim ở miền Tây có những cái khó đặc thù rất vui. Như mọi miền ở nước mình, miền Tây bây giờ cũng có vấn nạn… karaoke, và mỗi khi cần quay một cảnh yên tĩnh, đoàn phim lại phải vất vả đi tìm chỗ phát ra tiếng hát vì không biết nó vẳng ra từ đâu giữa khúc sông mênh mông kia. Thường ra một set quay ngoài trời chỉ cần canh sáng thì ở miền Tây còn phải canh theo con nước, chẳng hạn như những cảnh trên bãi sình. Và một vấn nạn điển hình là… muỗi, nhất là những cảnh quay diễn ra lúc chập choạng, tầm 4 - 7 giờ sáng hay 5 - 7 giờ chiều, muỗi cứ gọi là đâm xuyên quần áo… Mặc dù vậy, 2 tháng quay ở miền Tây vẫn là một trải nghiệm rất vui với đoàn phim, và khi về tới TP.HCM để thực hiện cảnh quay cuối cùng, rất nhiều người trong đoàn đã lăn ra ốm, có lẽ do không chịu nổi sự ngột ngạt của thành phố…

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng xắn quần lội sình chọn những góc quay đẹp

Khác biệt nhất của Đất rừng phương Nam bản điện ánh so với bản truyền hình là gì?

Là sẽ nhấn mạnh những yếu tố gia đình như là những giá trị căn cốt nhất của một đời người ở bất cứ xuất thân và trải nghiệm nào, thay vì thiên về nhấn mạnh những yếu tố địa - văn hóa của vùng đất Nam bộ như trong bản phim truyền hình.

Anh bị ảnh hưởng trend "phim gia đình" của năm nay chăng, từ bom tấn Việt Nhà bà Nữ tới bom tấn Mỹ Avatar và cả bộ phim vừa càn quét mùa giải Oscar 2023, Everything Everywhere All at Once?

Mình thích phim gia đình. Thật ra hầu như các phim của mình đều có yếu tố gia đình. Mình nghĩ gia đình là một đề tài gần gũi, thế mạnh của phim châu Á. Mà bây giờ chúng ta cũng thấy những bộ phim siêu anh hùng của Hollywood cũng luôn mang yếu tố gia đình. Everything Everywhere All at Once, mình rất thích năng lượng của bộ phim đó, cách kể chuyện về một đề tài gia đình rất hay và đặc biệt…

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đi sâu vào mới thấy hết cái đẹp của miền Tây” - Ảnh 9.

Vậy sao anh… mãi không chịu xây dựng gia đình?

À, là vì mình đang phải đợi mình… trưởng thành!

Bất kể cuộc tình đã gần 3 năm tuổi? "Còn thấy… vui là còn yêu", miễn "ngày chưa giông bão"?

Mình với bạn này cũng được lâu nha, lại còn cùng nhau trải qua hai năm đại dịch. Mình quý trọng bạn này vì bạn ấy rất quý trọng gia đình, thích cái cách mà bạn ấy chăm chút gia đình và đó là điều mình trân trọng nhất ở bạn ấy. Mình nghĩ mình sẽ bảo vệ điều đó, như chính cách mà bạn ấy đã bảo vệ gia đình…

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đi sâu vào mới thấy hết cái đẹp của miền Tây” - Ảnh 10.

Thủy Lê
Duy Quang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.